Phóng sự - Ký sự

Đi săn cá sỉnh Nậm Thia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm nay, Lò Văn Tuấn và tôi đi săn cá sỉnh trên dòng Nậm Thia, loại đặc sản nổi tiếng ở vùng Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đồ nghề chỉ là hai cây cần câu tay, phao lông gà.

Tìm mồi câu “pa khính”

Tuấn bảo câu cá sỉnh (bà con người Thái gọi là pa khính hoặc là khính) rất đơn giản. Có thể mang mồi làm bằng bột mì trộn lòng đỏ trứng gà, hoặc giun đỏ loại nhỏ như que tăm, hoặc chẳng cần chuẩn bị giun đỏ, ra suối tìm cũng có mồi câu.

Tuấn lội xuống lòng sông cạn, nước lắp xắp mắt cá chân. Anh lật mấy tảng đá cỡ quả bưởi để tìm sâu nước và sâu kén. “Cá khính rất thích mấy loại sâu này”, Tuấn nói. Anh nhanh tay nhặt từ mỗi tảng đá vài con sâu bỏ vào cái giỏ mồi nhỏ làm từ chai nhựa cắt đôi, được luồn dây để treo toòng teeng trên cổ. Trong giỏ mồi, Tuấn đã bỏ sẵn một ít rêu bóc ra từ tảng đá dưới nước. “Để mồi sống được lâu, nhạy cá hơn”, anh giải thích.

Dòng Nậm Thia thường xuyên cạn nước.

Dòng Nậm Thia thường xuyên cạn nước.

Pa khính được người Thái ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ coi là món đặc sản. Cá ưa sống nơi nước xiết, mình thon dài, đầu nhỏ, vẩy trắng, lăn tăn như hoa bạc, hai bên lườn ánh xanh. Ai không biết dễ nhầm cá sỉnh với cá trôi con bởi hình dáng hao hao giống nhau. Đặc điểm khác biệt là cá sỉnh có môi dày màu xanh đen. Con nào to nhất cũng chỉ bằng bốn ngón tay, thịt chắc, vị ngọt đậm, thơm, xương ít và mềm.

Một tài liệu của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc xếp cá sỉnh Nậm Thia vào hàng những loài cá đặc sản cùng với một số loài cá khác như cá hỏa, cá niên hay cá anh vũ...

Mặc dù cá sỉnh được xem là đặc sản của dòng Nậm Thia (ngòi Thia) ở khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ nhưng loài cá này có ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đến Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn... Hầu như tỉnh nào cũng có các hội nhóm câu cá sỉnh. “Hồi em qua Lai Châu, thấy cuối tuần người ta đánh ô tô đi câu cá sỉnh đông lắm”, Tuấn kể.

Không rõ vì sao cá sỉnh có ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất lại là cá ở ngòi Thia. Tôi từng ăn cá sỉnh nướng ở Bắc Kạn và Nghĩa Lộ, nhưng cũng không nhận thấy điểm gì khác biệt và điểm chung là “ngon như nhau”. Tuấn nói, bản thân anh cũng không thấy có gì khác.

Tuy đã thưởng thức cá sỉnh nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi theo chân dân địa phương đi câu cá sỉnh, mà còn là cá sỉnh ở Nậm Thia.

Sâu kén và sâu ước lương.

Sâu kén và sâu ước lương.

Dòng sông nhỏ này khởi nguồn từ Nậm Hát, trên độ cao gần 700 m ở Trạm Tấu (Yên Bái) chảy về. Đến Mường Lò, cánh đồng lớn thứ hai Tây Bắc (Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc), Nậm Thia chảy lững thững quanh những đồi ngô, ruộng lúa. Đây là phụ lưu cấp 1 của sông Hồng, chảy qua các huyện phía Tây tỉnh Yên Bái. Sông dài chừng 165 km, lưu vực rộng 1.563 km2. Độ cao bình quân của lưu vực Ngòi Thia khoảng 900 m, độ chênh lệch lưu lượng giữa mùa lũ và mùa cạn là 480 lần. Dòng sông uốn khúc quanh co qua nhiều xã, đến khu vực Coóng Kéng thì đổ ra sông Hồng theo một cửa ngầm dưới lòng núi.

Tài liệu của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc viết rằng, ngoài việc tưới tiêu và điều hòa sinh quyển cho vùng lòng chảo Mường Lò, Nậm Thia còn nổi tiếng bởi loài sỉnh chỉ ăn rêu đá, đã thành món ăn đặc sản hấp dẫn ở nơi này.

Nhưng, theo lời Tuấn, điều này có vẻ không chính xác. “Cá khính ăn đủ thứ, đâu chỉ mỗi rêu đá. Giun nhỏ, cám, sâu bọ, nó ăn tất”.

Lật một tảng đá, Tuấn chỉ cho tôi chỗ trú ẩn của một loài côn trùng trông nửa như con rết, nửa châu chấu. “Đây là sâu ước lương. Pa khính thích mồi này lắm đấy”, Tuấn nói. Anh bảo sâu ước lương nhạy cá nên có thời điểm, một số cần thủ “có điều kiện” còn thuê người ra suối tìm ước lương với giá 1.000 đồng một con.

Mồi câu cá sỉnh của cần thủ.

Mồi câu cá sỉnh của cần thủ.

Cách tìm mồi của Tuấn ngay tại điểm câu một lần nữa khẳng định nguyên lý thích nghi với hoàn cảnh của muôn loài, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Một số cần thủ ở Thanh Trì, Hà Nội, khi không chuẩn bị được mồi câu, thường đào ngay ở ven sông tìm một loại giun đất. Loại giun có màu đen nâu này khi bị đào lên không bỏ chạy như các giống giun khác mà cuộn tròn lại, cần thủ chỉ việc nhặt bỏ vào túi mồi. Giun này câu khá bền mồi vì dai hơn giun thông thường nhưng lại nhạy cá. Trê, chày, chép, trôi, con gì cũng ăn.

Ở miền Nam, một số vùng câu cá bông lau, cá tra bằng trái bần mọc ven sông. Một số cần thủ nói bởi trái chín rụng xuống, cá ăn quen nên người đi câu nắm được mới lấy trái bần làm mồi. Mang trái bần này ra chỗ khác, nơi không có bần mọc ven sông mà câu thì khả năng “móm” là rất cao.

Cũng theo nguyên lý này, một số cần thủ ở vùng Bình Phước còn lấy trái sung chín câu cá trắm cỏ, mà lấy luôn trái của cây sung mọc ven sông, câu luôn ở khúc sông ấy.

Sau khi đã kiếm được sâu nước, sâu kén và cả ước lương, Tuấn và tôi đi men theo bờ Nậm Thia, tìm đến một vùng nước sâu hơn các chỗ khác, dòng chảy quẩn quanh mấy tảng đá lớn.

Đồ câu đơn giản, chỉ là hai cần câu tay làm bằng sợi thủy tinh rẻ tiền mua ở hiệu đồ câu, dài tầm 5,4 m, phao lông gà, chì lá nhỏ kẹp vào cước.

Tuấn móc mồi, buông câu. Cách câu cũng đơn giản. Mồi được kéo cách phao chừng 50 cm, thả đầu dòng nước để trôi. Khi phao trôi tới cuối tầm cần, chưa thấy cá cắn, cần thủ lặp lại quy trình này. Bỗng chiếc phao lông gà nhấp nháy rồi bị rút tụt xuống đáy. Tuấn gẩy nhẹ. Một con cá sỉnh ánh bạc bay lên, vào rọ. Con đầu tiên. Sau khi Tuấn lên con thứ hai, tôi cũng giật được một con.

Câu đến con thứ tư thì không thấy gì nữa. Chúng tôi đi tiếp, tìm điểm câu mới. Nhiều chỗ nước chảy mạnh, cần thủ Tuấn tháo bỏ phao, chỉ nhìn ngọn cần nhịp nhịp để biết có cá cắn câu hay không. Cách câu này có ưu điểm là câu được nhiều điểm nước xiết, có xoáy nhưng cần dày dạn kinh nghiệm. Cần thủ phải cảm nhận tốc độ chì trôi, khi thấy có tín hiệu cá ăn truyền từ dây câu qua cần câu đến tay thì phải dừng mồi, đợi cá tợp mồi hẳn mới giật cần.

Dòng Nậm Thia.

Dòng Nậm Thia.

Sản vật Mường Lò

Cả buổi câu hơn 2 giờ, Tuấn và tôi giật được gần 20 con cá sỉnh, đủ cho một bữa “pa khính pỉnh” (cá sỉnh nướng).

Tối ấy, dưới gầm nhà sàn, chúng tôi bày than củi nướng cá. Mớ pa khính được mổ bỏ ruột, đánh vảy, xóc chút muối rồi kẹp vỉ nướng. Chỉ một lát, mùi cá nướng thơm lừng bốc lên. Tuấn mang ra một bát muối, vắt chanh, thêm gừng, cho một chút mắc khén (gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc, tương tự hạt tiêu).

“Lúc nào cầu kỳ thì làm món pa pỉnh tộp (cá nướng gập) của người Thái bằng pa khính”, Tuấn nói. Muốn làm món ấy, phải chọn con cá to cỡ bốn ngón tay, đánh vảy, mổ bụng; hành, húng, mắc khén, gừng, tất cả thái nhỏ bỏ vào bụng cá rồi gập lại, đem nướng than.

Một chú pa khính dính câu.

Một chú pa khính dính câu.

Tuấn bảo, ngày xưa Nậm Thia nhiều cá hơn bây giờ. Dân trong vùng ai cũng biết chài lưới. Đơn giản nhất là câu. Ông Sinh, bố Tuấn, năm nay 78 tuổi, kể ngày trước ông còn bắt cá sỉnh ở Nậm Thia bằng cách đắp “chuôm đá”. Tức là ra suối lấy đá đắp thành những vòng tròn cỡ hai chiếc chiếu, bỏ thêm đá tạo các hốc, khe. Khi có lũ về, biết có cá ẩn nấp trong chuôm thì hè nhau lấy chài quăng trùm kín chân chì rồi dỡ đá lùa cá chạy ra. “Nay chẳng mấy ai làm thế, vì cá ít; hơn nữa, giờ đầu nguồn nhiều thủy điện, lũ cũng không còn tự nhiên như ngày xưa”, ông Sinh nói.

Dòng Nậm Thia đoạn chảy qua bản Sang Đốm cạn, nước chảy liu riu thành từng con suối nhỏ. Lòng sông đầy đá hộc, to cỡ quả mít, thậm chí lớn hơn. Dân bản nói bây giờ ít lũ, sông thường xuyên cạn, chỉ nhiều nước khi thủy điện xả lũ. Sau khi đầy được vài tiếng, nước rút đi, lòng sông chỉ còn lại toàn đá.

Không rõ vì sao cá sỉnh có ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất lại là cá ở Ngòi Thia. Tôi từng ăn cá sỉnh nướng ở Bắc Kạn và Nghĩa Lộ, nhưng cũng không nhận thấy điểm gì khác biệt và điểm chung là “ngon như nhau”. Tuấn nói, bản thân anh cũng không thấy có gì khác.

Có thể bạn quan tâm