Phóng sự - Ký sự

48 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023)

Đi qua 3 cuộc chiến - Kỳ 3: Đóng giữ 3 đảo ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến bây giờ, cán bộ chiến sĩ đã công tác ở Trường Sa những năm từ 1975 - 1995 vẫn nhắc: đại tá Nguyễn Trung Cang là một trong những người có nhiều đóng góp nhất trong việc bảo vệ chủ quyền. Ông đã chỉ huy đóng giữ 3 đảo ở Trường Sa: Trường Sa Đông, Đá Tây, Thuyền Chài…

Đưa quân ra tận nơi

Cuối tháng 4.1975, các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca được giải phóng. Nhiệm vụ bảo vệ đảo được giao cho Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 (cuối 5.1975, chuyển về Hải quân).

Cùng thời điểm, Bộ Tổng tham mưu bàn giao Trung đoàn 46 (Quân khu 3) cho Bộ Tư lệnh Hải quân. Ngày 5.9.1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định sáp nhập Đoàn đặc công 126 Hải quân với Trung đoàn bộ binh 46, thành Lữ đoàn 146 Hải quân đánh bộ trực thuộc Quân chủng Hải quân, có nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ quần đảo Trường Sa, căn cứ Cam Ranh…

Cuối tháng 8.1975, thượng úy Nguyễn Trung Cang dẫn đơn vị xuống tàu hải quân, đi từ Cát Lái ra Cam Ranh và ông chính thức nhận nhiệm vụ mới: Trưởng ban tác chiến của Lữ đoàn 126. Tháng 10.1975, ông Cang lại đích thân đưa bộ đội ra bổ sung quân số cho các đảo ở Trường Sa.

"Đi cái tàu Nhật Lệ, nó nhồi như xay lúa, say sóng gần chết, chỉ mong sớm ra tới đảo. Nhưng ra tới nơi, thấy trơ trọi toàn đất đá, lại chỉ mong về bờ", đại tá Nguyễn Trung Cang nhớ lại vậy và cười: "Mình ra xong rồi về, nhưng lính thì ở lại. Khi chia tay, thầy trò ôm nhau khóc".

Đảo Thuyền Chài (Trường Sa) giữa năm 1988. Từ phải qua trái: pông tông số 01 - nhà lâu bền đang xây dựng - nhà cao chân. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đảo Thuyền Chài (Trường Sa) giữa năm 1988. Từ phải qua trái: pông tông số 01 - nhà lâu bền đang xây dựng - nhà cao chân. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Trường Sa Đông - đánh nhau với… chim

Đầu tháng 3.1978, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 146 tổ chức 4 trung đội tăng cường, ra đóng giữ các đảo An Bang, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh và Trường Sa Đông. Thiếu tá Nguyễn Trung Cang dẫn 19 cán bộ, chiến sĩ lên tàu HQ-681 của Trung đoàn 125, ra đảo Trường Sa Đông và hoàn thành việc lên đảo, đóng giữ vào sáng 2.4.1978. Đến ngày 19.4.1978, quân số phòng thủ gồm 17 cán bộ, chiến sĩ chính thức ra thay phiên giữ đảo. Lúc ấy thiếu tá Cang mới bàn giao nhiệm vụ cho đảo trưởng Bùi Xuân Nhã và lên tàu trở về đất liền.

Ông Nguyễn Trung Cang kể, đảo Trường Sa Đông chim nhiều vô kể. Đảo trơ trọi toàn đá san hô, không 1 bóng cây, bộ đội dựng lều bạt giữa bầy chim nên bị rệp chim đốt ngứa khắp người. Ban đầu bôi thuốc đỏ để chống, nhưng sau cũng nhờn. Lính ta nghĩ cách mắc võng gần mép nước chống rệp. Nhưng cách này cũng không thể khi vào mùa sóng gió…

"Khi tôi về bờ, anh em ra hết bãi cát đứng khóc. Mình thương lắm nhưng chỉ biết an ủi "mình là lính, phải bảo vệ đất đai bờ cõi Tổ quốc thôi", ông Nguyễn Trung Cang nhớ vậy.

Đại tá Nguyễn Trung Cang (áo trắng) thăm hỏi, động viên bộ đội đảo Thuyền Chài trên nhà cao chân, 5.1988. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đại tá Nguyễn Trung Cang (áo trắng) thăm hỏi, động viên bộ đội đảo Thuyền Chài trên nhà cao chân, 5.1988. Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Pông tông ở Thuyền Chài

Đầu tháng 4.1978, tàu HQ-501 đưa 1 phân đội của Lữ đoàn 146 ra đóng giữ đảo Thuyền Chài. Tuy nhiên, do điều kiện vật chất không đảm bảo, nên tháng 5.1978, lực lượng này phải rút về căn cứ Cam Ranh.

Đầu 1987, tình hình tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa căng thẳng trở lại. Trung Quốc cho máy bay và tàu chiến tăng cường trinh sát từ đảo Song Tử Tây đến Thuyền Chài. Cấp trên lệnh "đóng giữ lại Thuyền Chài".

Sở dĩ Quân chủng Hải quân quyết liệt ra lệnh là vì đã rút kinh nghiệm sau đợt đóng giữ đầu tiên (4.1978), cử đoàn công tác do ông Nguyễn Trung Cang chỉ huy, phối hợp Đoàn 6 đo đạc biên vẽ và lực lượng khác, ra khảo sát tỉ mỉ điều kiện đóng quân trên đảo Thuyền Chài. "Chúng tôi ra đấy mấy lần, rải rác từ đầu năm 1980. Kiểm tra độ sâu, luồng lạch và từ đó đề xuất phương án đóng giữ bằng phao bè", ông Cang kể lại.

Ngày 26.2.1987, kế hoạch đóng giữ Thuyền Chài được thông qua. Tối 3.3.1987, đại tá Nguyễn Trung Cang, Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, dẫn lực lượng theo tàu HQ-961 (Lữ đoàn 125) đi làm nhiệm vụ. Sáng 5.3.1987, pông tông số 1 được kéo lên bãi Thuyền Chài và cờ đỏ sao vàng tung bay trên ca bin, khẳng định chủ quyền Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Trung Cang (thứ 3 từ phải sang) Ảnh: Nguyễn Viết Thái

Đại tá Nguyễn Trung Cang (thứ 3 từ phải sang) Ảnh: Nguyễn Viết Thái

"Thuyền Chài là đảo chìm đầu tiên ta đóng quân. Ngay sau đó, tôi chỉ huy đại đội công binh của Lữ đoàn 146 khẩn trương dựng nhà cao chân cho anh em ở. Những ngày đầu sống trên Thuyền Chài, ai cũng mất ngủ vì sóng nước cứ lóc bóc dưới lưng", đại tá Nguyễn Trung Cang nhớ lại vậy.

Đại tá Nguyễn Trung Cang rành mạch: "Chỉ huy trưởng đầu tiên của đảo Thuyền Chài, được giao cho thượng úy Nguyễn Văn Thâm (nguyên là Trợ lý tham mưu Lữ đoàn 146). Tại đảo Thuyền Chài C bây giờ (trước là Thuyền Chài A), vẫn còn khung han rỉ của chiếc pông tông số 01 được kéo đặt từ ngày 5.3.1987".

Chinh phục Đá Tây

Ngày 25.10.1987, Lữ đoàn 146 được giao nhiệm vụ cùng các đơn vị bạn tổ chức lực lượng đóng giữ thêm 4 đảo (Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập). Ngày 28.10.1987, tàu HQ-613 của Hải đội 411 (Vùng 4 Hải quân) chở 1 phân đội công binh, do đại tá Nguyễn Trung Cang chỉ huy, xuất phát từ Cam Ranh ra đóng giữ Đá Tây. Ngày 30.10.1987, các lực lượng của ta đã lên đảo dựng nhà bạt. Tàu HQ-613 neo ngoài để bảo vệ.

Đảo Trường Sa Đông, tháng 1.2023. Ảnh: Mai Thanh Hải

Đảo Trường Sa Đông, tháng 1.2023. Ảnh: Mai Thanh Hải

Đây là thời điểm cuối năm, gió lớn dữ dội, nên nhà bạt bị xé rách, bộ đội không có chỗ ở, sóng to tràn qua đảo, gây nguy hiểm tính mạng… Đại tá Nguyễn Trung Cang đề xuất đưa bộ đội về tránh trú ở đảo Trường Sa Đông cách đó khoảng 11 hải lý (khoảng hơn 20 km). Ngày 27.11.1987, tàu HQ-613 đưa bộ đội lên lại đảo Đá Tây. Do thời tiết quá khắc nghiệt, việc đóng giữ rất mất an toàn, nên tàu HQ-613 phải đưa lực lượng đảo Đá Tây về căn cứ Cam Ranh để rút kinh nghiệm và chuẩn bị lại phương án đóng giữ.

Mãi đến ngày 28.12.1987, lực lượng phòng thủ đảo Đá Tây mới theo tàu HQ-604 ra làm nhà cấp 3 ở đảo và chính thức đóng giữ.

Nhớ lại những ngày đầu tiên ở Đá Tây, ông Nguyễn Trung Cang tiết lộ: "Trước tháng 10.1987, tôi đã mấy lần đi theo tàu HQ-610 của Lữ đoàn 125 ra khảo sát Đá Tây. Có ở đây vài ngày mới biết Đá Tây có cồn cát không ổn định, gió đầu này đắp đầu kia, nên đề xuất cấp trên thay đổi phương án đóng giữ. Nếu cứ phương án ban đầu thì mất sạch nhà cửa"…

"Tất cả vì Trường Sa thân yêu"

Tháng 4.1989, đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng do thượng tướng Đoàn Khuê (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) và thượng tướng Nguyễn Quyết (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) dẫn đầu, ra thăm - kiểm tra quần đảo Trường Sa.

Lãnh đạo đoàn rất bất ngờ khi nghe Phó lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Nguyễn Trung Cang kiến nghị thẳng thắn: "Khó khăn nhất của chúng tôi bây giờ là tư tưởng. Từ binh nhì cho đến thiếu tá cứ phải ra đảo suốt, trong khi đó ai cũng có gia đình. Đề nghị có quy định thay cán bộ đảo, bao nhiêu năm thì về đất liền. Tôi là chỉ huy 14 năm rồi thì đành chịu, nhưng anh em thì khổ quá khổ"…

Từ phát biểu này, sau năm 1989, một số chế độ đối với bộ đội phòng thủ đảo nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng, được điều chỉnh. Đặc biệt, sự quan tâm với bộ đội Trường Sa được thể hiện rõ rệt, với khẩu hiệu quen thuộc đến tận bây giờ "Tất cả vì Trường Sa thân yêu".

Trích lời đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân

----------------------

* Đi qua 3 cuộc chiến - Kỳ 4: Đứng thẳng giữa đời thường

Có thể bạn quan tâm