Phóng sự - Ký sự

Đẹp ngỡ ngàng Tây Nguyên mùa lá rụng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng 3, đất trời hãy còn xuân, từng lộc biếc chồi non vẫn vươn mình mạnh mẽ hòa vào sắc trời xanh biếc thì lại có một mùa lá rụng ở Tây Nguyên. Rừng cao su đồng loạt rụng lá nhưng không mang vẻ úa tàn mà thơ mộng và đẹp như tranh vẽ khi tạo ra nét chấm phá khác biệt trong không gian xanh mơn mởn của mùa xuân.
 

Rừng cao su mùa này thắp lên những ánh vàng thơ mộng của trời thu.
Rừng cao su mùa này thắp lên những ánh vàng thơ mộng của trời thu.

Có thể nói, tháng 3 là lúc Tây Nguyên đẹp nhất khi chứa trong mình nhiều sắc màu rực rỡ, tươi sáng của thiên nhiên. Đó là màu nắng vàng dịu dàng, màu trời trong xanh, màu hoa cà phê trắng xóa những cánh rừng và màu vàng ruộm của rừng cao su đang thay lá mới.
 

Mùa này, các rừng cao su đang rụng lá tạo nên
Mùa này, các rừng cao su đang rụng lá tạo nên "sắc thu" mơ màng, tuyệt đẹp.

Miệt mài và cần mẫn dâng cho đời dòng nhựa trắng liên tục trong 9 tháng, khi xuân về, những cây cao su mới “nghỉ ngơi” và rũ đi lớp lá già trong khi các loài cây khác vươn chồi xanh, khoe ra sức sống và sự tươi tắn của mình.
 

Mùa cao su thay lá vẽ lên nền trời những sắc màu tươi tắn, thơ mộng.
Mùa cao su thay lá vẽ lên nền trời những sắc màu tươi tắn, thơ mộng.

Mùa thay lá, cao su lại góp mật, ươm mầm sống cho vòng đời kế tiếp sau khi "bùng cháy" bằng sắc lá đỏ rực trên cành rồi buông mình xuống đất.
 

Trước khi rụng xuống, lá cao su như
Trước khi rụng xuống, lá cao su như "đốt" mình trong màu đỏ ối rừng rực, nồng ấm.

Lá rụng xuống nền đất đỏ tạo thành từng lớp dày rồi tự phân hủy theo những cơn mưa, qua ngày qua tháng mà biến thành dinh dưỡng nuôi cây.
 

Rừng cao su mùa này thắp lên những ánh vàng thơ mộng của trời thu.
Rừng cao su mùa này thắp lên những ánh vàng thơ mộng của trời thu.

Cứ thế, mùa lá rụng trước tạo thành thảm đất tươi tốt để làm nguồn sống, nuôi dưỡng cho những mùa nhựa và mầm sống tiếp theo.

Mùa cao su thay lá đã tạo nên bức tranh thiên nhiên mỹ miều cho Tây Nguyên đất đỏ khô cằn. Đối lập với những sắc xanh tươi mơn mởn là màu vàng ruộm, đỏ ối của rừng cây cao su như thổi bùng lên ngọn lửa đam mê lấp lánh trong những vệt nắng nhẹ khiến người ta phải sững sờ, kinh ngạc và xốn xang vì vẻ đẹp thơ mộng đó.

 

Rừng cao su khi mới bước vào mùa thay lá.
Rừng cao su khi mới bước vào mùa thay lá.

Thời gian này, cao su không cho mủ, rừng cao su cũng vì thế mà lặng lẽ và vắng bóng người. Chỉ có những hàng cây thẳng tắp, cao vun vút, chằng chịt những dòng mủ đã khô két lại, kiêu hãnh tận hưởng tiếng gió xào xạc và  ánh nắng đung đưa của mùa mới.
 

Từng đợt lá rụng trút xuống đất, mục ruỗng và tạo thành nguồn sống cho những mầm xanh tiếp sau.
Từng đợt lá rụng trút xuống đất, mục ruỗng và tạo thành nguồn sống cho những mầm xanh tiếp sau.

Thỉnh thoảng bạn mới thấy bóng dáng của con người, có thể là những đứa nhỏ đi nhặt củi hoặc đang nô đùa chạy qua hàng cây thẳng tắp với gọi nhau…

Chỉ một chút huyên náo thôi, cuối cùng lại hòa theo những cơn gió rồi bị nuốt chìm giữa bốn bề tĩnh lặng. Giữa màu nâu của thân cây, màu vàng, đỏ của lá, của đất, màu xanh của khoảng trời trên cao, màu nắng vàng nhảy nhót tinh nghịch, lòng người càng xao động rộn ràng khi bất chợt phát hiện ra mình là một sắc màu nhỏ nhoi trong bức tranh mùa thu thơ mộng, khổng lồ ấy.

 

Rừng cao su Gia Lai.
Rừng cao su Gia Lai.

Tại Tây Nguyên, địa điểm ngắm rừng cao su thay lá đẹp nhất là ở Gia Lai và Đak Lak. Giữa làn gió se se lạnh, thả bộ trên thảm lá cao su rụng vàng, bước lên những đốm nắng in hằn trên mặt đất, ngắm “bức tranh thu” vàng óng ả và cả bầu trời xanh cao vời vợi… sẽ là trải nghiệm lý thú trong ngày xuân tới.

Theo tinnhanh

Có thể bạn quan tâm