Phóng sự - Ký sự

Đi tìm ấn thiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến nay, nhiều người làng Hoành Phổ, xã An Ninh (H.Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn tin rằng cái ấn độc bản thời Lê sơ tìm thấy ở làng gần 40 năm trước là vật linh thiêng kỳ lạ.
 
Các mặt của ấn bảo vật quốc gia. Ảnh: T.Q.N
Theo con đường trải bê tông từ cầu Trung Quán, tôi tìm đến thôn Hoành Phổ. Tương truyền, xưa kia nơi đây là vùng rừng rú um tùm và đầm phá sình lầy mênh mông. Địa thế hiểm trở ấy, cùng với hệ thống Lũy Thầy tạo nên cửa ải phên giậu vững chắc.
Người làng dẫn tôi lòng vòng qua một số đường nhỏ để đến nhà ông Võ Phi Tân, nơi lưu giữ chiếc ấn quý ở làng trước khi nó thành Bảo vật quốc gia. Cũng như người Hoành Phổ, gia đình ông Tân khó quên những chi tiết liên quan đến “vật thiêng”. Những năm 80 của thế kỷ trước, người Hoành Phổ mang nỗi sợ khi đụng đến ấn; giờ nhắc lại vẫn được truyền tai.
Từ “cục vàng” bên bờ ruộng...
Chuyện là khi đi làm thủy lợi, bà L. cuốc trúng một cục đất và phát hiện cục đất này lạ thường, nặng hơn bất kỳ cục đất nào. Đập ra, bà thấy một “vật lạ”. Bà mang về nhà cất giữ và từ đó người nhà bà đau ốm liên miên mà không rõ bệnh tình. Một số cụ già biết chuyện mới cho rằng vật đó không lành, điềm dữ và phải mang vứt trở lại ngoài đồng. Nghe thế, bà L. mang quẳng xuống một cái hố bom.
Đến khi hố bom cạn nước, dân làng xuống tát nước bắt cá, mọi người lại phát hiện “vật lạ” nhưng không dám lấy. Ai đó đã quăng chiếc ấn lên trên bờ ruộng.
Giải mã “tuần phủ đô tướng”
Việc chân hóa chữ triện trong con dấu khá dễ dàng, nhưng việc giải nghĩa chức vụ của viên quan trong con dấu này khá khó khăn. Một số sách sử ghi về thời Lê sơ cũng không thấy nói đến chức Tuần phủ Đô tướng quân. Tuy nhiên, chức Đô tướng là chức võ quan đã có từ thời Lý và tồn tại mãi đến thời Lê sơ.
Đối chiếu với nhiều tài liệu, sử sách, các nhà nghiên cứu tạm xác định Tuần phủ Đô tướng quân là danh hiệu phong tạm cho viên tướng lớn có tính chất như khâm sai, khâm phái của lĩnh vực hành chính chứ không phải là chức vụ, cấp bậc đẳng ngạch của binh chức chế quân đội thời Lê sơ.
Đến năm 1981, con trai ông Tân là Võ Phi Tiến ở quân ngũ về đi thăm đồng phát hiện ấn liền tưởng là được cục vàng hay đồng đen nên cầm về nhà. Ông Tân mang ra lau chùi thì nó chuyển từ màu đen sang vàng rồi lại chuyển màu đen. Nghĩ đã được của quý thật, ông Tân âm thầm mang đi dò hỏi một số nơi để bán nhưng không ai mua. Khi ông đem đến gặp ông T., một thợ sửa chữa xe đạp có tiếng trong vùng ở chợ Hiền Ninh, ông T. đã cắt một góc chiếc ấn để xem chất liệu gì. Rồi ông T. cũng không mua. Ông Tân mang “hàng” về mà vẫn không hay biết đó là chiếc ấn.
Theo ông Tân, dù không mua nhưng ông T. đã báo với lực lượng chức năng và sau đó công an đến nhà ông Tân yêu cầu giao nộp hiện vật.
Nay ở tuổi 79, tay đã yếu nhưng ông Tân vẫn nhớ như in những chi tiết về chiếc ấn. Ông kể lại: “Nó khá lớn, tôi cân được 3,6 kg. Nó có khắc 2 dòng chữ Hán và những viền rãnh rõ ràng”.
 
Gia đình ông Tân được biết đến như một mắt xích quan trọng của lịch sử quả ấn hiếm
...Đến bảo vật quốc gia
Ông Tân cho hay, lúc đó gia đình và người làng chẳng ai hay biết đó là vật gì, chỉ nghe sau này nó được lưu giữ tại bảo tàng. Nhưng thời điểm đó chưa tái lập tỉnh Quảng Bình, vẫn còn là Bình - Trị - Thiên nên không ai hay biết “vật thiêng” ngự trị chỗ nào.
“Liên lạc với Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, tôi nhận được thông tin rất bất ngờ bởi đó chính cái ấn vừa được công nhận Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2018”, ông Tân cho biết.
Theo hồ sơ lưu giữ, ấn được làm bằng đồng, dài 11 cm, rộng 11 cm và cao 9 cm. Ấn nặng đúng 3,6 kg như ông Tân đã cân đo. Ấn có núm cầm hình con nghê quỳ đúc toàn thân. Thân nghê cao 6,5 cm, dài 9,5 cm. Đế ấn dày 2,5 cm và khuôn đế được đúc theo hình vuông. Một góc chiếc ấn bị sứt mảnh nhỏ đúng như lời ông Tân kể.
Mặt trên thân ấn có 2 dòng chữ Hán khắc chìm: Hồng Thuận lục niên thập nhất nguyệt thập lục nhật tạo (洪順六年十一月十六日造) và Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân ấn (奉命巡撫都將軍印). Bên trong mặt ấn có 8 chữ triện xếp theo 3 hàng dọc là: Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân ấn. Niên đại ấn được xác định từ năm 1515 (năm Hồng Thuận thứ 6 - đời vua Lê Tương Dực thời Lê sơ).
Theo Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, trong số các ấn (triện) được kiểm kê, đăng ký và bảo quản tại bảo tàng cũng như tại các bảo tàng T.Ư và địa phương trên toàn quốc, chiếc ấn của quan Tuần phủ Đô tướng quân là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm và tiêu biểu cho các loại ấn dưới triều đại nhà Lê sơ. Đây cũng là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan Tuần phủ Đô tướng quân thời Lê sơ trên cả nước. Ngoài ra, ấn được đánh giá có hình thức độc đáo với núm cầm có hình con nghê quỳ được làm toàn thân.
Việc vì sao ấn quý lại “lưu lạc” ở vùng ruộng sâu Hoành Phổ vẫn chưa có lời giải.
Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm