Phóng sự - Ký sự

Đi tìm 'vàng xanh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trà một thức uống phổ biến chỉ sau nước, được ví là 'thuốc tiên', là 'vàng xanh' núi rừng. Việt Nam đang sở hữu một mỏ 'vàng xanh' có quy mô hàng đầu thế giới, chính là những vùng trà cổ thụ trăm năm, ngàn năm tuổi.
Camellia Sinensis var. Shan là giống trà thuần chủng, giới trà Việt gọi là “trà Shan tuyết cổ thụ”. Đây là giống nguyên bản, đầu dòng, không di thực, lai tạo, hiện thế giới có 5 quốc gia sở hữu gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc. Trong số ấy, Việt Nam không chỉ sở hữu những vùng trà cổ thụ đã và đang được khai thác rộng lớn ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, xuống đến cả Hòa Bình, Phú Thọ, mà còn các vùng trà nguyên sinh ở rừng đặc dụng, vườn quốc gia, vùng núi cao… như Xuân Sơn (Phú Thọ), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Phja Oắc (Cao Bằng), Mồ Sì San (Lai Châu), Hoàng Su Phì (Hà Giang)… Mỗi vùng trà cổ thụ, không chỉ mang những đặc tính riêng về thổ nhưỡng, khí hậu… những thứ tạo nên hương - vị có trong trà, mà đời sống văn hóa, tập tính người bản địa cũng góp phần tạo cho từng vùng trà là một vùng văn hóa chuyên biệt.

Một cây trà cổ thụ ở Tà Xùa, Sơn La, vùng trà này nổi trội loại trà hương thơm thanh dịu, vị ngọt - chát cân bằng. Ảnh: Lam Phong
Người H’mông cúng trà, coi cây trà như báu vật của trời; người Dao cúng trà bởi đó là cây do tổ tiên dành lại. Trà cổ thụ Điện Biên, Yên Bái có vị chát đậm, qua đến Sơn La lại dậy hương hoa, hương chanh; những Lai Châu, Hà Giang nổi trội hương mật, hương hoa lan, hoa hồng… Tùy cách chế biến, tùy vùng nguyên liệu, trà Shan cổ thụ mang lại nhiều bất ngờ với người thụ hưởng. Nhưng ấn tượng hơn cả khi nhắc về trà Shan chính là những cây cổ thụ mang dáng thế già nua, đẹp, hiên ngang giữa núi rừng. Cho đến nay, ở các cánh rừng Đông - Tây Bắc, loại cây phổ biến có tuổi đời lâu nhất, gần gũi và thân quen với con người nhất, chính là trà. Thứ “vàng xanh” quý giá ấy, kỳ vọng sẽ từng ngày được vinh danh và tỏa sáng.
Rừng trà nguyên sinh ở độ cao 2.200 m trên đường lên đỉnh nóc nhà Đông Dương Fansipan, Lào Cai. Ảnh: Lam Phong

Rêu mốc, địa y trên thân trà cổ thụ, chỉ dấu xác định vùng núi có gió, sương mù, độ ẩm cao và khí hậu trong lành. Ảnh: Lam Phong
Quần thể cây trà cổ thụ ở thung lũng Páo Tỉnh Làng, Tủa Chùa, Điện Biên. Ảnh: Lam Phong

Gốc trà đại thụ của Hạng A Chư (trái) ở bản Hấu Chua, Tủa Chùa, Điện Biên. Ảnh: Lam Phong

Những búp trà vừa hái trong rừng quốc gia Phja Đén - Phja Oắc ở Cao Bằng. Ảnh: Lam Phong

Giàng Nhà Lử, thầy cúng ở Suối Giàng, Yên Bái lập bàn thờ dưới gốc trà tổ của vùng. Ảnh: Lam Phong

Cây trà cổ thụ của ông Cháng Seo Màn, người Dao ở Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: Lam Phong
Theo Lam Phong (thực hiện/ TNO)

Có thể bạn quan tâm