Phóng sự - Ký sự

Đi đến nơi 'con chim bay bạc đầu chưa tới'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với dáng người nhỏ nhắn cùng mái tóc ngắn, chị Nguyễn Kiều Mi, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Liên tục đốc thúc các thành viên trong nhóm sắp xếp các thùng hàng lên xe để kịp tiến độ di chuyển lên điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh phối hợp với đoàn thiện nguyện trao quà cho gia đình em học sinh gặp nạn trong vụ cháy.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh phối hợp với đoàn thiện nguyện trao quà cho gia đình em học sinh gặp nạn trong vụ cháy.

Hơn 10 năm âm thầm cho đi

10 năm làm công tác thiện nguyện, có lẽ đây là chuyến đi với nhiều kỷ niệm và để lại nhiều cảm xúc khó quên nhất đối với chị Kiều Mi. Tháng 11 cuối năm 2023, tại Trường Nà Khoang, một vụ cháy đã khiến một em học sinh không qua khỏi. Khi nhận được thông tin từ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, không do dự, chị đã cùng đội thiện nguyện của mình đứng ra kêu gọi và kịp thời lên tận nơi hỗ trợ.

Đoàn bắt đầu xuất phát từ Hà Nội lúc hai giờ chiều, chuyến xe chở những món quà đầy ắp hy vọng và những tình cảm đáng trân quý từ miền xuôi lên miền ngược. Đường vào điểm trường khó đi, sương giăng, mây phủ đặc quánh, mỗi lần bác tài đổ đèo là mỗi lần cả đoàn nín thở, con đường này chỉ vừa đủ cho hai xe tránh nhau. Anh Lò Văn Văn, cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh liên tục gọi điện cho chúng tôi để hỏi lại chính xác lịch trình đến Sốp Cộp để cán bộ đồn sắp xếp chỗ ngủ chu đáo cho đoàn.

Chị Mi bộc bạch rằng, chị may mắn khi có nhiều cơ hội được làm công tác thiện nguyện. Với chị, đây vừa là may mắn, vừa là trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, không phải tự nhiên công việc này gắn bó với mình như thế. Những năm qua, chị đều là người đứng ra kêu gọi hỗ trợ, đi đến những bản làng xa xôi và hẻo lánh nhất trên mọi miền Tổ quốc, để đưa tận tay những món quà của các nhà hảo tâm đến đúng hoàn cảnh: “Với chị, cảm giác được tận tay trao những món quà đến với những người dân nghèo là cảm giác xúc động xen lẫn hạnh phúc, là niềm vui khó có thể có được trong cuộc sống thường nhật. Nhìn thấy nụ cười của bà con khi được nhận quà, bao nhiêu khó khăn, mệt nhọc của chị có lẽ tan biến theo. Khó có từ nào có thể diễn tả được cảm xúc của chị lúc đó”.

Là “sứ giả” của những món quà của sự tử tế, chị cùng đoàn thiện nguyện của mình đã giúp đỡ không ít những mảnh đời bất hạnh. Song cũng có lúc, chị vẫn không thể giúp đỡ được ai đó trong lúc khó khăn nhất, điều này vẫn luôn khiến chị day dứt và canh cánh trong lòng khôn nguôi. Chị Mi tâm sự: “Đầu năm 2023, chị may mắn khi được làm chương trình thiện nguyện với Trung úy Dương Hải Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La, anh là chủ dự án “Hạnh phúc cho em” nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng”. Trong ba ngày ở lại địa phương, chị có cơ hội được đến và thăm nhiều gia đình, gần ngày về, lúc đang di chuyển trên xe, Hải Anh có tâm sự câu chuyện về bản tái định cư của bản Pu Nhay, nơi gia đình em Đinh Ngọc Hân sinh sống. Hân được mọi người biết đến với biệt danh “em bé không có nụ cười”. Qua những bức ảnh và vài đoạn video clip mà Hải Anh chia sẻ, chị Mi rất xúc động. Lúc Hân vừa chào đời thì bố không may bị tai nạn lao động, bị liệt nửa người, mẹ phát hiện bị ung thư phải thường xuyên xuống Hà Nội chữa trị. Có lẽ do hoàn cảnh quá đau thương nên cô bé Ngọc Hân hầu như không bao giờ cười. Càng xót xa hơn khi ngôi nhà của Hân lại thuộc diện cấp bách phải rời đi vì nằm trong nguy cơ sạt lở của vùng Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, khó khăn chồng chất khó khăn.

Hoàn cảnh đáng thương của em Đinh Ngọc Hân vẫn là một dấu lửng trong suốt quá trình làm thiện nguyện của chị Mi, nhiều lần chị cố gắng sắp xếp thời gian để có thể lên thăm em cũng như gia đình, nhưng do lịch trình bận rộn nên đến hiện tại chị vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện của mình. Đây là kỷ niệm khiến chị day dứt nhất trong hành trình 10 năm làm thiện nguyện của mình.

Mỗi chuyến đi thiện nguyện là một kỷ niệm đáng nhớ, là hành trình không thể nào quên trong cuộc đời của chị Mi. Đó là những lần khóc nấc lên vì thương cho hoàn cảnh em học sinh mồ côi, là lần cổ họng chị nghẹn lại khi có gia đình không còn gì để ăn trong tháng giáp hạt, cũng có thể là niềm vui khi thấy một em học sinh kể về giấc mơ làm giáo viên bám bản, là niềm hạnh phúc khi nhận được những cái ôm ấm áp, lời cảm ơn từ bà con… những điều đó chị Mi đều nhớ, đều giữ, cất một góc trong hộp nhỏ ký ức, thỉnh thoảng lấy ra xem để thấy mình vẫn còn may mắn, và để thấy rằng được sống và cống hiến đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Về nơi thượng nguồn sông Mã

Vẫn trên những con đường tiến vào thượng nguồn sông Mã, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Nậm Lạnh vào lúc 1 giờ sáng, nơi này khi xưa theo như một câu trong bài hát “Miền quê yêu thương” của tác giả Mùi Hái thì nó xa xôi tới mức “con chim bay bạc đầu chưa tới”. Nhưng hôm nay, con đường không còn xa ngái như ngày nào nữa. Từ huyện lỵ Sốp Cộp vào đồn, “ô-tô Hà Nội” - bà con ở thị trấn mới bảo vậy - vẫn vào tận cửa đồn biên phòng, các anh bộ đội biên phòng không còn cảnh lái xe máy ra thị trấn đón chúng tôi như nhiều năm về trước.

Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi chuẩn bị để vào thị trấn Mường Và, con đường vào thị trấn không thể đi bằng ô-tô. Các cán bộ, chiến sĩ ở đồn phân công nhau chạy xe máy chở chúng tôi lên bản. Anh Lò Văn Bình, chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh tất bật đảm nhận vai trò là “lái phụ” trên chiếc xe tải chở hàng đồn mới thuê sáng nay.

Ở miền Tây Bắc này người Thái là đông nhất, dân tỉnh Thái Bình lên khai hoang lập nghiệp cũng rất đông, nơi đây còn người H’Mông, người Dao, người Xinh Mun, người Khơ Mú, người Lào…, rồi người Hưng Yên, người Hà Nội… lên đây cắm bản. Ở Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cũng vậy, nhiều những giống cây đến từ Hưng Yên như nhãn, vải, xoài đào Mộc Châu... đều từ tay các cán bộ trẻ khắp nơi đến công tác và làm việc ở đây trồng.

Cảm nhận được sự xa xôi và khó khăn của mảnh đất này ngay khi bước chân vào đồn, chúng tôi tiếp tục hành trình lên bản Nà Khoang thuộc xã Mường Và. Trước khi đi, chúng tôi bị các anh trực ban “dọa” rằng: “Mặc thêm áo vào, trên đó lạnh lắm, máy ảnh thì cất gọn vào ba-lô, đường sỏi đá đi dễ ngã”. Với kinh nghiệm đi nhiều bản miền núi, tôi tự tin với hành trình lên bản Nà Khoang, thế nhưng con đường lên bản thật sự không giống tôi tưởng tượng. Đoạn đường chỉ hơn 20 km song phải mất gần một giờ đồng hồ di chuyển. Hơn 4 km đá chông dựng ngược đã ngốn của đoàn gần 30 phút, anh cán bộ chở tôi kể rằng, anh đi nhiều cũng quen, mỗi tháng dăm ba lần thủng săm. Tôi vừa đi, vừa giữ cho chiếc máy ảnh của mình không bị va đập, cố ghì chặt bám chắc vào anh cán bộ để không bị rơi ra khỏi xe máy. Chị Mi bảo rằng, đây là con đường đầu tiên chị đi mà có nhiều đá chông đến thế, tôi cũng nghĩ vậy.

Hơn một giờ đồng hồ chúng tôi cũng vào được bản, các thầy, cô cũng đã đợi sẵn ở đây, bà con cũng tập trung đông đủ tại Nhà văn hóa thôn Nà Khoang. Chị Mi cùng đoàn thiện nguyện, cán bộ, chiến sĩ của đồn và bà con cùng nhau vận chuyển những món quà xuống xe, sau đó phân loại, phân chia các túi quà.

Trong buổi lễ trao tặng quà, chúng tôi không khỏi xúc động khi đến phần trao quà cho bố mẹ của em học sinh xấu số trong vụ cháy trường vừa qua. Bố mẹ em không nói được lời nào, chỉ biết khóc nấc lên vì nhớ con. Em là con một trong gia đình, từ ngày em ra đi, bố mẹ của em không thể làm được gì vì quá đau lòng. Chị Mi là người tận tay trao quà, chị kể: “Lúc đó, chị cố gắng để không khóc, chị cũng không biết nói gì ngoài gửi tặng mẹ của em một cái ôm, cầu mong gia đình sớm vượt qua nỗi đau và mất mát để trở lại cuộc sống bình thường”.

Chương trình đã trao tặng gần 200 suất quà cho 200 hộ dân, tặng 176 suất quà cho 176 cháu học sinh và 4 suất quà cho các thầy, cô. Đoàn thiện nguyện và Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã thăm hỏi và động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thương tâm, hỗ trợ tối đa bà con trong dịp Tết đến xuân về.

Trở về

Từ bản Nà Khoang về trở lại đồn, ai nấy đều mang một cảm xúc khó tả, sự đồng cảm và chia sẻ với nỗi đau, những khó khăn của bà con vùng biên hiện lên trên khuôn mặt mỗi người. Cây đào ở Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã chớm nở một vài bông hoa. Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Biên phòng Nậm Lạnh bảo năm nay lạnh nên hoa nở muộn. Chúng tôi rời đồn biên phòng trở về Hà Nội trong cái nắng hửng giữa mùa đông, cái dáng vẻ yên bình của một vùng quê nghèo và niềm tin vùng đất này tương lai sẽ là một điểm sáng.

Những bông hoa đào chớm nở báo hiệu một mùa xuân nữa lại về, những trái tim yêu thiện nguyện như chị Mi, những người chiến sĩ biên phòng nặng lòng vì dân như anh Quang, anh Bình, anh Văn… sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình trở thành những “sứ giả” của việc tử tế. Một bản nhạc phát ra từ trên xe:

“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng

Để làm gì, em biết không

Để gió… cuốn đi”.

Có thể bạn quan tâm