Phóng sự - Ký sự

Đi về hướng mặt trời - Kỳ 4: Không nơi nào bằng quê hương mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều người từng hoạt động trong tổ chức phản động FULRO hoặc vượt biên đã trở về đoàn tụ với gia đình. Được cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện, họ đã chí thú làm ăn, dần vươn lên ổn định cuộc sống.

Vượt khó để vươn lên

Năm 2012, sau khi mãn hạn tù trở về đoàn tụ với gia đình, ông Jana (làng Ring Rai, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) đã nhiều lần khóc thầm khi nhìn thấy cảnh vợ con nheo nhóc, đói nghèo. Được chính quyền hỗ trợ vay vốn, ông quyết tâm từ bỏ quá khứ tội lỗi, xắn tay vào cải tạo lại rẫy cà phê, trồng chanh dây, đào ao thả cá và chăn nuôi bò, heo. Đến nay, kinh tế gia đình ông đã ổn định với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Cuộc đời của tôi đã mắc quá nhiều sai lầm nên khi trở về tôi quyết tâm làm lại từ đầu. Để các con không phải khổ và thiếu hiểu biết, làm lụng được bao nhiêu, tôi đầu tư cho các con học hành đến nơi đến chốn. Hiện nay, 1 đứa là giáo viên đang dạy tại TP. Đà Nẵng, 1 đứa vừa đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về, 1 đứa ở nhà làm kinh tế. Tất cả đều có gia đình và cuộc sống ổn định”-ông Jana nở nụ cười tươi khi nhắc đến những người con của mình.

Bước qua những lầm lỗi, ông Kpă Do (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã có một cơ ngơi khang trang. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Bước qua những lầm lỗi, ông Kpă Do (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã có một cơ ngơi khang trang. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhiều người dân xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) biết đến ông Kpă Do không phải vì ông từng bị FULRO lừa phỉnh mà bởi những đóng góp cho cộng đồng. Sau thời gian lầm lỗi, ông Do đã nhận ra bản chất của FULRO và quyết tâm từ bỏ để chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ông vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng hồ tiêu, cà phê. Chỉ 10 năm sau, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá hơn 600 triệu đồng. “Mình có 6 ha cà phê, hồ tiêu và mấy sào lúa nước. Nhờ chăm chỉ làm ăn, mỗi năm, gia đình mình thu nhập hơn 300 triệu đồng”-ông Do tự hào khoe.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Do còn là cán bộ Mặt trận có nhiều cống hiến cho cộng đồng. Ông chia sẻ: “Làng mình giờ đã thành lập các tổ tự quản về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Mình luôn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu”. Đặc biệt, năm 2014, ông đã hiến hơn 800 m2 đất để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và trường mầm non.

“Nhà có đất, mình hiến một ít để chính quyền xây dựng nhà sinh hoạt cho bà con có chỗ ngồi họp, xây trường học để trẻ con được học hành. Có học hành đầy đủ mới không mù quáng tin theo kẻ xấu xúi giục. Sau này, chúng lớn lên sẽ có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước”-ông Do bộc bạch.

Cũng từng bị FULRO xúi giục, ép buộc nên vào những năm 1980, ông Khiơm (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã trốn ra rừng hoạt động. Sau hơn 1 năm sống chui lủi trong rừng, nhận ra sai lầm của mình, ông Khiơm đã trở về trình diện chính quyền. Được sự động viên, bảo vệ của chính quyền và dân làng, ông đã mạnh dạn tham gia cùng các đoàn công tác đi khắp các làng để tuyên truyền cho người dân biết rõ những âm mưu, thủ đoạn lừa gạt của bọn phản động FULRO. Sau khi bộ khung FULRO bị xóa bỏ, ông gạt bỏ những nỗi lo lắng để trở về với cuộc sống thường ngày, chí thú làm ăn.

“Nhờ chính quyền hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giống để phát triển sản xuất nên gia đình tôi có cuộc sống ổn định với 2 ha cà phê, 1 ha lúa nước. Vừa rồi, tôi mua thêm xe ô tô để chạy dịch vụ. Thu nhập hiện nay của gia đình đạt 300-400 triệu đồng/năm”-ông Khiơm nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa: “Những người trước đây bị FULRO lừa phỉnh sau khi chấp hành các hình thức xử lý của chính quyền, trở về với cộng đồng được giáo dục nên họ hiểu ra sai lầm. Chúng tôi chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể quan tâm, giúp đỡ để họ làm lại cuộc đời. Nhiều người đã trở thành những công dân tốt, chăm lo lao động sản xuất và kịp thời báo cho chính quyền địa phương xử lý những đối tượng có ý định móc nối tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật”.

Những “đại thụ” bảo vệ buôn làng

Làng Sơn (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) như một bức tranh với đầy đủ gam màu vắt qua quốc lộ 14C. Tô điểm cho bức tranh ấy là những ngôi nhà được xây dựng khang trang, những vườn cà phê, cao su xanh ngát. Đã sống qua hơn 70 mùa rẫy, hơn ai hết, già làng Siu Bình hiểu rõ, để có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Già làng Siu Bình chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Lê Anh

Già làng Siu Bình chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Lê Anh

Nhớ lại chuyện một số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nghe theo lời kẻ xấu lôi kéo lên trung tâm TP. Pleiku để đòi các yêu sách vô lý, già làng Siu Bình chậm rãi kể: “Nhiều người trong làng khi nghe thông tin là lên tỉnh rồi FULRO sẽ chia đất và nhiều quyền lợi thì cái bụng cũng bắt đầu dao động. Thế nhưng, cán bộ Biên phòng rồi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nên không ai nghe theo kẻ xấu. Những năm 2014-2015, một số người trên địa bàn biên giới nghe theo kẻ xấu vượt biên sang Campuchia để từ đó đi nước thứ 3 định cư có cuộc sống giàu sang. Mình nói với dân làng rằng không nơi đâu bằng quê hương mình. Một số người vượt biên đã phải chịu cảnh đói khát, đau ốm trong các trại tị nạn. Ở đây có chính quyền bảo vệ, có nương rẫy bao đời cha ông để lại, mình cứ bám vào đất, chăm lo lao động sản xuất sẽ có cuộc sống tốt lên”.

Những lời nói của già làng Siu Bình đã làm cho nhiều người thay đổi suy nghĩ. Họ đã chăm lo lao động sản xuất, tập trung phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, làng Sơn có 250 hộ với hơn 1.000 khẩu nhưng chỉ còn 19 hộ nghèo. Điều đặc biệt là 50% hộ dân trong làng có thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Tin tưởng sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, gắn bó với mảnh đất quê hương, người dân trong làng đã thành lập tổ tự quản an ninh trật tự để bảo vệ cuộc sống bình yên. Năm 2017, làng Sơn là làng đầu tiên trên tuyến biên giới của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Cách đây hơn 22 năm, do thiếu hiểu biết nên một số người dân làng Dek (xã Hbông, huyện Chư Sê) bị các đối tượng xấu kích động, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối; một số khác bán tài sản có giá trị để vượt biên với ảo vọng về “miền đất hứa”. Thời điểm đó, ông Rmah Nhơn cùng với cán bộ địa phương và lực lượng Công an đã xuống làng tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Dù việc tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông Nhơn vẫn kiên trì đến từng gia đình có người thân vượt biên để khuyên giải, phân tích, giúp bà con hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động.

Ông Rmah Nhơn (bìa phải, làng Dek, xã Hbông, huyện Chư Sê) trao đổi với người dân. Ảnh: Lê Anh

Ông Rmah Nhơn (bìa phải, làng Dek, xã Hbông, huyện Chư Sê) trao đổi với người dân. Ảnh: Lê Anh

“Lúc đó, nhiều người trong làng nghe theo lời kẻ xấu trốn ra rừng, số khác tìm cách vượt biên ra nước ngoài. Để người dân không đi vào con đường sai trái, tôi tìm mọi cách để liên lạc, động viên họ trở về địa phương sinh sống. Khi đã kết nối với họ, tôi phân tích thiệt hơn và nói rõ âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động. Nghe hợp tình, hợp lý, nhiều người thức tỉnh, nhận ra bản chất của kẻ xấu. Từ đó, họ trở về đoàn tụ với gia đình, tu chí làm ăn, phát triển kinh tế”-ông Nhơn chia sẻ.

Toàn tỉnh hiện có 955 già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được xác định là lực lượng đặc biệt, là trung tâm đoàn kết của cộng đồng và cầu nối trong việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Già làng Ksor Brí (buôn Krăi, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa) là một ví dụ điển hình. Ông cho rằng, muốn tuyên truyền, vận động bà con, trước hết bản thân phải gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, “nói đi đôi với làm”. Bởi thế, khi địa phương triển khai phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, ông đã tự nguyện hiến 600 m2 đất làm trường học và vận động anh em trong dòng họ hiến 500 m2 đất làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Những lời nói của ông vì thế được người dân tin tưởng, nghe theo. Buôn Krăi giờ không còn nhà dột nát, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

“Một số đối tượng gọi điện, nhờ người đến nhà rủ rê mình theo chúng. Nhưng mình nói, nhiều đời nay, người làng tôi, cha ông tôi vẫn sống được trên đất này, tôi không đi theo ai hết. Đau ốm thì ra trạm xá, đến bệnh viện vì Nhà nước cấp cho thẻ bảo hiểm y tế rồi, lo gì. Không lôi kéo được mình, chúng dọa nạt nhưng mình không sợ. Nếu sợ, nghe theo và đi theo chúng thì đâu có cuộc sống như ngày hôm nay”-già làng Ksor Brí cười vui.

Có thể bạn quan tâm