Phóng sự - Ký sự

Đi tìm dấu tích Hội thề Lũng Nhai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có giả thiết nhận định, Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở xã Phúc Thịnh, hoặc xã Kiên Thọ của H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Liệu có phải?
 

Đồi Bái Tranh ở lưng chừng núi Pù Mé - Ảnh: NGỌC MINH




Mùa xuân năm Bính Thân 1416, người anh hùng Lê Lợi cùng với 18 vị hào kiệt làm lễ tế cáo trời đất, mưu tính việc dựng cờ khởi nghĩa, lật đổ ách thống trị của nhà Minh. Sử chép sự kiện ấy là Hội thề Lũng Nhai, khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại...

Năm 1407, cuộc kháng chiến chống giặc Minh của nhà Hồ thất bại, nước ta một lần nữa rơi vào ách thống trị của phương Bắc. Từ đây, đã có một số cuộc khởi nghĩa nổi lên, nhưng tất cả đều không thành công. Mãi đến năm 1416, từ vùng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), người anh hùng Lê Lợi đã quy tụ nhân tâm, mưu sự việc phất cờ khởi nghĩa (khởi nghĩa Lam Sơn). Để rồi sau đó, nghĩa quân đã trường kỳ kháng chiến suốt 10 năm mới giành lại được giang sơn bị giặc Minh đô hộ.

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì Hội thề Lũng Nhai được đánh giá là sự kiện khởi đầu, nơi bộ chỉ huy kháng chiến tuyên thệ với trời đất, thần linh và người dân đất Việt, quyết tâm giành lại non sông.

Lời thề Lũng Nhai chính là sự đồng lòng của Lê Lợi và các hào kiệt cùng chung ý chí đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn. Theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), Hội thề Lũng Nhai là thành quả của giai đoạn đầu tiên chuẩn bị, xây dựng lực lượng cho cuộc khởi nghĩa toàn dân. “Hội thề Lũng Nhai chính thức xác lập đường hướng của cuộc khởi nghĩa, hình thành bộ tham mưu đầu tiên, thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuẩn bị lực lượng, xây dựng căn cứ địa và phát động cuộc khởi nghĩa toàn dân tại núi rừng Lam Sơn. Hội thề là nhân tố cơ bản quyết định toàn bộ quá trình phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”, Giáo sư Ngọc nhận định.


 

Văn bia trong ngôi đền ở làng Phụng Dưỡng




Lũng Nhai ở đâu ?

Tầm vóc và ý nghĩa của Hội thề Lũng Nhai thì nhiều nhà nghiên cứu đã làm sáng rõ, nhưng vị trí của Lũng Nhai ở đâu vẫn là một câu hỏi khó, khiến nhiều nhà sử học trăn trở. Qua quá trình khảo sát, đánh giá thực địa và dựa trên các thư tịch cổ, các truyền thuyết dân gian, các học giả đã thống nhất khi nhận định nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai phải là nơi bảo đảm các yếu tố bí mật, có khả năng bao quát, dễ dàng rút lui, bảo đảm an toàn và đặc biệt phải không xa vùng Khả Lam (quê hương của Lê Lợi).

Có giả thiết nhận định, Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở xã Phúc Thịnh, hoặc xã Kiên Thọ của H.Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Nhưng có rất nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, Hội thề Lũng Nhai diễn ra ở núi Pù Mé, xã Ngọc Phụng, H.Thường Xuân (Ngọc Phụng trước thuộc H.Ngọc Lặc, năm 1963 được tách ra nhập vào H.Thường Xuân).


 

Ngôi đền nhỏ do người dân làng Phụng Dưỡng (gần làng Mé) lập




Đứng trên mỏm đồi Bái Tranh ngay lưng chừng núi Pù Mé (còn gọi là Pù Sào), ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng, cho biết nhiều nhà khoa học đã về đây để nghiên cứu, tìm hiểu khu vực này và cho rằng, chính ở đỉnh đồi Bái Tranh này, Lê Lợi đã cùng với 18 vị hào kiệt cắt máu ăn thề cùng nhau sinh tử, đánh đuổi giặc Minh, giành lại nền độc lập cho đất nước. Ông Minh khoát tay chỉ dãy núi phía đông và cho biết, từ đây đến vùng Khả Lam chỉ quãng 7 km, không xa lắm với quê hương của người anh hùng Lê Lợi.

Theo nghiên cứu của Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Đình Sỹ (nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), Pù Mé là nơi có vị trí đắc địa về mặt quân sự. Đây là một vị trí kín đáo, nằm bên hữu ngạn sông Âm và tả ngạn sông Chu. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn phía trước, nên đây có thể là một căn cứ địa, vừa để che mắt kẻ thù, vừa có thể tiến thoái một cách dễ dàng. Với ý nghĩa quân sự như vậy, rất có thể nơi đây đã được Lê Lợi chọn làm địa điểm tổ chức Hội thề Lũng Nhai.

Theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Thường Xuân, tại làng Phụng Dưỡng (nay là thôn Xuân Thắng) gần núi Pù Mé có một ngôi đền nhỏ được dựng vào năm 1937, bên trong có văn bia do Lý trưởng Lê Văn Nguyệt soạn năm 1937 dưới triều vua Bảo Đại, ghi lại việc tổ tiên của ông Nguyệt lập lại làng bản sau khi bị nhà Tây Sơn tàn phá. Văn bia ghi: “... Từ triều Lê xưa kia (đây là) chốn đất linh thiêng có một linh từ phụng thờ quốc thần, dưỡng quốc dân. Trải qua thời gian, được vinh dự đội ơn phong tặng, thực là anh linh muôn thuở. Nhưng từ thời Ngụy Tây (Tây Sơn) tàn phá, thần dân tan tác phiêu lạc. May thay, ông tổ đời thứ 5 của tổ tiên ta là Lê quý công tự Phúc Khoan, xét nhìn địa hình, cảnh thắng mà ngầm lập lại bản ấp...”. Còn theo ông Lê Đức Tiến (người trông coi đồi Bái Tranh), thì ngôi làng Mé ngay dưới chân núi Pù Mé trước đây từng gọi là làng Lũng Mi.


Ông Tiến kể, trước kia ở làng Mé cũng có một ngôi miếu cổ, nhưng nay đã bị phá. Nhiều người cao tuổi trong làng kể lại, khi ngôi miếu bị phá, người dân trong vùng đã nhặt được một số cổ vật, trong đó có 1 ly đồng. Họ tin rằng, những cổ vật này gắn với Hội thề Lũng Nhai. Nhưng đáng tiếc những cổ vật ấy hiện đã lưu lạc khỏi địa phương.

 

Từ mỏm đồi Bái Tranh có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn dọc sông Âm và sông Chu, xa xa phía bên kia dãy núi là lộ Khả Lam (quê hương của Lê Lợi)




Nhiều học giả khi nghiên cứu về làng Mé, núi Pù Mé, đồi Bái Tranh và ngôi đền ở làng Phụng Dưỡng… đều cho rằng, việc nhà Tây Sơn cất công lên tận vùng rừng núi xa xôi này để tàn phá đền miếu, làng mạc hẳn phải có một lý do đặc biệt nào đó. Phải chăng đây là nơi linh địa của nhà Lê mà nhà Tây Sơn muốn triệt xóa để thực hiện âm mưu chính trị của mình (?). Và vì vậy, cái tên Lũng Nhai phải đổi thành Lũng Mi như là cách mà người xưa đề phòng làng mạc lại tiếp tục bị tàn phá khi đất nước nổi can qua (?).

Ông Huyến cho biết thêm, trên địa bàn xã Ngọc Phụng hiện còn tồn tại một khu mộ cổ, được đánh dấu bằng những phiến đá to nhỏ chẻ dọc và cắm xuống đất. Khu mộ chôn theo phong tục của người Mường rộng tới 11.300 m2, nằm cách chân dãy Pù Mé khoảng 800 m. Truyền thuyết còn truyền lại cho rằng đây là mộ chôn cất những nghĩa quân Lam Sơn hy sinh trong các trận đánh quanh vùng này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, sở dĩ ngôi làng kế bên làng Mé mang tên Phụng Dưỡng là bởi rất có thể đấy là nơi cứu chữa, chăm sóc những nghĩa quân Lam Sơn bị thương, và khu mộ cổ chính là nơi chôn cất những nghĩa quân đã chết. “Ngày ấy, chắc chắn vùng này dân cư rất thưa thớt, rừng núi hãy còn quá hoang vu thì việc có một nghĩa địa rộng lớn như thế này hẳn là quá bất thường”, ông Huyến nói.

Sau nhiều lần hội thảo, đặc biệt là cuộc hội thảo do Viện Sử học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức gần đây đã cơ bản thống nhất, xác định đồi Bái Tranh ở lưng chừng núi Pù Mé là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (hiện nơi đây cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh). Tại hội thảo này cũng vẫn còn ý kiến khác chưa đồng thuận, vì vậy công cuộc nghiên cứu vẫn chưa kết thúc.

 

Lời thề Lũng Nhai

Theo các tài liệu lịch sử còn chép lại, vào tháng 2 âm lịch năm Bính Thân (1416), tại Lũng Nhai, Phụ đạo lộ Khả Lam, nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến đã cắt máu, tế cáo trời đất lập lời thề sinh tử.

Họ cùng đồng tâm thề rằng: “... Nay ở trong nước, Phụ đạo chính thần là Lê Lợi và bọn Lê Lai đến Trương Chiến 18 người. Tuy họ hàng quê quán có khác nhau, nhưng kết nghĩa, thân nhau như tổ liền cành, phận vinh hiển có nhau, nguyện tình cùng chung một họ không khác. Hoặc có giặc Ngô xâm chiếm, bắt nhà Trần, cướp nhà Hồ, qua cửa ải làm hại. Như vậy, Lê Lợi và bọn Lê Lai đến Trương Chiến đều chung sức đồng lòng, chống giữ địa phương để xóm làng được an cư, sống chết cùng nhau, không quên lời thề son sắt...”.


Theo Ngọc Minh (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm