(GLO)- “Nếu ai cũng không đi, thì ai là người giữ biển đảo. Em không muốn cuộc đấu tranh này có người ngã xuống, song biết đâu trong đó có chồng em. Nhưng nếu hy sinh để góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc thì đó là điều xứng đáng, tự hào”.
“Khi anh ấy bước chân xuống tàu, em chỉ biết động viên anh yên tâm làm nhiệm vụ, ở nhà em lo cho hai con ăn học. Em mong anh bình yên trở về với ba mẹ con em”. Đó là cầu mong của hai người vợ có chồng đang làm nhiệm vụ tại điểm nóng Hoàng Sa. Chị là Vũ Thị Thu Phương, vợ của chiến sĩ Đỗ Gia Long đang làm nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư 739, và Nguyễn Thị Mão, có chồng là chiến sĩ cơ điện Nguyễn Văn Viên ở tàu kiểm ngư 773.
Ôm con trong lòng thay lời tạm biệt
Nước mắt lưng tròng, chị Vũ Thị Thu Phương nói với tôi như vậy khi nói về chồng chị-chiến sĩ boong trưởng Đỗ Gia Long đang làm nhiệm vụ trên tàu kiểm ngư 739 tại khu vực giáp ranh vùng biển Hoàng Sa.
Chị Vũ Thị Thu Phương, vợ của chiến sĩ Đỗ Gia Long. Ảnh: Mai Thắng |
Chị Phương cho biết, trước tình hình Trung Quốc đem giàn khoan hạ đặt trái phép xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, anh Long nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Anh chỉ nói với chị đi biển gấp và căn dặn vợ anh sẽ trở về. “Khi xem thời sự, em biết khu vực Hoàng Sa của Việt Nam đang nóng bỏng, Trung Quốc liên tục gây hấn tàu Cảnh sát biển của ta. Em có hỏi anh ra ngoài đó không, anh ấy chỉ bảo bí mật. Dù nhiều lần tiễn chồng đi biển, nhưng lần này em lo lắm. Đêm trước ngày anh đi, em không sao chợp mắt. Thương anh ấy quá. Nhưng nếu ai cũng không đi, thì ai là người giữ biển đảo. Em không muốn cuộc đấu tranh này có người ngã xuống, song biết đâu trong đó có chồng em. Nhưng nếu hy sinh để góp phần bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc thì đó là điều xứng đáng, tự hào”-chị Phương chia sẻ.
Phía sau những người lính Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư Việt Nam đang ngày đêm kiên cường đấu tranh không khoan nhượng với hàng trăm tàu Trung Quốc tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, là những người vợ tảo tần chung thủy và những đứa con ngoan hiền ở đất liền. Các chị thực sự là điểm tựa, là tổ ấm gia đình vững chắc để các anh yên tâm bám biển, kiên cường đấu tranh, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. |
Đêm trước ngày đi biển 17-5, anh Long ôm con gái vào lòng trong bếp. Siết chặt vòng tay, nước mắt rưng rưng hôn lên má con. Anh chẳng biết nói gì ngoài lời dặn dò “Ở nhà con gái ngoan nhé, bố sẽ về với con”. Con gái Đỗ Gia Hân 7 tuổi dụi đầu vào ngực bố nũng nịu “Bố đi mau về với con nhé”.
Chị Phương cho biết, “Trước ngày đi, anh Long mua một số đồ dùng cá nhân như quần, áo lót, kem, bàn chải đánh răng. Anh ấy bảo chuyến đi biển này rất quan trọng và dài ngày, có thể ba tháng mới về đất liền. Lần nào đi biển anh cũng gọi điện về thông báo, hỏi thăm sức khỏe nội ngoại hai bên gia đình. Ở Thái Bình ông bà nội gọi điện động viên, ở Phú Thọ các bác, các chú gọi điện hỏi thăm sức khỏe”.
Anh Long-chị Phương làm đám cưới từ năm 2006, nhưng thời gian sống bên nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Anh ấy đi biển suốt. Trước một ngày Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, tàu của anh đi làm nhiệm vụ từ thềm lục địa về. Mới chưa đầy 3 tuần, giờ anh ấy lại đi. Xem thời sự thấy Trung Quốc ngang ngược, em thấy lo lắng. Nhưng đây là lúc thể hiện lòng yêu nước của mình. Em mong tất cả mọi người đều bình yên trở về”.
Và để thể hiện lòng yêu nước, chị Phương lao vào công việc. Ban ngày đến làm việc ở tiệm thuốc tây Bảo Châu số 974 đường 30-4, chiều về đón con, sớm dậy thể dục, dọn dẹp gia đình. “Anh ấy ngoài biển đấu tranh chống lại Trung Quốc, ở nhà mình làm việc bằng hai, đó cũng là thi đua, là thể hiện lòng yêu nước”-chị Phương chia sẻ.
Mong các anh kiên cường tranh đấu
Chị Nguyễn Thị Mão, khóc ròng cùng hai con gái nói chuyện về bố đi làm nhiệm vụ. Ảnh: Mai Thắng |
Trong tâm trạng lo lắng cho chồng, nhưng cũng vô cùng phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, cho tàu ức hiếp, gây hấn các tàu Cảnh sát biển Việt Nam, chị Nguyễn Thị Mão, vợ của chiến sĩ Nguyễn Văn Viên-nhân viên cơ điện tàu kiểm ngư 773 xuất phát đi Hoàng Sa ngày 16-5, lên án: “Chúng em là phụ nữ cũng vô cùng phẫn nộ trước hành động ngang ngược của Trung Quốc. Truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam giặc đến nhà đàn bà cũng đánh luôn thức tỉnh em. Cả khu tập thể này tất cả đều là vợ lính có chồng làm nhiệm vụ ngoài biên giới, hải đảo đều phản đối hành động của Trung Quốc”.
Trong căn phòng 14 m2 ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân ba ngày nay dường như im lặng khác thường. Chị Mão và hai con gái của chị cứ thấp thỏm lo âu kể từ khi anh Viên bước chân xuống tàu đi làm nhiệm vụ. Chị Mão chia sẻ: “Em thấy lo cho nhà em quá, song nghĩ lại, em thực sự thấy mình tự hào vì có chồng đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió”. Khi tôi hỏi, chị có điều gì nhắn gửi tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa, chị quả quyết: “Các anh cứ yên tâm công tác, ở đất liền đã có chúng em lo lắng gia đình, nuôi dạy con cái ăn học. Các anh hãy kiên cường đấu tranh, vững vàng tay súng và mang chiến thắng trở về”.
Nói là vậy, song nỗi niềm của người vợ có chồng ra vùng biển Hoàng Sa thời điểm này là một điều can đảm. Rưng rưng nước mắt, chị Mão chia sẻ: “Anh Viên nhà em nhất định không nói công việc anh làm. Em gặng hỏi, anh chỉ bảo: “Bí mật, anh đi sẽ về”. Biết anh ra vùng biển Hoàng Sa, hai chị gái anh tận Thái Nguyên gọi điện động viên. Bố mẹ ruột anh ấy mất cả rồi. Bố mẹ vợ cũng gọi điện hỏi thăm, động viên anh trước lúc lên đường”.
Con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thúy Ngọc-học lớp 8 cũng hiểu được công việc thầm lặng của bố. Cháu Ngọc cho biết: “Ở trường, cô giáo con cũng nói chuyện Trung Quốc đem giàn khoan hạ đặt trái phép xuống vùng biển Việt Nam. Bố con ra đó rồi, con mong bố con khỏe, vững chắc tay súng và trở về với mẹ”.
Mai Thắng