(GLO)- Giữa những ngày đầu năm hanh hao, chúng tôi tìm về xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nơi có dàn đàn nước độc đáo gắn với nền văn minh lúa rẫy của đồng bào Bahnar. Cùng cả nhóm tham gia chuyến trekking ngắn xuyên rừng, anh Đinh Mỡi-quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp-vui vẻ tiết lộ, chúng tôi là những “du khách” đầu tiên được chiêm ngưỡng công trình này.
Người dân nơi đây gọi đàn nước vì chúng hoạt động nhờ sức nước. Nhưng cũng có người gọi là chiêng lồ ô vì nhạc cụ làm bằng ống lồ ô (hay tre) và âm vọng tựa tiếng cồng chiêng giữa rúi rừng.
Âm vọng từ ký ức
Người dẫn đường hôm ấy là ông Đinh Ngoai (51 tuổi, làng Toòng, xã Tơ Tung), chủ nhân dàn đàn nước. Từ Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, chạy xe máy chừng 500 m về hướng làng Toòng rồi rẽ trái, qua một dốc võng khá cao nằm chen giữa rẫy bắp, keo… xanh mướt, chúng tôi để xe lại và bắt đầu lội bộ. Con đường mòn nhỏ xíu len lỏi qua khoảnh rừng thưa với những đám tre trúc và cây bụi rậm rạp. Chuyến trekking ngắn càng thêm phần thú vị với câu chuyện về cách chế tác đàn của ông Ngoai.
Nghệ nhân cho hay, người Bahnar trong vùng thường chọn canh tác ở những vùng gần suối để tiện cho việc trồng trỉa, sinh hoạt. Trước đây, gần nơi dựng chòi rẫy, hầu như nhà nào cũng làm 1 dàn đàn nước bằng ống lồ ô, trước là để đuổi chim phá lúa, sau là giải trí lúc nghỉ ngơi.
Nhưng giờ đây trong vùng chẳng đâu còn tiếng đàn nước du dương vang vọng xuống tận buôn làng. Nhớ quá những thanh âm ấy, cách đây 4 tháng, ông lên rừng xa tìm lồ ô, tre về làm đàn nước. Một mình chế tác, chỉ trong vòng 1 tuần, ông Ngoai đã hoàn thành dàn đàn nước độc đáo.
Sau một hồi mải chuyện, chúng tôi đã đến chân đồi Tơ Nung, nơi gia đình ông Ngoai đang trồng 8 sào lúa rẫy. Vừa trông thấy dàn lồ ô đing đong reo trong gió, ông Ngoai đã kêu lên thất vọng: “Ôi, mới có nửa tháng mình chưa đến kiểm tra là cây đàn đã bị lạc tiếng hết rồi. Chắc là do phía nguồn nước có vấn đề gì đó”. Vậy là, chúng tôi lại tất tả theo chân ông luồn giữa đám cây rừng tìm đến chỗ tận dụng sức nước để “kéo” đàn.
Có đến tận nơi mới hiểu cách thức vận hành và tài hoa của người làm ra chiếc đàn này. Nơi con suối chảy xuống bậc đá cao chừng 2 m, ông Ngoai làm một máng dẫn nước bằng vỏ cây. Máng dẫn đổ nước xuống một chiếc gàu lớn cũng bằng vỏ cây.
Khi đầy nước, chiếc gàu bị sức nặng nhấn xuống, kéo theo sợi “dây đàn” bằng tre dài đến hơn 500 m dẫn từ suối về rẫy. Sợi “dây đàn” ấy cứ như một đường điện, cũng được neo vào trụ hẳn hoi, nhưng khác chăng là những chiếc trụ này không đứng yên mà cũng đu đưa tùy theo sức kéo. Điểm cuối của dàn đàn treo 1 rọ đá nhằm đảm bảo cân được sức nước ở đầu bên kia làm đối trọng.
Cứ thế, chúng co qua kéo lại, kéo theo dàn lồ ô treo lơ lửng ở giữa va vào các thanh gỗ được bố trí bên dưới, tạo thành tiếng đàn reo vui bất tận giữa nương rẫy, núi rừng. Con suối này chưa khi nào cạn dòng nên đàn cứ vang giọng mãi.
Anh Đinh Mỡi chia sẻ thêm: Hơn 20 ống lồ ô được “biên chế” như một dàn chiêng, gồm 2 chiếc “cồng” giữ nhịp, những chiếc còn lại là “chiêng”; chưa kể 1 chiếc “trống” làm bằng đoạn thân gỗ đục rỗng.
|
Ông Đinh Ngoai khơi thông dòng chảy để chỉnh âm cho dàn đàn nước. Ảnh: Phương Duyên |
Sau khi đến tận nơi, ông Ngoai phát hiện máng dẫn và gàu nước bị lá rụng lấp đầy làm ảnh hưởng đến dòng chảy nên đã khơi thông. Quay trở lại chỗ dàn ống lồ ô, ông tiếp tục dùng dao “vót âm thanh” cho từng ống để tiếng chuẩn hơn. Điều này không khó với một nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng dày dạn kinh nghiệm như ông.
Khi đã thật sự hài lòng với sự chỉnh sửa, ông Ngoai mới chỉ tay lên chòi rẫy của gia đình nằm phía trên đỉnh đồi Tơ Nung kể rằng, nơi ấy, những khi xong việc nghỉ ngơi, ông thả hồn theo tiếng đàn trầm bổng. “Mỗi khi làm mệt, nghe tiếng đàn, cái tai mình thấy vui lắm”-ông mỉm cười mơ mộng. Giữa tươi xanh vắng lặng, tiếng đàn không ngừng vang lên bay bổng, lạ tai, như xoa dịu nỗi mệt nhọc của cả nhóm sau một hành trình khá vất vả.
Anh Đinh Mỡi-quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp:“Những người biết làm đàn nước trong vùng đã lần lượt qua đời, chỉ còn sót lại vài người như ông Ngoai. Tôi đã bàn với ông về việc phát dọn cây rừng để đường dẫn vào chỗ dàn đàn nước dễ đi hơn, đồng thời, quảng bá trên mạng xã hội Facebook để bạn bè, du khách gần xa biết đến và tham quan, trải nghiệm”. |
Cả vùng giờ chỉ có 1 dàn đàn nước này nên nhiều người rất thích. Gặp chúng tôi khi đi nhặt củi, bà Đinh Thị H’Ngon (hơn 80 tuổi) chuyện trò: “Trước đây, ai làm rẫy cũng có dàn đàn nước. Nhưng giờ thì không còn nên nhớ lắm. Hàng ngày, mình đi lấy củi gần khu vực này chỉ để được nghe tiếng đàn thôi”.
Ông Ngoai cũng kể một câu chuyện mủi lòng khác: Hôm ấy, khi ông đang tuốt lúa thì thấy một phụ nữ luống tuổi có khoảnh rẫy gần đó lặng ngồi nghe tiếng đàn, rồi bà chầm chậm đưa tay lau nước mắt. Hỏi chuyện, bà kể rằng trước kia cha mình làm đàn nước rất tài. Tiếng đàn reo vang trong không gian tĩnh mịch hôm ấy đã gợi lên trong lòng bà biết bao kỷ niệm về người cha quá cố. Tưởng rằng đó chỉ là những thanh âm vô tình, đâu ngờ với những người lớn tuổi đã sinh ra và lớn lên nơi đây, chúng chính là tiếng vọng từ ký ức, đánh thức những cảm xúc đẹp đẽ nhất, chân thật nhất.
|
Bà Đinh Thị H’Ngon thường đến khu vực gần rẫy của ông Ngoai kiếm củi để được nghe tiếng đàn nước ngân nga. Ảnh: Phương Duyên |
Trekking kết hợp du lịch nông nghiệp, tại sao không?
Trên đường về lại làng Toòng, ai đó trong nhóm đã bàn đến việc làm một dàn đàn nước tương tự ở gần Nhà lưu niệm để tiện cho du khách tham quan. Nhưng ý tưởng đó nhanh chóng bị gạt sang một bên, bởi chuyến trekking ngắn vừa qua đã giúp mọi người nhận ra rằng, điều thú vị nhất nằm ở hành trình chứ không chỉ là chuyện mục sở thị dàn đàn độc đáo nói trên. Đó mới là lý do du khách tìm đến, để được thả mình giữa màu xanh và vẻ yên tĩnh của rừng, giải phóng khỏi những ồn ào, tất bật mà tìm về với tiếng suối chảy róc rách, lặng nghe âm đàn nguyên sơ, trong trẻo.
Đáng nói là người dân trong vùng vẫn duy trì truyền thống làm lúa rẫy, mỗi năm 1 vụ theo kiểu “phát-đốt-chọc-trỉa” dù lúa nước đã chứng minh ưu thế vượt trội. Đinh Mỡi cho hay, anh nhiều lần vận động cha mẹ chuyển sang làm lúa nước năng suất cao nhưng không ai đồng ý. “Có lẽ người lớn tuổi thường lưu luyến với cái cũ. Nhưng thực lòng mà nói là cơm lúa rẫy rất ngon!”-anh chia sẻ.
Ông Ngoai cũng nói, ông chỉ thích trồng lúa rẫy dù 8 sào chỉ cho thu khoảng 50 gùi lúa. Nhưng có lẽ ông Ngoai và người làng cũng không biết rằng chính sự “bảo thủ” của họ đã giúp lưu giữ hình ảnh về nền văn minh lúa rẫy mà giờ chỉ còn thấy ở những buôn làng xa xôi. Thầm nghĩ, nếu biến điều này thành lợi thế thì Tơ Tung có thể phát triển tour trekking ngắn kết hợp du lịch nông nghiệp để giúp du khách hiểu thêm về thiên nhiên, văn hóa bản địa đặc sắc trên quê hương Anh hùng Núp.
|
Ông Đinh Ngoai (làng Toòng, xã Tơ Tung, huyện Kbang) bên dàn đàn nước độc đáo. Ảnh: Phương Duyên |
Về với nơi này, thêm một lần ta nhận ra rằng, từ những vật dụng như gùi, nong, nia… cho đến các công trình như nhà rông, nhà mồ, đàn nước… của đồng bào bản địa đều không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Tất cả phản ánh khiếu thẩm mỹ tinh tế cùng sự khéo léo hiếm thấy. Tất cả đều đậm chất nghệ sĩ với tư duy sáng tạo đáng nể của sắc dân vùng sơn nguyên.
…Tiếng đàn nước xa dần khi chúng tôi lui khỏi khoảnh rẫy nằm giữa đám rừng thưa, lòng vẫn không thôi kính trọng sự tài hoa của người nghệ sĩ núi rừng. Mong rằng, tiếng đàn ấy sẽ còn mãi và để kéo du khách về với Tơ Tung ngày càng đông thông qua sản phẩm du lịch độc đáo này.
PHƯƠNG DUYÊN