Phóng sự - Ký sự

Đi tìm miền Tây yêu dấu - Kỳ 1: Vắng rồi chiếc cân treo của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có những nghề, những đồ vật bao đời đã gắn bó thiết thân với người châu thổ phương Nam, như nghề đóng xuồng ba lá lênh đênh đồng nước nổi, làm cân treo, ghe hàng xáo đưa "chợ" nhỏ về miệt bưng biền heo hút...
Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở cân Sáu - Ảnh: T.NHƠN
Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở cân Sáu - Ảnh: T.NHƠN

Xã hội phát triển, nhiều nghề xưa mai một, nhưng một số thứ "muôn năm cũ" vẫn tồn tại cùng người châu thổ.

Những câu chuyện ngày ấy bây giờ gần gũi và đầy xúc cảm về miền Tây yêu dấu...
Ngày nay, nhiều người chỉ còn hiếm hoi thấy chiếc cân treo ở những xe đẩy bán hàng dạo miệt biên giới Đồng Tháp, An Giang hoặc ít chợ "chồm hổm" thôn quê. Cân treo một thời không thể thiếu trên chiếu hàng quê của mẹ dần lùi vào dĩ vãng.
Có bận cân treo được sản xuất bằng chất liệu đồng thau lấy từ phế liệu chiến trường. Cân màu vàng đồng, đẹp mà bền dữ lắm nên bán chạy dữ thần ôn.
NGUYỄN MINH DŨNG
"Cân cho tui ký rưỡi cá"
Trung tuần tháng 2, trời nắng chói chang. Dọc tuyến quốc lộ 91 ngập sắc lúa chín vàng, tôi tìm về thị trấn Cái Dầu (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), một trong những nơi hiếm hoi ở châu thổ còn duy trì nghề làm cân treo.
"Ủa, chú mua cân treo hả? Chắc mấy ổng mừng lắm. Giờ còn mấy ai mua cân treo làm gì đâu" - người đàn ông chạy xe ôm nơi thị tứ buông lời rồi tận tình dẫn tôi đến cơ sở sản xuất cân treo Dũng, một trong những nơi sản xuất cuối cùng còn tồn tại của làng nghề xứ Cái Dầu.
Nghe tôi định tìm hiểu nghề làm cân treo, ông Nguyễn Minh Dũng (58 tuổi) - chủ cơ sở cân Dũng - nở nụ cười khoái chí: "Chú em may thiệt nghen, chừng vài năm nữa không chừng hổng còn chỗ nào làm cân treo. Mấy cơ sở quanh đây có tháng chả bán được cái nào. Chuẩn bị đóng cửa, chuyển nghề ráo".
Trước cơ sở, ông Dũng chỉ trưng bày một chiếc cân treo trọng lượng nhỏ, còn trong xưởng ông đang cùng thợ hì hục chế tác máy vắt nước dừa, muỗng múc kem... Chẳng có gì liên quan đến nghề ghi trên biển cửa tiệm. "Bất ngờ hả? Không làm có mà chết đói. Làm cân bây giờ chỉ là nghề phụ, kiếm được mấy đồng đâu", ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Dũng, nghề làm cân treo ở thị trấn Cái Dầu xuất hiện khoảng thập niên 1950. Các bậc lão niên địa phương cũng không nhớ chính xác ai là người đầu tiên đưa nghề làm cân treo về đây. Những tiền bối làm cân treo như ông Năm Thiệt, Sáu Kỳ Son, Tám Giang, Hai Côi đều đã khuất bóng theo con lũ mù xa.
"Cân treo này hình như xuất xứ từ Pháp, họ đưa vào xứ mình để tiện mần đo lường. Dân mình táy máy học hỏi rồi chế lại nguyên bản. Thầy dạy xưa của tui kể thế", ông Dũng giải thích về nguồn gốc cân treo.
Một chiếc cân bao gồm đầu, đòn, dây, dĩa cân và trái treo được làm bằng chất liệu thép không gỉ. Trên mỗi đòn có các khứa thể hiện trọng lượng, giữa hai khứa lớn (1kg) thường được đánh dấu bằng hình "giọt lệ" tức 0,5kg. Người nhìn các khứa để xác định trọng lượng đồ cần cân. 
Tùy kích cỡ lớn nhỏ, cân treo có thể cân được tối đa khoảng hơn 20kg. Người dùng chỉ cần đặt đồ vật muốn cân lên dĩa cân rồi xê dịch quả cân trên đòn cho đến khi cân bằng. Sau đó, chỉ cần đọc thông số được thể hiện trên đòn sẽ biết trọng lượng vật được cân.
Theo lời chủ cơ sở làm cân treo mà tôi có dịp trò chuyện thì nghề làm cân treo xứ Cái Dầu hưng thịnh nhất vào những năm 70 đến 90 của thế kỷ trước. Thời ấy, hàng chục cơ sở làm cân luôn đỏ lửa sáng đêm với hàng trăm lao động lành nghề. Cái Dầu "rền vang" cả một vùng với tiếng búa, kềm rèn giũa kim loại. 
"Ngày đó, tui làm ở Chi cục Đo lường chất lượng huyện Châu Phú nên nhớ rất rõ. Cả làng nghề có 36 cơ sở làm cân treo uy tín được cấp giấy chứng nhận. Bây giờ thì chỉ còn duy nhất 4 hộ, các cơ sở còn lại đa phần đều không trụ được đã chuyển nghề khác kiếm sống", ông Dũng nhớ lại.
Thời hưng thịnh của nghề làm cân treo, thợ mệt thì lăn ra ngủ rồi lại dậy làm tiếp. Do ngày xưa làm hoàn toàn thủ công nên mỗi tháng cơ sở nào giỏi cũng chỉ có thể sản xuất 50-70 chiếc cân. Những năm sau 1975, cân treo theo những đoàn tàu xuất ra Hà Nội, Hải Phòng. Nó thịnh hành, làng nghề cũng hưng thịnh theo, nhiều cơ sở cân treo làm không đủ bán.
Ông Nguyễn Minh Dũng bên chiếc cân treo do mình sản xuất - Ảnh: T.NHƠN
Ông Nguyễn Minh Dũng bên chiếc cân treo do mình sản xuất - Ảnh: T.NHƠN

Mần cân, phải sống sao cho đặng

Cách cơ sở cân Dũng vài trăm mét, tôi tìm đến cơ sở cân Sáu. Từ ngày ông Phùng Kim Sáu (hay còn gọi ông Sáu Rùa - thợ làm cân nổi tiếng nhất nhì xứ Cái Dầu) mất, vợ ông là bà Võ Thị Hương (72 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu) không còn mặn mà với nghề. 
Lúc tôi tìm đến, cơ sở làm cân của bà Hương chỉ có một người trông tiệm, và bà Hương đang tính đường chuyển nghề vì không có khách.
"Ngày xưa, ổng làm ở chỗ cầu Sắt, nức tiếng gần xa. Ổng làm cân còn tui đi bán. Theo xe đò đi khắp lục tỉnh từ Rạch Giá, Ba Hòn đến Sông Đốc rồi qua cả Campuchia. Không phải nói dóc, thời đó cân bán đắt như tôm tươi. Mua đất, cất nhà rồi dựng vợ gả chồng cho mấy đứa nhỏ cũng từ cái nghề làm cân treo này", bà Hương tâm sự.
Nói rồi, bà Hương quày quả vô nhà, lục tìm giấy chứng nhận đăng ký sản xuất phương tiện đo của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh An Giang cấp năm 1999. Tấm giấy chứng nhận đã ố vàng được bà gìn giữ cẩn thận như kỷ vật một thời vàng son của nghề.
Theo bà, ngày xưa chỉ những cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký sản xuất phương tiện đo mới được sản xuất cân. Một trong những đặc điểm của cân treo được khách hàng ưa thích là việc gian lận chỉ có thể được người thợ điều chỉnh trong quá trình làm cân, còn một khi cân đã ra thành phẩm thì khó lòng thêm bớt trọng lượng khi cân. 
"Ai làm cân cũng giữ cho mình lòng ngay thẳng. Ngày xưa cũng có người đến cơ sở kêu tụi tui điều chỉnh thêm bớt cân nhằm gian dối nhưng tui nhất quyết từ chối. Tiền bạc kiếm ê hề, nhưng sống sao đặng bởi tâm can lúc nào cũng không yên", bà Hương tâm sự.
Do ít khách hàng nên ngày nay trên mỗi chiếc cân, chủ cơ sở thường khắc tên và số điện thoại. Khách có nhu cầu mua chỉ liên hệ là được chuyển cân đến tận nhà. Tuy nhiên, do cân điện tử giờ rẻ tiền và quá phổ biến nên người làm cân treo cũng "vật lộn" với nghề. 
"Bảy năm lại đây, tui làm thêm máy vắt nước dừa mini, muỗng múc kem. Vừa có đồng ra đồng vào, đồng thời cũng duy trì được nghề làm cân treo. Nói chứ còn sống là còn giữ nghề", ông Minh Dũng chia sẻ.
Còn bà Hương cũng tặc lưỡi rồi thở dài khi nhắc đến câu chuyện giữ nghề: "Thiệt lòng cũng muốn giữ lại cái nghề này bởi dù sao cũng từng giúp gia đình tui gầy dựng nên khá giả. Nói thì nói vậy, chứ lỗ lã hoài sợ không cầm cự được. Đến đâu hay đến đó!".
Dân Campuchia còn chuộng
Thời điểm làm ăn được nhất của dân làm cân treo là mùa nước tràn đồng, và cũng thật bất ngờ khi biết khách hàng của cân treo lại đến từ bên kia biên giới Campuchia.
"Miệt biên giới An Giang, Đồng Tháp với một vài tỉnh ở Campuchia còn sử dụng cân treo nhiều. Năm nào đầu mùa nước, dân Campuchia cũng qua đây đặt vài chục cái rồi kêu tui chuyển qua bển. Cũng nhờ họ mới còn duy trì nghề đến giờ chứ không chắc cũng dẹp rồi" - ông Nguyễn Minh Dũng chia sẻ.
"Bán con cây kem 10 đồng nghen chú". Kem cây, kẹo kéo như món quà vặt "ngon nhứt" của nhiều đứa trẻ miệt bưng biền nghèo ngày xưa.
Kỳ tới: Leng keng... kẹo kéo, kem cây
THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm