Vừa qua tỉnh Nghệ An đã công nhận Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong (Khu lưu niệm) là điểm du lịch. Lượng du khách tăng nhanh, Khu lưu niệm trở thành điểm đến của nhiều người khi về nguồn, nhất là vào những dịp lễ, Tết. Tới đây, quần thể Khu lưu niệm sẽ là một điểm đến quan trọng của tour du lịch “Về miền Ví dặm” trong đề án phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An và huyện Hưng Nguyên.
Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong thu hút nhiều đoàn du khách đến tri ân, tưởng nhớ. |
Về dự Lễ giỗ lần 80 (26/7 âm lịch) của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Di tích quốc gia Khu lưu niệm mang tên đồng chí (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), nhiều người xúc động khi chứng kiến tình cảm nhân dân luôn trân trọng, tri ân những hy sinh, đóng góp của nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng. Lần giở những trang viết ghi trong sổ cảm tưởng, mới hay nhân dân cả nước đã về đây thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí, để lại nhiều dòng lưu bút thiết tha, trân trọng. Chị Lê Thị Vinh, cán bộ Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong, cho biết: Hằng năm Khu lưu niệm đón hơn 20 nghìn lượt khách đến tham quan, tưởng niệm, học tập và nghiên cứu. Những năm gần đây, hoạt động tại Khu lưu niệm có nhiều nét mới, là sinh hoạt giáo dục truyền thống kết hợp về nguồn, tri ân lãnh đạo tiền bối của Đảng. Nhiều du khách đến với Khu lưu niệm bất ngờ trước quy mô của quần thể khu di tích và hệ thống tư liệu, tài liệu, hiện vật. Tại Khu lưu niệm vào các dịp lễ, Tết cũng diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, cắm trại, phát động phong trào thi đua. Khu lưu niệm dần trở thành một trung tâm văn hóa, tổ chức sự kiện của nhiều địa phương chứ không riêng của tỉnh Nghệ An.
Trưởng Ban quản lý di tích Nghệ An Trần Thị Kim Phượng cho hay: Khu lưu niệm có vị trí quan trọng trong hệ thống di tích của tỉnh. Địa chỉ này thường xuyên đón các đoàn đại biểu Trung ương và các tỉnh đến dâng hương tưởng niệm, do đó công tác tổ chức được Ban quản lý di tích Nghệ An đặc biệt coi trọng. Cùng với việc chăm sóc hệ thống vườn hoa, cây cảnh, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng trưng bày tư liệu, tài liệu, hiện vật và thường xuyên tăng cường cán bộ hỗ trợ thuyết minh, hướng dẫn. Điều đáng mừng là nhân dân và chính quyền địa phương nhiệt tình ủng hộ các hoạt động tại Khu lưu niệm, góp phần nâng cao giá trị, tôn vinh di tích. Trong đó, nhiều gia đình dòng họ Lê, thân nhân của đồng chí Lê Hồng Phong đã nhường đất, hiến tặng hiện vật cho Khu lưu niệm. Ông Lê Văn Ngụ, cháu gọi đồng chí Lê Hồng Phong là bác ruột chia sẻ: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được góp phần tôn tạo, phát huy giá trị của Khu lưu niệm, thường xuyên lấy tấm gương của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong để răn dạy con cháu, phát huy truyền thống quê hương và dòng họ. Bản thân ông Ngụ tự nguyện làm một người bảo vệ cho Khu lưu niệm hơn 40 năm.
Khu lưu niệm đồng chí Lê Hồng Phong ở giữa không gian làng quê. Đứng ở di tích, phóng tầm mắt ra bốn hướng, thấy phong cảnh nơi đây thật hữu tình với ruộng lúa bờ tre, giếng nước… Xa xa là núi Lam Thành, còn in dấu tích căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Theo dọc chân núi là quê hương của Anh hùng liệt sĩ Phạm Hồng Thái, người bạn thân thiết của đồng chí Lê Hồng Phong từ thuở nhỏ. Cả hai có một thời thơ ấu thả diều, bắt cá, mò cua và sớm cùng chí hướng giác ngộ cách mạng. Khu lưu niệm có tổng diện tích 3,2ha gồm hai quần thể. Quần thể thứ nhất là Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Phần thứ hai là di tích hai căn nhà nơi đồng chí Lê Hồng Phong sinh ra và trưởng thành. Trong đó, căn nhà riêng của đồng chí Lê Hồng Phong nay đã được xây dựng thành nhà thờ dòng họ. Còn lại là nhà ông Lê Huy Quán (thân sinh đồng chí Lê Hồng Phong) được phục dựng nguyên sơ, ở trong một mảnh vườn rộng gần 4.000m2, chung quanh có hàng rào cây ô rô bao bọc. Trong vườn trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, na, ổi, dừa, cau và rau tươi tốt. Căn nhà của ông Lê Huy Quán xây theo kiểu kiến trúc “tiền trụ” rất độc đáo và là kiến trúc đặc trưng của vùng quê Hưng Nguyên vào thế kỷ 19. Chính tại ngôi nhà tranh này, đồng chí Lê Hồng Phong đã cất tiếng khóc chào đời và sống những tháng năm tuổi thơ trong sự yêu thương, đùm bọc của bố mẹ, những người ruột thịt và bà con, làng xóm.
Cùng với sự phát triển đi lên của xã nông thôn mới Hưng Thông và mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới Hưng Nguyên năm 2023, Khu lưu niệm ngày càng có vai trò quan trọng trong các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện Hưng Nguyên. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Thông tin huyện Hưng Nguyên Võ Văn Phượng cho biết: Tỉnh và huyện đã thông qua đề án phát triển du lịch ven sông Lam, huyện đang có chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch. Một trong số đó là tour du lịch “Về miền Ví dặm” kết nối nhiều di tích trên địa bàn huyện và mở rộng ra các vùng lân cận. Huyện Hưng Nguyên hiện có hơn 100 di tích, trong đó 36 di tích được xếp hạng, cho thấy tiềm năng du lịch chưa được khai thác. Riêng đối với Khu lưu niệm này, thời gian tới huyện có chủ trương phối hợp Ban Quản lý nâng cấp khu vực trưng bày bổ sung các ứng dụng và công nghệ trong thuyết minh, hướng dẫn, tạo điểm nhấn trong hành trình tham quan di tích cho du khách. Ngoài ra, Khu lưu niệm cần được nâng cấp về hạ tầng để phục vụ các hoạt động hội thảo, tọa đàm, nói chuyện truyền thống đang diễn ra ngày càng nhiều.
Theo Đông Hà, Thành Châu (NDĐT)