Phóng sự - Ký sự

Đi tìm Kỳ lân châu Á: Nghề nhặt phân thú rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để ghi nhận sự tồn tại loài sao la quý hiếm, các đội tuần tra bảo vệ rừng đang ngày đêm có mặt ở các cánh rừng già bí ẩn thuộc trung Trường Sơn, dọc biên giới Việt - Lào và làm những công việc chưa được bật mí.
 
Nhân viên Khu bảo tồn sao la Quảng Nam vạch cây rừng tìm dấu chân và phân của loài sao la. ẢNH: HOÀNG SƠN
Cắt rừng tìm… phân thú
Đầu hè, nhưng không khí ở các cánh rừng rậm của Bha Lêê (Tây Giang, Quảng Nam) không khác thời tiết mùa đông là bao. Khí lạnh xộc vào mũi rát lạnh. Sáng sớm, trong màn sương quánh đặc, đàn vượn chuyền cành hú vang cả một góc rừng. Trên đường “hành quân” vào tiểu khu 14, thi thoảng đội tuần tra dừng lại trước một đám cỏ rạp xuống, ngó nghiêng. Cứ nhiều lần như thế, tôi ướm hỏi: “Các anh đang tìm kiếm cái gì?”. “Vài tháng trở lại đây, trong tuần tra bảo vệ rừng, chúng tôi còn được giao nhiệm vụ thu nhặt phân của thú rừng. Ngoài việc ghi nhận các dấu hiệu sao la để lại trên đường đi kiếm ăn, phân của chúng nếu có để lại là một dấu vết hết sức giá trị”, anh Hồ Quốc Cường, cán bộ Khu bảo tồn (KBT) sao la Quảng Nam, cười đáp.
Mong tin sao la từng ngày
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam, cho biết từ sau bức ảnh chụp sao la năm 2013, đến nay đơn vị vẫn chưa chụp lại được bức ảnh nào. Tuy nhiên, từ dấu hiệu để lại hiện trường, cán bộ bảo tồn vẫn nuôi hy vọng lại chụp được ảnh; mỗi bẫy ảnh đặt cách nhau2 km. “Chúng tôi đã bố trí máy ảnh dày đặc vào các vị trí tiềm năng nhưng vẫn chưa ghi nhận thêm. Sắp tới chúng tôi sẽ lập các hàng rào để sao la có thể đi vào nhằm tăng cơ hội ghi nhận. Mọi nỗ lực vẫn tiếp tục và chúng tôi cứ mong chờ ngày này qua ngày khác”, ông Sơn nói.
Nghe có vẻ tréo ngoe, nhưng nếu xác định đúng là phân sao la thì anh Cường và đồng sự sẽ rất vui. Nhưng sao la còn chưa nhìn thấy, thì sao biết phân của nó ra sao? A Lăng Hơn, cán bộ cùng đội tuần tra, kể trước khi được phát một bộ kit để nhặt phân, anh em phải trải qua nhiều tuần tập huấn, trang bị kỹ năng nhận diện. “Giữa bạt ngàn rừng sâu, lo tìm đường đi đã vất vả thì nếu không đủ kinh nghiệm sẽ khó tìm thấy phân thú chứ chưa nói tới việc tìm thấy loại phân tương đồng với sao la”, Hơn nói.
Suốt nhiều giờ lội bộ trong rừng, trong khi chúng tôi cặm cụi bám theo đoàn thì các cán bộ bảo tồn vừa đi vừa dáo dác. Đoạn, A Ting Lập giơ tay ra hiệu, cả đoàn dừng lại. Lập len qua lùm cây gai, cúi mình xem kỹ đống lá dưới đất. Anh lắc đầu. Lúc này, anh Hồ Quốc Cường mới lý giải: “Để tìm phân thú thì phải xác định được con đường mòn. Nếu không có nghề thì đâu cũng thấy bụi rậm với thảm thực vật xám xịt. Còn chúng tôi chỉ nhìn qua là biết ngay con đường này thú hay lui tới. Và để tìm phân của sao la, chúng tôi len theo đường đó để tìm… Khi nãy anh Lập lắc đầu vì phát hiện phân thú nhưng… quá cũ, không thu thập được”.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam, cho hay mẫu phân phải thu nhặt trong vòng không quá 3 ngày kể từ khi con vật thải ra. Quá 3 ngày, ADN của con vật cũng bị phân hủy. Mẫu phân sẽ được chuyển ra khỏi rừng, gửi đến các vườn thú của nước Đức để nghiên cứu. Phân càng mới thì cơ hội tìm thấy dấu vết sao la càng cao... “Để nhặt phân thú rừng, anh em cán bộ phải để riêng một bộ kit. Trong đó, có những dung dịch để lưu giữ phân không tiếp tục bị phân hủy”, ông Sơn nói.
 
Đường tuần tra giữa Trường Sơn, các đội thường gặp và thu gom rất nhiều mẫu vắt để lấy máu nghiên cứu
Ân cần với từng con vắt
Giữa trưa, trời bỗng dưng tối sầm. Nước suối bắt đầu ngầu đục. Anh em trong đội tuần tra vội vã đưa chúng tôi lên khu vực cao hơn. Ngay sau đó, trận mưa giông ào ào đổ xuống giữa Trường Sơn. Đang mải mê câu chuyện tìm dấu vết sao la, bỗng dưng chân tôi nhói buốt. Nhìn xuống thì đám vắt rừng không biết từ đâu kéo đến, búng lên như rươi. Tôi đưa tay định bóp con vắt thì anh Lê Ka Thắng gạt, bảo để anh xử lý. Anh bắt con vắt khỏi chân tôi, lấy trong ba lô một hộp nhỏ bỏ con vắt vào. Anh tỏ vẻ bí hiểm: “Người làm công tác bảo tồn sao la như chúng tôi, đến con vắt cũng phải đối xử ân cần. Chúng là những sinh vật không biết nói nhưng có thể “chỉ” khu vực sao la đi ăn, trú ngụ”.
 
Giữa rừng già rậm rạp, việc tìm thấy phân thú để mang đi nghiên cứu là việc không hề dễ dàng
Tôi càng ngạc nhiên khi anh Thắng bảo dưới sự hỗ trợ của WWF, nhiều năm qua trong các chuyến tuần tra dù xa hay gần, các cán bộ bảo tồn đều thu thập mẫu vắt rừng. Số vắt này sau đó sẽ được chuyển giao cho các chuyên gia nước ngoài nhằm lấy mẫu máu, phục vụ công tác xét nghiệm tìm dấu vết sao la thông qua bộ ADN... Đến lúc này, chúng tôi mới hiểu vì sao suốt chặng tuần tra hàng giờ đồng hồ, các anh không bao giờ giết bỏ một con vắt nào, chỉ gỡ nhẹ và cho vào hộp chuyên dụng.
Mỗi chuyến tuần tra 8 ngày trong rừng, 6 đội của KBT sao la Quảng Nam thường thu về hàng ngàn mẫu vắt. Những con vắt giá trị là con đã hút máu thú hoang, được bảo quản có phần kỹ hơn. Ông Lê Hoàng Sơn cho hay bên cạnh thu mẫu phân của thú rừng, công việc bắt vắt để lấy mẫu máu được các đội tuần tra triển khai thường xuyên từ nhiều năm qua. Tổ chức WWF sẽ đưa các mẫu máu này qua các trường đại học của Trung Quốc, Đức… để tiến hành xét nghiệm, đối chiếu ADN. Chỉ tiếc rằng, các kết quả phân tích mà ông được phản hồi chỉ đưa ra đến loài móng guốc chẵn, chứ chưa chỉ rõ loài cụ thể.
 
 
Đội tuần tra Khu bảo tồn sao la Quảng Nam thiết lập các thông số trên bẫy ảnh để lắp lên cây nhằm ghi hình sao la
Công phu bẫy ảnh
Năm 2013, bức ảnh chụp được cảnh con sao la di chuyển khiến cho thuật ngữ bẫy ảnh (camera trap) được nhiều người quan tâm. Trong chuyến tuần tra lần này, anh Lê Ka Thắng (người đặt máy ghi được ảnh sao la năm 2013) tái hiện cảnh lắp đặt thiết bị này trên thân cây. “Trước khi vào rừng, ngoài máy bẫy ảnh, chúng tôi phải kiểm tra đầy đủ pin để duy trì máy hoạt động liên tục trong vòng 2 tháng. Quan trọng nhất là phải có máy tọa độ để ghi lại chính xác vị trí đặt máy. Tất nhiên, những con số này đều phải bí mật, tránh việc lộ lọt vào tay kẻ xấu”, anh Thắng nói.
Trời ngớt mưa, chúng tôi dừng lại bên một con suối. Lúc này nhóm tuần tra chia nhau đi tìm vị trí thích hợp. Theo chân anh Thắng, chúng tôi dừng lại bên bờ suối, nước chảy róc rách và có nhiều môn thục xung quanh. Chúng mọc thành vạt. Anh Huỳnh Đức Thành, một cán bộ KBT, giải thích: “Môn thục là thức ăn ưa thích của sao la nên việc đặt bẫy tại những nơi có loại thực vật này sẽ gia tăng cơ hội có sao la mắc bẫy ảnh”. Xòe bàn tay huơ huơ trước ống kính, ánh sáng lóe lên, anh Thành cười: “Tôi đã cài chế độ chụp 3 giây/lần, khác với trước đây là 10 giây/lần để tăng khả năng chụp ảnh sao la nếu chúng ngang qua máy. Nếu máy ở chế độ quay phim liên tục thì chỉ được 7 ngày. Thẻ nhớ máy có thể chụp thoải mái trong 2 tháng liền”.
Điểm đặc biệt của chiếc máy ảnh này có thể kháng nước và có dây cáp khóa vào thân cây để tránh việc bị ai đó vô tình bắt gặp và tháo gỡ. Sau khi chọn được vị trí thích hợp, anh Thắng trườn theo con suối lên cạnh một gốc cây. Anh khéo léo nhoài người để tránh đổ rạp những cây nhỏ lân cận, khiến các loài động vật “nghi ngờ”. Dưới gốc cây nhỏ, anh chĩa máy về phía đường mòn cạnh con suối, đúng như địa hình mà anh từng đặt bẫy ảnh thành công cách đây 7 năm. Khoảng 15 phút, anh lắp xong máy, lại huơ bàn tay để chắc chắn máy đang hoạt động rồi mới rời đi. “Chỉ cần động vật có thân nhiệt đi ngang, máy sẽ tự động chụp lại. Nhờ chiếc máy này mà chúng tôi đã phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm, như mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn…”, anh nói thêm.
Thoáng một chút buồn, anh Thắng kể từ khi sử dụng bẫy ảnh, đơn vị đã mất không ít máy bởi người dân làm nghề rừng. “Họ thường phá máy bằng được vì biết rằng máy đã ghi lại khuôn mặt của họ. Nhiều trường hợp họ dùng lá cây che máy, khiến sao la có thể đã đi ngang qua nhưng máy không phát hiện được”, anh kể.
(còn tiếp)
Hoàng Sơn-Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm