Dịch vụ nộp phạt qua Bưu điện: Tiện ích, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc đăng ký dịch vụ nộp tiền và chuyển phát các giấy tờ khi bị xử phạt  hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Bưu điện đang được nhiều người lựa chọn. Bên cạnh tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho người vi phạm, thủ tục đơn giản, thuận tiện…, dịch vụ này cũng đã góp phần giảm áp lực công việc cho lực lượng chức năng.

Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Bưu điện tỉnh ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: H.T
Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Bưu điện tỉnh ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: H.T

9 giờ sáng 19-9, tại bộ phận xử phạt hành chính thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh có hơn 10 trường hợp vi phạm đến làm các thủ tục nộp phạt. Sau đó, họ lựa chọn dịch vụ thu nộp tiền phạt và chuyển phát giấy tờ qua đường Bưu điện.

Anh Đỗ Minh Toàn (40 tuổi, trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak) bị lực lượng CSGT Công an tỉnh lập biên bản xử phạt hành chính 1 triệu đồng do điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép. Sau khi đến làm các thủ tục, anh Toàn đã nộp phạt qua dịch vụ của Bưu điện, cước dịch vụ là 33.000 đồng. Anh Toàn cho biết: “Vì gia đình có việc gấp nên trong quá trình điều khiển phương tiện tôi không chú ý đến các biển báo dẫn đến vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Việc nộp phạt qua dịch vụ này rất thuận tiện. Tôi không thông thạo địa bàn, nếu đến Kho bạc nộp phải hỏi địa chỉ, hỏi đường đi, mất ít nhất 20 đến 30 phút, còn tại đây, chỉ mất vài phút là xong”. Anh Trần Văn Nguyên (37 tuổi, trú tại thị xã An Khê), ngoài việc chọn dịch vụ nộp phạt qua Bưu điện còn đăng ký chuyển giấy phép lái xe đang bị tạm giữ qua dịch vụ chuyển phát của Bưu điện với cước phí 104.000 đồng. Ttước đó, anh điều khiển xe ô tô chạy lấn làn, bị xử phạt 1 triệu đồng và tạm giữ giấy phép lái xe 2 tháng. “Nhân viên bưu điện cam kết sẽ trả giấy phép lái xe đến tận nhà, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa giảm chi phí đi lại. Nếu không sử dụng dịch vụ phải mất ít nhất một ngày để lên nhận lại giấy phép lái xe. Tôi thấy cước phí nộp phạt và chuyển giấy tờ như trên là phù hợp”-anh Nguyên chia sẻ.

Đại tá Phạm Văn Uấn-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: Thông thường, người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông sau khi hoàn tất các thủ tục sẽ phải đến Kho bạc nộp tiền phạt, sau đó quay lại cơ quan xử phạt để nhận các giấy tờ bị tạm giữ nên mất nhiều thời gian. Việc sử dụng dịch vụ nộp tiền và chuyển phát giấy tờ qua Bưu điện không những tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại mà còn giảm bớt áp lực cho cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp, vì những lý do khách quan nên sau khi bị xử phạt và tạm giữ các giấy tờ liên quan nên không thể đến nhận lại giấy tờ. Việc ủy quyền cho người khác nhận thay cũng phải thực hiện các thủ tục theo yêu cầu… Bên cạnh đó, nhân viên Kho bạc thay vì phải tiếp nhận nộp phạt cho từng trường hợp, cần nhiều nhân viên, dành nhiều thời gian… thì khi người vi phạm nộp phạt qua Bưu điện sẽ rất thuận lợi… “Chúng tôi cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính này bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực”-Đại tá Phạm Văn Uấn nhìn nhận.   

Được biết, cước dịch vụ nộp phạt là 33.000 đồng; dịch vụ thu hộ tiền phạt kèm chuyển phát giấy tờ tạm giữ đến địa chỉ theo yêu cầu trong nội thành TP. Peiku là 60.500 đồng; phí chuyển phát các giấy tờ tại các xã, thị trấn, thị xã dao động từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng, liên tỉnh là 132.000 đồng (bao gồm thuế VAT). Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, đã có gần 1.000 trường hợp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp tiền phạt và chuyển phát giấy tờ qua Bưu điện; trong đó có hơn 50 trường hợp ngoại tỉnh. Sự phối hợp giữa lực lượng CSGT và Bưu điện tỉnh là một bước tiến đáng ghi nhận trong cải cách thủ tục hành chính công đã và đang mang lại những thuận lợi cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân-Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Gia Lai cho biết: Trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông Đường bộ ở các huyện, thị xã… bị lực lượng CSGT lập biên bản xử phạt hành chính, nếu sử dụng dịch vụ chuyển phát của Bưu điện thì chỉ cần đăng ký và ghi vào mặt sau tờ lưu vi phạm để nhận biết. Người vi phạm mang biên bản đến Bưu điện tuyến huyện (nơi gần nhất) để hoàn tất các thủ tục liên quan và nộp tiền cho nhân viên Bưu điện. Sau đó, đăng ký địa chỉ nhận lại giấy tờ xe mà không cần phải trực tiếp đi lại. Nhân viên có trách nhiệm đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra và liên kết với Phòng CSGT Công an tỉnh để triển khai, tiến hành nộp phạt và chuyển trả giấy tờ cho người dân theo yêu cầu. Tại địa bàn TP. Pleiku, dịch vụ của Bưu điện sẽ chuyển trả trong vòng 1 ngày; tại các huyện, thị xã là 2 ngày, còn các xã vùng sâu, vùng xa thì từ 3 đến 4 ngày. 

 Hữu Trường

Có thể bạn quan tâm