Phóng sự - Ký sự

"Điền chủ" đồi Bài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhìn từ trung tâm thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập, Phú Thọ), đồi Bài (khu Mỏ) như chiếc nón khổng lồ bốn mùa xanh mướt bóng cây. Tựa lưng vào chân đồi là ngôi nhà khang trang với giàn phong lan, vườn cây ăn quả, ao cá, chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Xuân Quỳ - “điền chủ” 35 ha đất rừng sản xuất, rừng khoanh nuôi bảo vệ đồi Bài.
Khách đến thăm đều trầm trồ thán phục trước cuộc sống nhàn tản, phong lưu vùng sơn cước nhưng ít ai biết những lam lũ, cực nhọc, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt thấm đẫm từng thửa ruộng, vạt rừng của ông chủ vốn là thương binh suy giảm 55% sức khỏe đã bỏ ra ròng rã mấy thập kỷ qua để đất hoang cằn sản sinh trái ngọt. 
Ông Quỳ với vườn quế 7 năm tuổi.
Ông Quỳ với vườn quế 7 năm tuổi.
Từ vượt Trường Sơn tới vượt đỉnh đồi Bài
Mái tóc điểm bạc, khóe mắt đã rạn chân chim nhưng ông Quỳ hãy còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, quắc thước nhiều so với tuổi 67. Mới hôm trước, ông nổi hứng nhảy lên xe máy, thốc ga phóng lên đỉnh đồi Bài theo con đường lâm nghiệp gồ ghề, dốc dựng đứng. Gần tiếng sau, ông phóng xe lao xuống, dựng chân chống, nhìn mấy thanh niên đang tròn mắt thán phục cười sảng khoái: “Các cậu đừng có đùa! Bằng tuổi các cậu tớ đã đi bộ vượt Trường Sơn vào tay bo với Mỹ - ngụy ở Biên Hòa rồi. Ruộng vườn này một tay tớ bứng từng gốc cây vỡ đất khai hoang đấy. Ở đây đã cậu nào đủ sức cày liền hai con trâu liên tiếp chưa?”. 
Sinh năm 1954 tại quê nghèo Yên Lập, 17 tuổi, cậu thanh niên Nguyễn Xuân Quỳ đã cường tráng, sức vóc hơn người. Thế nên khi xung phong nhập ngũ, dù còn thiếu đến mấy tháng tuổi, cậu vẫn trúng tuyển với chứng nhận sức khỏe cao nhất. Mấy tháng huấn luyện tân binh rồi theo đơn vị ròng rã vượt núi đèo hành quân vào chiến đấu nơi chiến trường Long Khánh - Bà Rịa - Biên Hòa với cậu cũng chỉ đơn giản như những ngày tháng luồn rừng, leo núi, lam lũ trên đồng ruộng. Không nề hà khó khăn, nguy hiểm, dũng cảm trong chiến đấu, năm 1974, anh Quỳ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay tại chiến trường. Thời khắc thiêng liêng này đã ghi dấu ấn sâu đậm, trở thành kỷ niệm đẹp, tự hào nhất của cuộc đời anh.
Miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước sạch bóng quân thù, theo đoàn quân chiến thắng, ông Quỳ đeo ba-lô ra bắc, giải ngũ trở về quê hương với vết thương làm suy giảm 55% sức khỏe cùng khát vọng cháy bỏng: Đất nước hòa bình, cuộc sống sẽ hết đói nghèo, quê hương sớm trù phú, giàu đẹp. 
Được tín nhiệm bầu làm cán bộ HTX, lấy vợ, sinh con, ông càng trăn trở với cuộc sống đói nghèo do phương thức làm ăn tập thể không phát huy hiệu quả, muốn phát triển kinh tế gia đình cũng không có đất sản xuất. Thời điểm nửa cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, khu đồi Bài bị khai phá kiệt quệ trơ sỏi gan gà với cỏ tranh, cây dại. Đắn đo mãi, ông Quỳ đánh liều ra phát quang bãi đất dưới chân đồi, chặt tre dựng tạm cái lán rồi đưa vợ con ra ở, bắt đầu vỡ đất khai hoang. 
Ngày đi làm việc HTX, chiều về ăn vội bát cơm rồi ông vác cuốc, mang dao lụi cụi đánh gốc, bốc trà từng búi cỏ tranh, cây dại đến khi tối sập, vợ con cầm đèn ra gọi ông mới chịu về tắm gội, nằm nghỉ. Tiếc việc, nhiều đêm đợi vợ con ngủ say, ông lại dậy thắp đèn ra làm tiếp. Ngày đó, thanh niên đi chơi muộn vẫn kháo nhau khu đồi Bài có… ma trơi là như thế. Thích nhất là những hôm mưa to, đất mềm, ông tranh thủ xin nghỉ, nài nỉ mượn HTX hai con trâu mộng để về bừa gốc cỏ tranh, con này mệt lại thay con khác, làm thông trưa, quên cả ăn. Cậu con trai ông mới 12 tuổi nhưng vào những ngày này cũng phải vác bừa ra phụ bố. Cơ thể nhỏ bé, cậu phải vác ngược chiếc bừa mới có thể di chuyển…
Đằng đẵng hằng năm trời, công sức của bố con ông được đền đáp, khu đất hoang hóa đã trở thành ruộng lúa nước, vườn cây, ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Gia đình ông cũng chấm dứt quãng ngày thiếu đói, ăn bữa nay lo bữa mai, đời sống dần ổn định, bắt đầu có tích lũy với những dự định đầu tư cho tương lai…
Coi rừng là bạn
Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng của Chính phủ, cùng với các địa phương trong huyện, thị trấn Yên Lập tiến hành rà soát, thông báo diện tích giao đất lâm nghiệp thời hạn 50 năm cho người dân đăng ký nhận để trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động mãi mà chẳng mấy người mặn mà đăng ký do lo ngại có mấy sào đất ruộng, đất vườn còn làm chẳng hết giờ nhận đồi trọc, đất hoang về công sức đâu mà làm, đấy là chưa nói đến tiền thuế đất có thể phát sinh sau này. Là cán bộ thị trấn, ông Quỳ chủ động trò chuyện, phân tích cơ hội làm giàu từ đồi rừng cho mấy gia đình kề cận rồi thành lập nhóm hộ nhận 24 ha vừa đất rừng sản xuất, vừa đất rừng khoanh nuôi phòng hộ. 
Đất nhận về nhưng suốt mấy năm vẫn bỏ hoang do chưa nghĩ ra nên trồng cây gì và làm như thế nào. Mãi đến những năm 1997 - 1998, được tham gia chương trình dự án hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu, ông Quỳ mới bắt đầu thử nghiệm trồng hơn 2 ha bạch đàn, keo gần nhà và… thất vọng tràn trề. Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng, chăm sóc, lựa chọn cây giống mà hết chu kỳ, đồi bạch đàn sinh trưởng không đều, có cây to vượt trội nhưng cũng không ít cây chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái. Sản lượng thấp, giá trị thu về chẳng được bao nhiêu, của chẳng tày công. 
Sau thất bại, ông Quỳ nghiệm ra để vỡ đất khai hoang chỉ cần có sức khỏe, lòng kiên trì nhưng để phát triển kinh tế, sinh lời từ đất thì phải có đầu óc tính toán, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Bắt đầu từ đó, ông để tâm tìm hiểu kiến thức liên quan đến trồng rừng kết hợp với chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại; trực tiếp đến tham quan, học tập kinh nghiệm những chủ rừng khắp các địa bàn lân cận, chủ động tìm đến các công ty lâm nghiệp, cơ sở sản xuất cây giống, các kỹ sư nông nghiệp… để hỏi rõ những vướng mắc liên quan thổ nhưỡng, cây rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. 
Năm 2014, ông Quỳ được nghỉ chế độ hưu trí. Lúc này, ông mới thật sự toàn tâm toàn ý với việc phát triển kinh tế đồi rừng. Ông đầu tư mua thêm 11 ha đất lâm nghiệp kém hiệu quả của các gia đình lân cận, trở thành “điền chủ” của 35 ha đất rừng khu vực đồi Bài, trong đó có gần 10 ha là rừng khoanh nuôi bảo vệ, hơn 25 ha rừng sản xuất. Toàn bộ đất rừng sản xuất trên đồi Bài được phủ xanh bằng cây keo nguyên liệu và cây quế, khu vực chân đồi, quanh nhà được trồng các giống cây ăn quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 
Ông Quỳ chia sẻ: “Nghề rừng không những đòi hỏi sức khỏe, tính kiên trì, kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải có tình cảm với đất, với cây và chút gì đó như duyên nợ. Mấy chục năm nay, ngày nào tôi cũng dành thời gian lên rừng, quan sát sự thay đổi của từng vạt cây để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Cùng với việc phòng, xử lý sâu bệnh, người trồng rừng còn phải hiểu đặc tính từng loại cây, tính chất đất để tính toán bón phân, tỉa cành… vào giai đoạn sinh trưởng nào đạt hiệu quả cao nhất. Kiến thức sách vở chỉ phát huy tác dụng cao nhất khi biết vận dụng linh hoạt với điều kiện thực tế. Tôi học được điều này khi đến thăm, chứng kiến đồng bào dân tộc Dao ở xã Trung Sơn trồng quế theo phương pháp thủ công truyền thống”. 
Rừng đã trả cho ông Quỳ xứng đáng với tình yêu ông dành cho nó. Ngoài 25 ha rừng keo chia làm nhiều khu vực để năm nào cũng có diện tích khai thác, trồng mới, 0,5 ha quế đã bảy năm tuổi, vườn cây ăn quả, gia đình ông còn duy trì đàn lợn nái, lợn thương phẩm với sản lượng xuất chuồng trung bình mỗi năm khoảng 60 tấn… Tổng thu nhập hằng năm của gia đình ổn định ở mức 500 - 600 triệu đồng. Kinh tế dư dả, gia đình ông Quỳ tích cực tham gia, ủng hộ các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của địa phương; tận tình hỗ trợ vốn, tư vấn kiến thức, kinh nghiệm trồng rừng, chăn nuôi cho người dân quanh vùng… 
“Đã xác định “lấy lâm làm nghiệp” thì phải coi rừng là bạn, là đối tác làm ăn, cần tôn trọng, giữ gìn chứ không làm bừa, làm ẩu được”, “điền chủ” đồi Bài nheo mắt. Làm lâm nghiệp đúng hướng, đúng cách, chẳng sợ không thành công là vậy. 
Theo NDĐT

Có thể bạn quan tâm