Việt Nam đang nỗ lực đàm phán, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế để chung tay khắc phục hậu quả bom mìn
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC - Bộ Quốc phòng) công bố ngày 3-4-2018, tính đến tháng 12-2017, tổng diện tích đất còn bị ô nhiễm bom mìn là trên 6,1 triệu ha.
Không để thêm người nào hy sinh, mất mát
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc VNMAC, cho biết trong giai đoạn 2010-2020, lực lượng chức năng đã khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ được 485.240 ha.
Trong đó, nhiều dự án đã huy động được nguồn lực trong nước, như dự án rà phá bom mìn, giải phóng đất đai phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại tỉnh Hà Giang.
Trong cuộc chiến đấu bảo bệ biên giới phía Bắc từ năm 1979-1989, hơn 4.000 bộ đội đã hy sinh tại Hà Giang. Trong đó, hơn 2.000 hài cốt đã được tìm kiếm và quy tập. Hơn 2.000 hài cốt còn lại đang nằm rải rác lẫn vào những khu vực ô nhiễm mìn nặng.
Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã nhắc đến việc này. Đến năm 2019, bộ đã chính thức đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội phê chuẩn một khoản kinh phí để rà phá bom mìn tại một số khu vực ở tỉnh Hà Giang.
Dự án nêu trên cố gắng tìm kiếm, quy tập khoảng 600 hài cốt liệt sĩ ở điểm cao Vị Xuyên tại Hà Giang. Đến nay, việc rà phá bom mìn cơ bản hoàn thành; tiếp theo là hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt, phân tích ADN để xác định danh tính liệt sĩ.
"Một trong những yêu cầu trong quá trình thực hiện dự án rà phá bom mìn là không để bất kỳ người dân hoặc bộ đội nào phải hy sinh, mất mát. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, đặc biệt là Quân khu 1 và 2, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sát sao các hoạt động trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ mọi phương tiện vật chất và mọi điều kiện để thực hiện thành công. Đến nay, dự án cơ bản đã thành công" - đại tá Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.
Giai đoạn năm 2021-2025, Bộ Quốc phòng chủ trương tiếp tục rà phá bom mìn tại các điểm cao ở Hà Giang như Yên Linh, Xín Mần.
Đại diện KOICA thăm hỏi và hỗ trợ nạn nhân do bom mìn sau chiến tranh ở Bình Định Ảnh: ĐỨC ANH |
Tăng cường hợp tác quốc tế
Bên cạnh nguồn lực trong nước, các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản đã giúp rà phá bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh; khảo sát, rà phá được 3.240 ha (ngân sách hơn 5,5 triệu USD). Dự án của chính phủ Hàn Quốc tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định đã khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha và rà phá bom mìn hơn 8.000 ha.
Nhiều dự án khảo sát kỹ thuật, rà phá bom mìn do các tổ chức quốc tế (MAG, NPA, Golden West, SODI, Peace Tree...) thực hiện tại các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam được hơn 80.000 ha với tổng ngân sách hơn 1.600 tỉ đồng (tương đương 70 triệu USD).
Việt Nam đã làm việc, đàm phán, xúc tiến trao đổi hợp tác và ký kết bản ghi nhớ hợp tác với chính phủ nhiều nước để thu hút nguồn lực quốc tế trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn. Đặc biệt, chúng ta đã tiếp nhận thiết bị và huấn luyện nâng cao cho thợ lặn phục vụ rà phá bom mìn dưới biển, huấn luyện cứu thương và huấn luyện công tác nổ do Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao; huấn luyện rà phá bom mìn dưới biển do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ tại Quân chủng Hải quân…
Giai đoạn 2021-2025, VNMAC sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khoảng 800.000 ha, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng. Dự kiến, các điểm trọng tâm rà phá bom mìn là Quảng Nam, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bình Định và Thừa Thiên - Huế.
Trước mắt, dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) giai đoạn 2 tài trợ 25 triệu USD đã được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, đang xúc tiến với Hàn Quốc để hoàn thiện các thủ tục. Ngoài ra, ngân sách trong nước và các tổ chức quốc tế khác đã đủ đáp ứng rà phá bom mìn với diện tích nêu trên.
Nhấn mạnh thời gian tới cần xúc tiến quan hệ và tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế mới vào Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong tương lai, dự kiến các nguồn tài trợ và số tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam cũng giảm dần. Vì vậy, với những tổ chức quốc tế lớn, có nguồn lực thì cần có biện pháp hỗ trợ để họ sớm vào Việt Nam chung tay khắc phục hậu quả bom mìn.
Hiện nay, một tổ chức toàn cầu có uy tín trong lĩnh vực này - với gần 10.000 nhân viên trên toàn thế giới - đã đồng ý vào hỗ trợ Việt Nam ngay trong tháng 4-2021. Đặc biệt, họ đồng ý đưa theo các thiết bị vào những khu vực khó khăn, nhạy cảm.
"Trong công tác rà phá bom mìn, chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ nhưng phương tiện rà phá hiện đại thì không có. Địa hình hiểm trở, khó khăn song tổ chức quốc tế này cho biết nếu triển khai tốt vẫn làm được và họ sẽ hỗ trợ việc này" - đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam là một trong những ưu tiên hợp tác giữa Chính phủ và các đối tác phát triển. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên là động lực chính để đạt mục tiêu Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn vào năm 2030.
Trong nhiều hoạt động trọng tâm mà Việt Nam đưa ra trong tháng 4-2021 với vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phiên thảo luận mở cấp bộ trưởng với chủ đề "Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn" vừa diễn ra hôm 8-4. Việc Việt Nam dành ưu tiên cho chủ đề khắc phục hậu quả bom mìn thể hiện sự cam kết toàn cầu; tin tưởng công tác rà phá vật liệu nổ và khắc phục hậu quả chiến tranh có thể được giải quyết với sự tham gia tích cực của các thể chế khu vực và quốc gia.
100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng; hỗ trợ trực tiếp hơn 5.860 nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác với tổng kinh phí hơn 50 tỉ đồng.
|
DƯƠNG NGỌC (NLĐO)