Đền ơn đáp nghĩa đạo lý và trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua cuộc chiến đấu anh dũng, làm nên những chiến công oanh liệt, chiến thắng quân thù, đi đến thống nhất đất nước. Ghi nhớ công lao ấy, những năm qua tỉnh Gia Lai luôn chú trọng làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và thực hiện chế độ đối với các thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

Tỉnh Gia Lai là địa bàn chiến lược quan trọng của Tây Nguyên trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hiện toàn tỉnh có trên 64.000 đối tượng, trong đó có 18.957 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được triển khai rộng khắp. Ngoài việc chi trả đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công và tạo điều kiện cho các gia đình chính sách phát triển sản xuất nâng cao đời sống, tỉnh còn tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; triển khai các hoạt động giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng.

 

Ngoài việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước nhân các ngày lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các đối tượng chính sách đều được các cấp chính quyền quan tâm thăm hỏi, tặng quà động viên. Hàng năm, tỉnh huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 3 tỷ đồng, xây dựng 80 nhà tình nghĩa, tặng 150 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, người có công. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công, đến nay toàn tỉnh đã sửa chữa được hơn 300 nhà, xây mới 850 nhà với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng.                    

Nhằm tạo điều kiện để từng bước nâng cao đời sống các đối tượng chính sách, những năm qua tỉnh đã tập trung đẩy mạnh chương trình xóa đói giảm nghèo, ưu tiên đầu tư cho những vùng căn cứ cách mạng. Các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ các gia đình có công cách mạng với những việc làm, như giúp vốn sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi... đời sống của các gia đình chính sách dần được cải thiện và nâng cao. Những địa phương làm tốt công tác này phải kể đến các huyện: Đak Đoa, Kbang, Chư Pưh, Kông Chro, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hà-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang, cho biết: Những năm qua, huyện Kbang đã làm tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống các hộ gia đình chính sách trên địa bàn huyện. Hiện nay, 100% hộ gia đình chính sách trong huyện có mức sống từ trung bình trở lên so với mức sống chung toàn huyện. Để có được kết quả đó, huyện không chỉ thực hiện việc chi trả chế độ đúng, kịp thời cho các đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng mà còn thường xuyên quan tâm hỗ trợ các gia đình chính sách theo Chương trình 30a của Chính phủ, chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, toàn huyện, hộ gia đình chính sách thuộc diện nghèo chỉ còn trên 100 hộ, theo chuẩn mới.

Với những chính sách ưu tiên của Nhà nước và địa phương, cộng với nỗ lực của bản thân, hiện toàn tỉnh có hàng ngàn gương thương-bệnh binh, gia đình có công với cách mạng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, trở thành những gia đình cách mạng kiểu mẫu, những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Trao đổi với Báo Gia Lai về một số nội dung liên quan đến công tác đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin nhấn mạnh: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tiếp tục thực hiện thật tốt chính sách ưu đãi đối với người có công; triển khai thực hiện tốt và hoàn thành đợt tổng điều tra người có công trên nguyên tắc: người có công phải được hưởng ưu đãi của Nhà nước, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng chí cũng mong muốn các tổ chức chính trị, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đặc biệt là quan tâm chăm lo, phụng dưỡng chu đáo các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó không chỉ là đạo lý mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương ngã xuống vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm