(GLO) - Những ngôi trường bán trú ở huyện Kbang đang là điểm tựa giúp các em học sinh dân tộc thiểu số được đến trường, nhất là những địa phương vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Sau Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đak Krong (xã Đak Krong), một ngôi trường thuộc diện khó khăn nhất tỉnh là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne cũng đã vươn lên đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2015-2016.
Ngôi trường nơi “ốc đảo”
Mô hình trường bán trú giúp việc duy trì sĩ số học sinh được cải thiện rõ nét, mỗi ngày đến trường với các em học sinh là một niềm vui. Ảnh: M.T |
Đúng 5 giờ kém 15 sáng, một hồi trống vang lên giữa bốn bề rừng núi, các em học sinh nhỏ thức dậy chui ra khỏi màn lấy bàn chải đi nhanh ra khu vực vệ sinh đánh răng, rửa mặt. Những học sinh lớn hơn thì gấp chăn màn, quét dọn phòng; nhóm khác thì đẩy xe kút kít nhặt rác, quét dọn quanh khuôn viên trường học. Tiếng cười nói bắt đầu vang xa, ồn ào giữa không gian yên ắng nơi vùng "ốc đảo" Kon Pne.
Độ chừng 30 phút sau, lại có thêm một hồi trống nữa, lúc này các em tập trung về khu vực tập thể dục. Các em xếp thành từng hàng ngay ngắn, những cánh tay, đôi chân bắt đầu nhịp nhàng theo nhịp trống. Khi tiếng trống vừa dứt cũng là lúc khu vực nhà ăn trở nên nhộn nhịp, bữa ăn sáng đã được các thầy cô chuẩn bị sẵn. Không ai bảo ai, học sinh lớp 1, lớp 2 thì được các anh chị lớp 8, lớp 9 chăm chút múc thức ăn, rồi hối thúc các em cầm đũa. Bữa ăn sáng cũng nhanh chóng kết thúc, các em về phòng thay đồ, chuẩn bị sách vở lên lớp.
Các em học sinh tự giác gấp chăn màn mỗi buổi sáng sau khi thức dậy. Ảnh: M.T |
Hơn 15 năm gắn bó với ở mảnh đất Kon Pne, thầy Nguyễn Văn Hinh-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường hiện có 298 học sinh, trong số này có đến 147 học sinh đang ở bán trú tại trường, 100% học sinh là người Bahnar. Sống tách biệt giữa thung lũng, bao quanh là núi cao nên học sinh ở đây rất ít cơ hội giao tiếp với cuộc sống bên ngoài. Do quen với cuộc sống tự do nơi núi rừng nên ban đầu nhà trường rất khó đưa các em vào khuôn khổ, nền nếp.
Chính vì vậy, gánh nặng về duy trì sĩ số học sinh luôn đè nặng lên vai các thầy cô. Ban đầu, các thầy cô phải ân cần tập cho các em giao tiếp bằng tiếng Việt rồi mới đến học cái chữ. Nhiều học sinh lớn cũng được huy động để hướng dẫn các em nhỏ hơn trong sinh hoạt, tối đến lại cùng giúp nhau học bài.
“Mô hình bán trú rất tốt cho các em học sinh dân tộc thiểu số nhưng đòi hỏi các thầy cô phải tâm huyết và chịu khó. Đặc biệt, các em học sinh mới vào lớp 1 hầu như chưa quen với những sinh hoạt cá nhân như: đánh răng, bỏ màn... Những việc này thầy cô đều “cầm tay chỉ việc” dần tạo thành thói quen, các kỹ năng cơ bản cũng từ đó được rèn giũa”-thầy Hinh chia sẻ.
Theo thầy Hinh, ngoài nguồn vốn hỗ trợ giáo dục để xây dựng ngôi trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi phục vụ công tác dạy và học, nhà trường còn huy động sức dân, các thầy cô để đầu tư làm sân bóng đá nhân tạo trị giá hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh việc tạo ra nhiều sân chơi cho các em, nhà trường luôn đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy nhằm giúp các em học sinh “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Nhờ vậy, tình trạng học sinh bỏ học ở đây đã không còn.
Bước đột phá hiệu quả
Tự hào sau nhiều năm triển khai hiệu quả mô hình trường bán trú, ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang, cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 25 trường bán trú ở 8 huyện thì chỉ riêng Kbang đã có đến 9 trường với 1.890 học sinh.
“Mô hình trường bán trú được xem là một bước đột phá của ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang, là cứu cánh để nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Việc nuôi dạy bán trú giúp các em được ăn ở, nuôi dạy tập trung, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học sinh. Công tác duy trì sĩ số học sinh từ đó đã có sự cải thiện rõ nét, năm học 2011-2012 chỉ ở mức 60-70% thì năm học 2016-2017 đã lên đến 90-99%”-ông Hải khẳng định.
Theo ông Hải, các trường bán trú là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em người dân tộc thiểu số từ lớp 1 đến lớp 9. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đưa tất cả các em học sinh lớp 1 vào lớp học bán trú. Mỗi em được hưởng chế độ hàng tháng là 520.000 đồng và 15 kg gạo. Khoản tiền hỗ trợ này có khi bằng thu nhập cả năm của một hộ gia đình. Đổi lại các em đến trường để được chăm sóc, dạy dỗ ngay từ ban đầu, được thầy cô dạy các kỹ năng sống.
“Mô hình trường bán trú mang lại hiệu quả cực lớn, không thể cân đo đong đếm được. Ưu điiểm lớn nhất là đã tạo được sự hứng thú trong học tập, các học sinh cảm thấy mỗi ngày đến trường, đến lớp là một niềm vui. Sau ngày thứ 7, chủ nhật nghỉ ở nhà là các em lại nhớ đến trường, đến bạn bè, thầy cô và tự giác đi học”-ông Hải đánh giá.
Mỗi học sinh bán trú được hưởng chế độ hàng tháng là 520.000 đồng và 15 kg gạo. Ảnh: M.T |
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang cho biết thêm, mô hình trường học bán trú hiện vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi của các em còn nhiều thiếu thốn nhưng điều đáng quan tâm nhất vẫn là việc duy trì sĩ số học sinh.
Để cải thiện triệt để vấn đề này, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, đảm bảo các điều kiện về chế độ chính sách cho giáo viên và học sinh. Cụ thể là xác định từ đầu khi tựu trường như thế nào, các thầy cô tuyên truyền vận động ra sao; điều tra lập danh sách học sinh từ buôn làng, ký cam kết đến từ hộ gia đình đưa con đến trường, tìm hiểu lý do các em nghỉ học để vận động đưa các em đến trường…
Minh Triều