Phóng sự - Ký sự

Đi qua những mùa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không sinh ra ở vùng 'rốn lũ' nhưng hầu như năm nào tôi cũng chứng kiến những trận 'hồng thủy' mà người dân Hà Tĩnh gánh chịu. Sau mỗi trận lũ, những câu chuyện đau thương, người chồng mất vợ, mẹ mất con, những đứa trẻ mồ côi trong ngôi nhà trống trải… được chúng tôi nhắc đến.

Đêm trắng

Nhắc đến Hương Khê, ngoài vùng đất trù phú sản sinh ra nhiều đặc sản bưởi Phúc Trạch, cam khe Mây hay trầm hương tinh hoa của đất trời thì nơi đây còn biết đến là “rốn lũ”. Dân ở hạ nguồn sông Ngàn Sâu nhà nào cũng có gác gỗ, nắng thì cản bớt nóng, lũ thì leo lên đấy để trốn.

Trưa 5/9/2019 trời mưa như trút nước. Một cán bộ xã ở huyện Hương Khê gọi điện với giọng hoảng hốt: “Hương Khê lại lụt rồi. Nước ngập vào nhà dân hơn 1m, nước lũ lên nhanh lắm”.

Nhận tin, tôi báo cáo với tòa soạn rồi nhận lệnh lên đường tác nghiệp. Gọi thêm nữ đồng nghiệp, cùng đi. Khoảng 10 phút sau, hai chị em chạy xe máy vượt hơn 60km từ thành phố Hà Tĩnh để lên miền núi Hương Khê.

Thời điểm này mưa lớn, nước từ những ngọn đồi dọc theo con đường 15A dội xuống. Gió thổi vùn vụt như ném từng vốc nước vào mặt. Vừa đi, chúng tôi vừa phải liên hệ các xã để nắm tình hình bởi lúc này hầu như toàn bộ các xã vùng hạ du đã bị cô lập, nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà để ở.

Hơn 1 tiếng ngược đường lên miền núi, xã Hương Giang ngập sâu, chúng tôi chọn địa điểm này để tác nghiệp.

Nước sông Ngàn Sâu đục ngầu, cuồn cuộn đẩy những núi rác và cây bụi lao nhanh từ thượng nguồn xuống, xông thẳng vào những cụm dân cư đang chìm dần trong nước.

Vừa lên thuyền, ông Trần Quốc Hoàn - Chủ tịch xã Hương Giang đưa chiếc áo phao và không quên dặn dò: “Phóng viên biết bơi không. Nếu không thì đừng lên thuyền đi vào vùng lũ vì nguy hiểm lắm…”.

Gió thổi vùn vụt như ném từng vốc nước vào mặt. Vừa đi, chúng tôi vừa phải liên hệ các xã để nắm tình hình bởi lúc này hầu như toàn bộ các xã vùng hạ du đã bị cô lập, nhiều gia đình phải trèo lên mái nhà để ở. Hơn 1 tiếng ngược đường lên miền núi, xã Hương Giang ngập sâu, chúng tôi chọn địa điểm này để tác nghiệp.

Vì có kinh nghiệm chạy lũ, nên cán bộ xã lái thuyền biết điểm nào nguy hiểm, nước xoáy để tránh. Hàng chục ngôi nhà nước ngập lên cao, người dân phải ngồi nóc nhà chờ ứng cứu.

Vào vùng “rốn lũ” lúc trời đã nhá nhem, vì muốn ghi nhận cuộc sống người dân vùng lũ về đêm nên tôi chọn phương án ở lại nhà của một hộ dân tại xã Hương Giang.

Do khu vực này nước lũ bao vây, điện mất, nước sạch cũng khan hiếm nên mọi sinh hoạt đều trở nên hỗn độn. 18h, ngọn đèn dầu được thắp sáng. Tranh thủ lúc này tôi nhờ anh Hoàng Cung (trú xã Hương Giang) chèo thuyền di chuyển sang những hộ bị ngập nước bên cạnh. Phải mất ít phút định hình người đàn ông mới quyết định dẫn chúng tôi đi vì di chuyển ban đêm rất nguy hiểm.

Để tác nghiệp ban đêm, tôi chuẩn bị đèn pin đội đầu, một đôi dép chống trượt, khoác thêm chiếc áo mưa mỏng rồi di chuyển bằng thuyền. Trong màn đêm, tiếng côn trùng kêu từng hồi khiến không khí trở nên cô quạnh.

Tác giả trong lần tác nghiệp mưa lũ tại Hà Tĩnh

Tác giả trong lần tác nghiệp mưa lũ tại Hà Tĩnh

Mũi thuyền hướng thẳng về nhà bà Đậu Thị Bút (71 tuổi, trú thôn 10, xã Hương Giang) nằm ở đầu làng. Ngôi nhà cấp 4 ngập sâu gần chạm nóc. Vừa nghe tiếng gọi, bà Bút dùng thang trèo từ gác mái xuống nói vọng: “Trong nhà nước sâu lắm. Không vào được vì nguy hiểm. 3 ngày tôi phải nằm trên gác vì nước lũ ngập sâu. Mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn...”.

Sau mỗi trận lũ, tôi chứng kiến những câu chuyện đau thương, người chồng mất vợ, mẹ mất con, những đứa trẻ mồ côi trong ngôi nhà trống hoắc. Nhiều năm tác nghiệp trong lũ, dù hết sức khó khăn, vất vả và nguy hiểm, nhưng với tôi ấm lòng nhất là khi những bản tin kịp thời đăng tải, nhiều tấm lòng hảo tâm trên mọi miền đất nước đã chung tay đến hỗ trợ nhân dân vùng lũ vượt qua khó khăn.

Đi qua trận lũ lịch sử

Mỗi năm đi qua, mảnh đất Hà Tĩnh lại chịu những trận bão lũ để lại thiệt hại nặng nề. Riêng chỉ sau hai trận lũ vào tháng 10 năm 2020, Hà Tĩnh đã thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng.

Trung tuần tháng 10 năm 2020, phía Nam Hà Tĩnh mưa xối nước. Các hồ chứa “no nước” đồng loạt xả tràn về hạ du gây ngập toàn thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà… “Em nhớ bám sát tình hình mưa lũ tại địa bàn. Nhưng đi đâu cũng phải đảm bảo an toàn”, anh Quang Long - Trưởng đại diện Văn phòng báo Tiền Phong tại Nghệ An căn dặn.

Hầu như vào những đợt mưa lũ, Trưởng đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An đều sát sao chỉ đạo anh em trong nhiệm vụ đưa tin. Bởi tác nghiệp trong điều kiện lũ lụt ngoài nhiệm vụ truyền tải những hình ảnh, đưa những thông tin nhanh, chính xác thì phóng viên còn phải tự ý thức được hiểm nguy để bảo vệ mình.

Trận lũ lịch sử vào năm 2020, thật khủng khiếp. Trong đêm 17/10, nước lũ dâng lên nhanh theo từng phút. Toàn thành phố trong vài giờ đồng hồ chìm trong biển nước, các tuyến đường tê liệt, xe chết máy hàng loạt. Người dân thành phố Hà Tĩnh đánh giá đây là trận lũ lịch sử. Còn tâm lũ tại huyện Cẩm Xuyên còn kinh khủng hơn. Hàng ngàn nhà dân bị ngập, trong đêm hàng trăm người dân ngồi mái nhà chờ ứng cứu vì nước lũ lên nhanh.

Từ yêu cầu của tòa soạn mỗi phóng viên cần “phải nhanh, nhạy đảm bảo tính chuẩn xác của thông tin”. Để ghi nhận tình hình tại Cẩm Xuyên, dù nước ngập sâu, xe máy không thể di chuyển, thuyền lại không có, tôi chọn con đường lội bộ qua các con đường ngập ở thành phố Hà Tĩnh. Túi máy ảnh, máy tính là tài sản cần được bảo vệ nhất.

Vì đã có kinh nghiệm tác chiến nhiều năm mưa lũ, tôi bọc chúng cẩn thận bằng túi bóng trước khi lên đường. Gần 30 phút đi bộ, tôi mới có thể rời khỏi vùng ngập lụt ở thành phố và mất 1h đồng hồ để vào tâm lũ huyện Cẩm Xuyên.

Hai xã Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ nằm dưới chân hồ Kẻ Gỗ, do nước lũ về quá nhanh, dân không kịp trở tay. Đường bị cuốn trôi, nhà gãy đổ, trâu bò, gà chết hàng loạt. Nơi lũ đi qua, những mảnh ruộng xanh tươi ngày nào, giờ chỉ trơ lại đá, sỏi. Trường học tan tác, đồ dùng học sinh bị nước lũ ngâm hư hỏng toàn bộ.

Lũ đi qua, nhưng tình người đọng lại. Sau khi lũ rút, hàng trăm đoàn cứu trợ nối đuôi hướng về Cẩm Xuyên hỗ trợ người dân nhu yếu phẩm để họ sớm ổn định lại cuộc sống. Trận mưa lũ vào cuối tháng 10 vừa qua cũng gây thiệt hại lớn người và tài sản tại Hà Tĩnh.

Chỉ tính riêng tại huyện Hương Khê thiệt hại trên 150 tỷ đồng và có 3 người chết và mất tích. Dù công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được Hà Tĩnh đặt lên hàng đầu, nhưng sau đợt mưa lũ vừa qua, đau xót thay, con người thiệt hại vẫn quá lớn.

Có thể bạn quan tâm