Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Điểm tựa của nhân dân những năm kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua hơn 7 thập kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Nhìn lại chặng đường đã qua của Đảng bộ, nhất là trong những năm kháng chiến với bao mốc son đáng nhớ, nhiều cán bộ cách mạng thuở ấy không khỏi xúc động và tự hào.
Năm 1946, khi vừa tròn 16 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Phan Anh Tuấn-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lên đường nhập ngũ. Đến tháng 7-1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng khi đang là trợ lý chính trị của Trung đoàn 126 (Quân khu 5). Sau khi tập kết ra Bắc, tháng 3-1961, ông trở về Nam làm chính trị viên Đại đội 2 (Tỉnh đội Gia Lai) và gắn bó với đơn vị cho đến ngày giải phóng. Ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa V vào tháng 10-1973; đến tháng 10-1974 thì được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Nam kể về những kỷ niệm thời chiến với cháu. Ảnh: M.T
Giữa lúc cả nước đang hân hoan kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, trong ngôi nhà nhỏ tại số 12 Lý Thái Tổ (phường Diên Hồng, TP. Pleiku), ông Tuấn cẩn thận lật giở từng trang Lịch sử Đảng bộ tỉnh. Ở tuổi 90, mặc dù tai đã kém nhưng đôi mắt lẫn trí tuệ của ông vẫn vô cùng sáng tỏ và minh mẫn. Chỉ vào dòng chữ in tên mình trong phần phụ lục cuốn sách, ông bộc bạch: “Tôi không sinh ra ở Gia Lai nhưng đã có 70 năm sống, chiến đấu và gắn bó với mảnh đất này, với Đảng bộ này”.
Rồi ông Tuấn bắt đầu nhắc nhớ đôi nét về hành trình hơn 70 năm gian khổ mà đầy vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Gia Lai từ khi thành lập cho đến giờ, nhất là trong thời kỳ kháng chiến. Sự kiện đầu tiên được nhắc đến là việc thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh tại thị xã Pleiku vào ngày 1-10-1945 đã trở thành tiền đề cho các chi bộ Cộng sản ở Biển Hồ, An Khê, Bàu Cạn lần lượt tiếp nối nhau ra đời. Trước yêu cầu bức thiết của cách mạng, ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập (lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn) do đồng chí Phan Thêm làm Bí thư; đánh dấu bước ngoặt vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn. Từ đây, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đảng bộ chính là điểm tựa và niềm tin của nhân dân các dân tộc trong tỉnh để cùng nhau vượt qua bao gian lao, ác liệt trong quá trình đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.
Ngay khi thành lập, Đảng bộ tỉnh tập trung kiện toàn, củng cố, phát triển tổ chức, nhất là ở cơ sở; lãnh đạo xây dựng chính quyền kháng chiến, xây dựng cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch; mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc Kinh-Thượng; đẩy mạnh các hình thức đấu tranh trong vùng địch chiếm, liên tiếp giành những chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trên cả nước, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève (1954) lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương. Thời kỳ chống Mỹ, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời chuyển hướng tư tưởng, tổ chức, cách thức lãnh đạo; kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận một cách chặt chẽ; phát động phong trào đồng khởi giành chính quyền. Rồi khi tất cả mọi điều kiện chuẩn bị đã sẵn sàng, chớp thời cơ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo quân và dân tiến công nổi dậy giải phóng toàn tỉnh vào ngày 17-3-1975 và giành được thắng lợi to lớn, trọn vẹn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
Ông Phan Anh Tuấn chậm rãi đọc lại từng trang Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005). Ảnh: Mộc Trà
Trong sự kiện lịch sử ấy, ông Tuấn là phái viên của Tỉnh đội Gia Lai tham gia cùng với Ban Chỉ đạo giải phóng huyện An Khê (cũ) do ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu. “Ngày 14-3-1975, tôi nhận lệnh xuống An Khê với nhiệm vụ chính là chỉ đạo, quản lý về mặt vũ trang, quân sự. Lúc đầu, ta giải phóng đồn Tú Thủy, Cửu An. Đến 23-3, địch theo đường núi bí mật rút chạy về Bình Định nên ta tiến vào tiếp quản quận lỵ, sau đó xây dựng lực lượng quân quản tại địa phương. Cuối tháng 3, chúng tôi rút về tỉnh để chuẩn bị lực lượng tham gia quân quản, tổ chức cứu đói, ổn định tình hình ở thị xã Pleiku, làm hậu thuẫn để tiếp tục giải phóng Sài Gòn. Đó là ký ức không thể nào quên”-ông Tuấn chia sẻ.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Nam (15 Phan Đình Giót, phường Hoa Lư, TP. Pleiku)-nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tâm sự: Sự trưởng thành của bản thân luôn gắn liền với sự lớn mạnh của Đảng nói chung, Đảng bộ tỉnh Gia Lai nói riêng. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư lâm nghiệp tại Học viện Nông-Lâm Hà Nội, tháng 9-1965, ông Nam tình nguyện đi B và vào công tác tại Khu ủy khu V. Tháng 3-1969, ông chuyển về làm cán bộ kỹ thuật của Ban Sản xuất tỉnh Gia Lai, chủ yếu đi xuống các huyện cùng ăn ở với dân làng để vận động, hướng dẫn trồng lúa nước, hoa màu. “Đảng bộ tỉnh trong thời chiến luôn tập trung lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng cũng như thi đua sản xuất của nhân dân các dân tộc trong tỉnh một cách trực tiếp và toàn diện; linh hoạt theo tình hình thực tế của địa phương nhưng vẫn đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Bản thân tôi luôn nhận thấy điều ấy và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo này”-ông Nam đánh giá.
Có lẽ vì thế mà năm 1970, trong một lần được Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công về công tác tại K4 (huyện Chư Pah ngày nay) và bị địch vây bắt nhiều giờ liền, người đảng viên dự bị Nguyễn Hồng Nam vẫn giữ vững tấm lòng kiên trinh của người Cộng sản dẫu cái chết chỉ trong gang tấc. Trong lá thư viết cho con mình vào ngày 5-3-1976 kể về sự việc này, ông Nam một lần nữa khẳng định: “Đảng và nhân dân đã tôi luyện ba nên người, đã dạy ba chiến đấu và đã chiến thắng”.
Có thể nói, với sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng bộ tỉnh trong những năm kháng chiến, cán bộ và nhân dân địa phương, trong đó có những người như ông Tuấn, ông Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết để góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm