"Cúc què, Cúc vẹo" - cô gái 21 tuổi Lê Kim Cúc (*) ở Bạc Liêu nói sẽ không bao giờ quên biệt danh ấy, sau những ký ức kinh hoàng về tai nạn mà cô gặp phải từ năm 7 tuổi.
Đôi chân lệch nhau hẳn - Ảnh: LÊ VÂN |
Gian nan tìm thầy thuốc
Cúc vừa trải qua cuộc phẫu thuật chỉnh hình lại xương đùi trái. Ít ai biết rằng, trước đó, cô gái nhỏ nhắn này đã 13 năm sống chung đầy mặc cảm với đôi chân thấp, cao lệch nhau đến 7cm.
7 tuổi, Cúc gặp tai nạn kinh hoàng khi băng qua đường quốc lộ đi học. Một chiếc taxi chạy quá tốc độ đã tông vào Cúc.
Tai nạn khiến cô bé 7 tuổi khi ấy bị gãy xương bên chân phải, chân trái bị xơ khớp dẫn đến xương đùi phát triển không đều. Kể từ đó, Cúc phải sống chung với đôi chân thấp cao.
Dì của Cúc kể lại: "Con bé hầu như rất ít nói, sống khép kín và ít có bạn bè thân thiết. Đi học rồi lại về nhà, lủi thủi một mình tội lắm. Cũng cả mười mấy năm như vậy...".
Nặng nề hơn, dị tật xương đùi sau tai nạn còn làm Cúc dần bị vẹo cột sống vào năm cô học lớp 7. Từ lúc này, Cúc bị bạn bè chọc ghẹo thêm cái tên "Cúc vẹo".
"Em bị vẹo từ cấp II. "Đã què, còn vẹo!". Mấy đứa bạn trong trường có lúc giả dáng đi của em mà chọc thế. Em chỉ muốn nghỉ học" - Cúc nhớ lại khoảng thời gian tưởng như đẹp nhất trong đời nhưng lại đầy nước mắt ở tuổi học trò đầy sóng gió. Nung nấu trong đầu của cô học trò sắp bước vào cấp III khi ấy với Cúc là một tương lai mờ mịt nếu không chữa lành được đôi chân.
"Cuộc chiến của em lúc ấy đơn độc vô cùng. Em chỉ biết lên mạng tìm hiểu và tìm thầy thuốc có thể chữa chân cho mình. Đôi chân thấp cao không chỉ khiến sức khỏe em bị ảnh hưởng, đi lại khó khăn, nó còn khiến em cảm thấy những ngày tháng học trò của mình như địa ngục.
Nhìn bạn bè cùng tuổi vui vẻ chạy nhảy đi đây đó, em chỉ dám mơ ước một ngày nào đó mình có thể đi bình thường trên chính đôi chân mình như họ..." - Cúc nhớ lại.
Hơn mười năm trước, ở vùng quê Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cha mẹ Cúc dù chỉ có vài vuông tôm gồng gánh cả gia đình cũng đau đáu việc tìm thầy, tìm thuốc chữa lành đôi chân cho con gái.
"Nhưng bác sĩ nói không sửa được, có chỉnh thì tới 18 tuổi mới làm được, mà phải đi tới Sài Gòn hoặc Hà Nội mới có bác sĩ mổ được. Suốt từ năm học lớp 7 tới giờ, trước khi gặp được bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, em chưa tìm được thầy thuốc nào nhận điều trị chân cho em" - Cúc kể lại.
Trải qua tuổi thơ đầy mặc cảm, u buồn, Cúc bước vào tuổi 18 với nhiều hi vọng. Nhưng lúc này lại có nỗi lo lớn hơn: tiền đâu để chữa lành đôi chân? Cúc đã phải đi làm từ sau khi ra trường, lên kế hoạch tiết kiệm từng tháng để chuẩn bị cho ca mổ. "Bạn bè ở tuổi bây lớn suốt ngày quần áo, đồ này kia, trang điểm làm điệu. Em thì chỉ có một mơ ước duy nhất là được chữa lành đôi chân" - Cúc tâm sự.
Dù trải qua sóng gió và có quyết tâm, Cúc vẫn không khỏi bị sốc khi trải qua hai lần mổ kéo dài, chỉnh hình xương đùi trái.
Cúc đã đi lại bình thường sau mổ kéo chân thành công - Ảnh: LÊ VÂN |
Đó là những ngày tôi chẳng muốn ra đường. Cũng có bạn bè thông cảm, nhưng vào tuổi quậy phá ấy, có mấy đứa giả dáng đi khập khiễng của tôi rồi chọc ghẹo cười đùa khiến tôi mắc cỡ vô cùng. Giờ thì tôi tự tin rồi. Lê Kim Cúc |
Ca mổ đổi đời
Lúc được bác sĩ tư vấn về ca mổ sắp tới, Cúc nhớ lại một kỷ niệm thời còn đi học. Khi đó, Cúc bị bạn bè chọc ghẹo ngay giữa sân trường. "Cả đám giả dáng đi của em rồi cười đùa. Bình thường em chỉ trốn hoặc đi thật nhanh về chỗ nào không còn ai nữa. Nhưng hồi đó trong đám bạn có một bạn trai em rất thích.
Em cũng không biết có phải vì bạn ấy hay không mà em bỗng giận lắm, lao vào đánh trả mấy đứa đang chọc ghẹo, bất kể tụi nó là con trai. Sau cả đám bị hiệu trưởng gọi lên "uống trà", nhưng cũng từ đó tụi nó không còn chọc ghẹo em nữa" - Cúc nhớ lại.
Kỷ niệm về lần đối đầu với những người bạn quậy phá đã khiến Cúc quyết tâm hơn khi trải qua hai lần mổ chỉnh hình đùi trái. "Thà bị đau chứ không thể chấp nhận chạy trốn mãi. Khi đánh nhau với đám bạn, em cũng đã nghĩ như vậy" - Cúc chia sẻ.
"Cuộc mổ kéo dài xương đùi cho Cúc rất phức tạp. Vì khi kéo không chỉ kéo xương mà đồng thời kéo giãn các khối cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu. Nếu dây chằng căng giãn quá mức, sẽ ảnh hưởng đến tầm vận động các khớp. Mạch máu bị kéo căng quá, nhanh quá có thể có thắt lại gây thiếu máu nuôi phần chân mình kéo.
Thần kinh kéo căng giãn quá ảnh hưởng tới vận động, cảm giác của phần bị kéo luôn. Tai biến có thể xảy ra là bị liệt cổ chân, nhiễm trùng cuộc mổ, viêm xương, chân bị rỉ dịch hoài... Đó là lý do phẫu thuật cơ xương khớp cần bác sĩ có kinh nghiệm, thực hiện đầy đủ quy trình Bộ Y tế đưa ra" - bác sĩ Trần Chí Khôi chia sẻ.
Trong ba tháng đầu sau ca mổ, Cúc hầu như phải nằm một chỗ, chỉ tập trị liệu nhẹ để phục hồi. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước khi mổ, Cúc vẫn không nghĩ mình sẽ trải qua những ngày tháng khó khăn như thế.
"Em bị nóng lạnh thất thường vì viêm chỗ chân đinh cố định sau khi mổ. Lúc đó cha mẹ cũng lo lắm, tính đưa em lên Sài Gòn khám lại. Nhưng bác sĩ Khôi nói chỉ cần uống thuốc, 4 ngày sau thì em bình thường lại, bắt đầu tập nhẹ để tránh teo cơ" - Cúc nhớ lại ca mổ thay đổi cuộc đời mình vào tháng 11-2019 vừa qua.
Một ngày cuối tháng 9-2020, Cúc lên Sài Gòn khám lại chân. Hiện tại chân trái Cúc đã được kéo dài thêm 6cm để đều với chân phải và có thể đi lại bình thường. "Đối với Cúc và gia đình, con như được tái sinh lần thứ 2. Con bé vui lắm, bắt đầu hòa đồng với bạn bè và đi chơi bên ngoài nhiều hơn chứ không trốn trong nhà như hồi xưa nữa" - dì của Cúc vui vẻ nói.
Bác sĩ Trần Chí Khôi, người đã mổ chỉnh hình chân cho Cúc, cho biết: "Hiện tại hai chân của Cúc đang lành rất tốt, tỉ lệ hai chân tuy là 9/10 nhưng với một người đã chịu nhiều khó khăn trong việc đi lại, lại bị vẹo cột sống lâu năm như Cúc thì đó là kết quả tốt".
"Lúc còn bé, em cứ mơ có một phép mầu giúp em lấy lại dáng đi của mình. Nhưng sau đó, em biết phép mầu không chỉ có trong cổ tích mà còn nhờ các bác sĩ giỏi và tâm huyết với người bệnh, mở ra cho em hi vọng mới. Sắp tới em sẽ lên Sài Gòn tìm việc cùng bạn bè. Mình còn trẻ mà, em muốn khám phá thế giới bên ngoài sau nhiều năm ẩn mình trong mặc cảm" - Cúc chia sẻ về dự định mới của mình...
Đã mổ chỉnh hình chân từ lâu
Từ khoảng năm 1990, các bác sĩ cơ xương khớp - chỉnh hình tại Việt Nam bắt đầu thực hiện việc chỉnh hình chân do bệnh lý bại liệt hoặc tai nạn cho bệnh nhân. Những bệnh nhân này sẽ được chi trả một phần viện phí từ bảo hiểm y tế. Nhưng không phải ai cũng có thông tin về nơi chữa trị chuyên khoa để được điều trị hiệu quả.
(*) Tên nhân vật đã đổi theo yêu cầu cá nhân
Cao 1,65m nhưng khao khát mãnh liệt muốn có chiều cao 1,75m, một bạn trẻ 26 tuổi ở TP.HCM đã lần mò tìm hiểu, chờ đợi cơ hội kéo chân...
Kỳ tới: Tôi phải cao 1,75m
LÊ VÂN (TTO)