Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.
Công nhân tươi cười với tấm ảnh chị Trâm trước cửa hầm số 2. Ảnh: Văn Chương |
Thoáng bóng chị Trâm
Chiều buông xuống, giữa rừng núi Phổ Cường phảng phất màu lam tím. Gió se sắt khiến có cảm giác như có ai đó vừa vụt qua bên cạnh khi nhìn lên dãy núi, nghe thoang thoảng mùi hương trầm tưởng nhớ người liệt nữ Đặng Thùy Trâm. Cảm nhận đó thoáng qua như sương khói, vì trước mặt tôi là hai con đường với những cỗ rô bốt Epirok khoan núi đang tiến vào cửa hầm số 2. Tại địa bàn thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, có rất nhiều địa danh từng in dấu chân chị Trâm, trong đó có triền núi trên nóc hầm này.
Ngọn núi Chúa hoang vu từng in dấu chân chị Trâm đang được đánh thức. Công trình cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có các hạng mục: 61 cây cầu, 13 cầu vượt trục thông, 61 cầu vượt tuyến, 83 hầm chui, 3 hầm xuyên núi (tổng chiều dài 4,5 km), tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng như đoàn tàu cao tốc đang hối hả để cán đích vào tháng 8/2026.
Chiều tối, một nhóm công nhân thay ca, rời khỏi miệng hầm, vài người hơi khép vai, kéo áo khoác trước cái lạnh se sắt cộng với hơi đá núi. Nhìn anh em, tôi nhớ lời kể của bà Võ Thị Thu Thủy, học trò của chị Trâm “trong núi lạnh lẽo lắm con ơi, những đêm mưa thì càng vất vả, trời tối sập quơ tay sát mặt cũng không nhìn thấy”. Mấy anh em công nhân nở nụ cười, chỉ ngay vào tấm ảnh tôi giơ ra và thốt lên “chị Trâm, bà con vùng này đều nhắc chị”.
Ngược dòng thời gian, vào đầu tháng 3/2023, khi chiếc xe rô bốt khoan núi Epirok tiến tới sát vách núi đánh dấu việc bắt đầu khoan từ hầm số 1, các kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả đã nhắc hẹn tôi tại hầm số 2 gắn với câu chuyện chị Đặng Thùy Trâm và cho biết, người dân địa phương đã kể đây là một trong nhiều địa điểm bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã di chuyển đến để tiếp nhận, cứu chữa cho thương binh.
Công nhân khoan hầm chui hay có mặt ở những vùng rừng núi hoang vu, nên ai cũng có những chuyện bí ẩn. Anh Vinh, quê ở tỉnh Thanh Hóa kể khi thi công hầm đèo Hải Vân và dựng trại ngay chân dốc Lăng Cô, mọi người thỉnh thoảng lại chứng kiến cảnh tai nạn khi xe lên dốc, đổ đèo. Nỗi ám ảnh đó khiến anh em râm ran kể chuyện lạ xuất hiện lúc đổi ca ban đêm và cả trong giấc mơ. Còn dưới chân núi Chúa, rất nhiều công nhân kể chuyện nhìn thấy bóng người phụ nữ ngay trên mỏm đồi yên ngựa, mọi người thắp hương và nói có lẽ đó là linh hồn của chị Trâm. Kỹ sư Trần Hữu Nghĩa, 33 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trưởng hầm số 2 thốt lên “chị sẽ phù hộ cho anh em trong những ngày ở vùng rừng núi này”.
Tâm linh về thần núi
Thi công hầm xuyên núi là một công việc nặng nhọc và nguy hiểm nên mọi người thường nhắc nhau “đừng để thần núi nổi giận”. Vụ tai nạn gần đây nhất được ghi nhận vào cuối năm 2023. Công trình hầm đường bộ nối thị trấn Sikvara tới thị xã Barkot, thuộc bang Uttarakhand, Ấn Độ dài 4,5 km bất ngờ bị sập, 41 công nhân bị kẹt bên trong. Cả thế giới chú ý tới vụ cứu nạn kéo dài suốt 17 ngày, cuối cùng toàn bộ nhóm công nhân được đưa qua một đường ống trên chiếc cáng có gắn bánh xe để thoát ra ngoài.
Trước khi vào hầm số 2 (một số công nhân đặt là hầm chị Trâm), tôi được thông báo về việc nhận đồ bảo hộ, trao đổi nhanh về phương pháp thoát hiểm khi đi vào hầm xuyên núi đang thi công. Có một quy định kiêng cữ được dân làm hầm xuyên núi phổ biến rộng rãi, đó là phụ nữ không được đi vào hầm. Anh em kỹ sư mỉm cười và mỗi người kể một câu chuyện khác nhau về việc kiêng cữ, có anh cho biết, từng nghe kỹ sư Nhật Bản kể, do thần núi… không thích phụ nữ. (?!)
Năm 2000, khi thi công hầm xuyên núi đầu tiên ở Việt Nam là hầm đèo Hải Vân, phía nhà thầu Nhật Bản là Hazama và Dong Ah của Hàn Quốc đều cấm triệt để việc đưa phụ nữ vào hầm. Công nhân được giải thích bằng nhiều câu chuyện cổ tích, huyền hoặc. Đó là thần núi vốn là phụ nữ, nên không hợp với đàn bà, con gái đi vô hầm. Lần đầu tiên chạm mũi khoan vào vách núi thì phải sắp mâm cúng, làm lễ rót rượu mời thần núi.
Hầm xuyên núi được anh em gọi tên là hầm Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Văn Chương |
Kỹ sư Vũ Quang Phương quê ở tỉnh Nam Định, Tết Nguyên đán 2024 anh tình nguyện ở lại trực trên công trường cùng anh em. Gió núi rít thật lạnh khi anh dẫn tôi đi theo những cung đường vắt quanh cánh rừng để đến các trại chỉ huy. Đường rừng tối mù mịt, “vệt” đường hiện ra qua dây căng phản quang. Cảm giác đi trên cung đường này thú vị vô cùng. Gần 50 năm trước, đường mòn này đầy dấu chân của du kích, an ninh vũ trang bảo vệ vành đai trạm xá Bác Mười. Còn giờ đây in dấu chân của công nhân từ khắp mọi miền đất nước đến thi công công trình trọng điểm quốc gia.
Từ hầm số 2 dẫn sang hầm số 3 phải băng qua trảng rừng vắng lạnh người, thoang thoảng mùi lá rừng. Trước cửa hầm số 3, mọi thứ hiện ra giống như công xưởng bí mật giữa rừng già Amazon - tiếng máy hút gió thông hầm, hàng chục cỗ rô bốt khoan hầm bò khắp nơi. Hầm số 3 dài tới 3,2 km, là một trong ba hầm dài nhất tuyến cao tốc Bắc-Nam, dự kiến phải mất 42 tháng để hoàn thành.
Tôi gửi email cho phóng viên Mỹ Ronald Haeberle, người từng có mặt tại chiến trường Đức Phổ vào năm 1967 để chia sẻ về sự đổi thay, vì biết đó là điều mà ông luôn cầu mong cho tới cuối đời. Nơi ngày xưa trực thăng UH-1 rà rà suốt ngày, bây giờ đang là đại công trường. Ngày trước mọi người thăm chị Trâm thì chỉ có thể ghé vô Bệnh xá Đặng Thùy Trâm nằm sát tuyến quốc lộ 1A. Còn bây giờ ai cũng có thể băng qua cánh rừng nơi chị từng lặng lẽ ghi dòng nhật ký.
Kỹ sư Vũ Quang Phương (bên trái) và kỹ sư Trần Hữu Nghĩa, trước cỗ xe rô bốt Epirok đào hầm trị giá hơn 1 triệu USD. Ảnh: Văn Chương |
Sức trẻ trên công trường
“25/3/1969, hơn một năm trời chưa có dịp xuống đồng bằng, mấy bữa nay sao mình ao ước vô cùng - Nỗi ước ao như nắng hè chảy bỏng. Nhớ đồng bằng vô cùng - Đồng bằng ơi! Những ruộng lúa xanh rì với bông lúa đã bắt đầu nặng hạt… Đồng bằng ơi! Dù lửa khói còn đang cháy đỏ nhưng không cháy được màu xanh của cuộc sống đang lên”. Đó là một đoạn trích trong cuốn Nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. 54 năm về trước, chị Trâm đã nhắc đến “màu xanh cuộc sống đang lên”. Suy nghĩ của chị là một dự cảm về ngày mai, về sự đổi thay. Kỹ sư Vũ Quang Phương chia sẻ cảm xúc, “em mới vừa được kết nạp Đảng, khi đến cánh rừng này và nghe nhắc tới chị Trâm, ai cũng bồi hồi thương cảm và nghĩ tới thân phận một cô gái trẻ từ Hà Nội lặn lội tới nơi này, rồi hy sinh”.
Từ sau năm 1975 đến nay, ngọn núi Chúa nơi chị từng in dấu chân chị Trâm vẫn im lìm giữa rừng xanh bạt ngàn những bụi cây sim tím, chùm chày hoa vàng. Hoa chùm chày thơm đến lặng cả người. Kể từ năm 2023, ngọn núi này bắt đầu thức giấc bởi nằm trong tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Sau gần 25 năm kể từ ngày khởi công hầm xuyên núi đầu tiên (hầm đèo Hải Vân), công nhân trên công trường giờ đây đã làm chủ được công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method). Hàng ngàn công nhân đến từ rất nhiều tỉnh thành như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa… Mọi người luôn nhắc đến chị Trâm khi qua hầm số 2.