Dệt thổ cẩm ở Ia Ka và nỗi lo truyền nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi tìm đến câu lạc bộ dệt vải thổ cẩm theo lời hẹn với chị Rơ Châm H’Ngoan-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka (huyện Chư Pah) vào một chiều tháng 7-2014. Dọc theo con đường vào trung tâm xã, trước mỗi hiên nhà, đây đó vẫn có những phụ nữ ngồi mải miết luồn go, dệt vải.

Bà Pló-tuổi cao nhưng vẫn dệt vải vì đam mê. Ảnh:Phan Lài
Bà Pló-tuổi cao nhưng vẫn dệt vải vì đam mê. Ảnh: Phan Lài

Trao đổi với chúng tôi, chị H’Ngoan chia sẻ: Câu lạc bộ dệt vải thổ cẩm ở xã Ia Ka đã được thành lập gần 5 năm. Toàn xã có 758 chị em nhưng chỉ 54 hội viên phụ nữ. Trước đây, câu lạc bộ hoạt động sôi nổi lắm, cũng đã có nhiều cơ sở đến đặt hàng về bán, một bộ trang phục thổ cẩm chị em bán được 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng, nhiều gia đình từ đó cũng khá giả hơn. Thời gian gần đây, sản phẩm không còn bán được nhiều như trước, nên hoạt động của câu lạc bộ trở nên ì ạch, thay vì ngồi dệt chị em đã tìm các công việc khác như ra rẫy, đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Rơ Châm Yunh (ở làng Ngó 3, xã Ia Ka) là hội viên của câu lạc bộ ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cho biết: “Chiều nay trời mưa nên mình không ra rẫy, mình đang tranh thủ dệt cho xong tấm váy cho con gái. Mình thích dệt lắm, nhưng sản phẩm dệt ra lại xếp đống ở trong tủ, không có người mua nên không thể trông chờ vào nghề dệt được, thỉnh thoảng mình ngồi dệt cho đỡ “thèm” thôi”. Nói rồi, chị Yunh lấy tất cả sản phẩm thổ cẩm do chính tay chị làm ra khoe; nào là váy, khố, chăn, khăn tay, vỏ gối,... là những sản phẩm mà người dân tộc Jrai vẫn hay sử dụng trong đời sống hàng ngày. Chị bảo, làm được một sản phẩm từ vải thổ cẩm phải mất thời gian hàng tháng trời, đôi khi đến vài ba tháng.

Được tận mắt chứng kiến từng khâu dệt vải mới thấy những người phụ nữ nơi đây đã phải kỳ công như thế nào để làm nên những tấm thổ cẩm đẹp và độc đáo. Dụng cụ dệt vải gồm có nhiều bộ phận rời, là những thanh gỗ dài dùng để luồn sợi dọc và dập sợi ngang, tùy theo từng loại sản phẩm mà người thợ mắc sợi vào một trong 2 loại khung là khung ngắn và khung dài. Khi dệt bắt buộc họ phải ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp lên một thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt; tất cả các đầu nối của sợi dệt được gộp lại, buộc vào một chỗ chắc chắn như cột nhà, góc cây; khi dệt người thợ dùng chân và lưng của mình căng giàn sợi… Vì vậy, mỗi sản phẩm thổ cẩm được làm ra lại mang đậm vẻ đẹp thiên nhiên, tình yêu văn hóa, đồng thời nói lên sự cần cù, khéo léo của bàn tay mỗi người phụ nữ Jrai.

 

Sản phẩm không có đầu ra bị tồn đọng. Ảnh: Phan Lài
Sản phẩm không có đầu ra bị tồn đọng. Ảnh: Phan Lài

Tìm hiểu thực tế tại một số câu lạc bộ dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết: Nguyên nhân của thực trạng nhiều câu lạc bộ dệt vải bị ngưng hoạt động hay hoạt động ì ạch chủ yếu là do sự phát triển của ngành công nghiệp dệt hiện đại, những sản phẩm may mặc ngày càng phong phú và đa dạng về mẫu mã nên người dân dần thay những sản phẩm thổ cẩm bằng quần jeans, áo sơ mi… Những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống ngày càng ít xuất hiện trong đời sống hàng ngày, thậm chí trong những ngày lễ của dân tộc, hầu như mọi người không còn mặc. Dù chị em làm nghề dệt vải thổ cẩm trong câu lạc bộ đã cố gắng cách tân về mẫu mã, để sản phẩm không còn đơn điệu nhưng tình hình kinh doanh vẫn không được cải thiện, sức tiêu thụ của sản phẩm càng ngày càng giảm.

Khi được hỏi về kế hoạch trong thời gian tới, chị H’Ngoan buồn rầu nói: “Tuy thành lập đã được nhiều năm nhưng hiện tại câu lạc bộ vẫn không có nhà sinh hoạt chung, các thành viên chủ yếu tự dệt ở nhà, lúc nào họp câu lạc bộ thì mượn tạm hội trường của xã, vì thế cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm dệt giữa các chị em hầu như không có. Đồng thời công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của câu lạc bộ chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ người mua vẫn còn ở mức thấp”.

Nỗi buồn của chị H’Ngoan cũng là nỗi buồn chung của những người tâm huyết với nghề, bà Plói ở làng Ngó 3 là một trong số đó. Năm nay bà đã hơn 80 tuổi nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt khéo léo bên khung cửi, vừa dệt bà vừa kể chuyện về cuộc đời cho chúng tôi nghe: “Già chẳng nhớ là mình biết dệt vải từ năm bao nhiêu tuổi nữa, chỉ nhớ là bố mẹ dặn con gái phải biết dệt vải thì mới có người thương, có nhiều vải thì mới được coi là giỏi giang, chăm chỉ và được mọi người quý mến. Bây giờ nhiều tuổi rồi, không còn khỏe như ngày trước nữa, nên dệt cũng chậm lại, nhưng già vẫn làm cho đỡ buồn. Già chỉ lo lắng, một ngày nào đó, phụ nữ đồng bào mình không còn biết dệt thổ cẩm nữa”…

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm