Điêu đứng vì "tín dụng đen"-Kỳ 3: Luẩn quẩn trả-vay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều bi kịch đã xảy ra quanh chuyện người nghèo vay nợ dẫn đến mất đất. Chính quyền địa phương dù biết nhưng vẫn chưa có cách giải quyết rốt ráo để đòi lại quyền lợi cho người dân.

“Ân nhân” của nông dân?

Trong quá trình viết loạt bài này, P.V đã gặp rất nhiều người dân đang lâm vào cảnh khốn cùng bởi sa bẫy “tín dụng đen”. Để có cái nhìn đa chiều, P.V cũng đã tìm cách tiếp cận các chủ nợ có tiếng trên địa bàn huyện Krông Pa, địa phương được cho là có nạn “tín dụng đen” đang hoành hành nhiều nhất. Tuy nhiên, các chủ nợ lại phủ nhận hoàn toàn, chối bỏ việc xiết bò, xiết đất của người dân.

 
Chỉ vì vướng vào tín dụng đen, không ít gia đình người Bahnar, Jrai rơi vào cảnh khốn cùng khi bị xiết mất bò, lừa mất đất sản xuất. Ảnh: M.T
Chỉ vì vướng vào tín dụng đen, không ít gia đình người Bahnar, Jrai rơi vào cảnh khốn cùng khi bị xiết mất bò, lừa mất đất sản xuất. Ảnh: M.T

Ông Nguyễn Văn Đức (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Túc) còn tự xem mình như “ân nhân” của nông dân. “Thấy người dân khó khăn thì tôi cho vay, còn việc xiết đất, xiết tài sản là không có. Tiền cày 1 triệu đồng thì tôi lấy người ta 1 triệu đồng với điều kiện họ phải bán hàng cho tôi. Cày trước, tới mùa thu hoạch mì người dân mới trả, việc mua hoặc trừ tiền nợ tôi đều tính theo giá thị trường. Người dân nợ nhiều năm mà không trả được thì không tiếp tục đầu tư nữa, coi như mất. Tôi làm ở đây 20 năm qua không thấy ai có kiện cáo gì”-ông Đức nói.

Còn chủ đầu tư Phan Văn Khâm (xã Chư Gu) cũng chối đây đẩy: “Thấy người dân khó khăn thì mình cho vay, còn việc xiết đất, xiết tài sản là không có”. Tương tự, chủ đầu tư Bùi Văn Ngọc (tổ dân phố 15, thị trấn Phú Túc) kể khổ: “Tôi cho vay trên cơ sở 2 bên thỏa thuận, dù biết việc thu vốn và lãi rất khó khăn, trên thực tế nhiều trường hợp tôi cũng không có giải pháp gì để thu nợ” (!?).

Trong khi đó, ông Nay Nguyên-Trưởng thôn H’Ngôm (xã Chư Drăng) khẳng định: Bà con hầu hết không biết chữ, không rành sổ sách, chủ đầu tư ghi nợ bao nhiêu thì họ đành chấp nhận. Từ năm 2013 đến nay, người dân cứ tìm chủ đầu tư ứng tiền, gạo, phân bón, chi phí lo ốm đau, năm này qua năm khác dẫn đến không trả nổi, bị tính lãi gấp đôi, nhiều gia đình bị xiết đất. “Khi đã dính đến “tín dụng đen”, hộ làm ăn được thì ít mà nghèo đi thì nhiều, một phần do mùa màng thất bát, phần nữa là do lãi suất cao, người dân làm chỉ để nuôi chủ đầu tư”-ông Nguyên cho biết.

Ông Ksor Nhói-Trưởng Công an xã Chư Gu, nhận định: Đây là kiểu kinh doanh trá hình. Đầu tiên, họ cho người dân lấy gạo ăn đến cuối vụ quy ra tiền, nếu không trả được thì 1 bao gạo trị giá 500.000 đồng tăng lên thành 1 triệu đồng, chủ nợ bắt người dân ký nhận vay 1 triệu đồng. “Tính từ lúc trồng mì đến khi thu hoạch, nhà đông người sẽ ăn hết 10 bao gạo (khoảng 7 triệu đồng), cộng thêm việc ứng phân bón, mượn tiền lúc ốm đau, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, người dân không trả nổi dồn thành một cục nợ. Nhiều gia đình phải bỏ rẫy, khó lại càng khó, không lối thoát”-ông Nhói nêu thực tế.

Xác nhận điều này, ông Nay Hem-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, cho biết: Việc chủ đầu tư xiết bò, xiết đất của người dân vay nợ là có thật. “Vào vụ mùa, bà con nợ tiền cày nên ứng phân bón của chủ đầu tư. Khi thu hoạch xong họ trừ hết, chủ hộ không còn gì nữa, xem như trắng tay. Sang năm thứ 2, từ khi thu hoạch đến vụ mùa họ lại tiếp tục vay gạo, phân bón, vay tiền chữa bệnh… Sau 3-4 năm, số tiền gốc lẫn lãi cứ thế nhân lên, họ không còn khả năng trả nợ, bị chủ đầu tư lấy đất”.

Ông Nay Hem cho biết thêm, ở 2 xã Chư Gu và Chư Drăng, rất nhiều người là con nợ của ông Đức. Mỗi lần họp, chính quyền đều hỏi han, tìm hiểu nhưng người dân không dám nói vì sợ ông này không tiếp tục cho vay. Vụ việc chỉ được phát hiện tình cờ khi ông Ksor Bep tự nguyện hiến đất xây dựng nhà văn hóa buôn H’Ngôm. “Lúc công trình đang xây móng thì ông Đức cầm bìa đỏ đến nói đây là đất của ông Bep đã gán nợ cho ông. Trước sự việc tréo ngoe này, xã phải đứng ra “năn nỉ”, chủ nợ mới đồng ý nhường cho xã phần đất này để tiếp tục xây nhà văn hóa”-ông Hem kể.

“Giao dịch dân sự nên khó xử lý”

 

Chị Nay H'Chuông-buôn Ơi Múi, xã Chư Gu chỉ mong trả hết nợ, sau này dù đói khổ thế nào cũng không dám đi vay nợ. Ảnh: M.T
Chị Nay H'Chuông-buôn Ơi Múi, xã Chư Gu chỉ mong trả hết nợ, sau này dù đói khổ thế nào cũng không dám đi vay nợ. Ảnh: M.T

Ông Nguyễn Văn Thuyên-Chủ tịch UBND xã Chư Gu, khẳng định: Các hộ vay tiền, hàng hóa đều tự nguyện tìm đến các chủ nợ, việc vay mượn chủ yếu thỏa thuận miệng. Sợ chủ nợ không tiếp tục cho vay, người dân không báo với chính quyền khi bị xiết bò, xiết đất. “Nếu chủ nợ đến xiết tài sản, chỉ cần người dân báo là xã có cơ sở xử lý ngay. Nhưng họ không chịu hợp tác, chính quyền mặc dù biết nhưng không có cơ sở làm việc với chủ đầu tư”. Trong khi đó, ông Lê Văn Biên-Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), cũng cho biết: “Chính quyền địa phương rất lo ngại vấn nạn này nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn”.

Trao đổi với P.V, ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, cho hay: “Làn sóng ngầm này đang tàn phá khắp các buôn làng tại địa phương. Tuy nhiên, đây là vấn đề dân sự nên hiện chính quyền chưa có biện pháp gì xử lý mà chủ yếu làm công tác tuyên truyền là chính. Đến nay, cũng chưa có vụ tranh chấp, khiếu kiện hay tố cáo liên quan đến vấn đề này”-ông Khanh nói.

 

Đại tá Vũ Văn Lâu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh: “Việc vay mượn chủ yếu thỏa thuận miệng, hợp đồng dân sự, không có giấy tờ ký kết, không ai làm chứng nên rất khó xử lý. Mức lãi suất mà các chủ đầu mối này cho vay chỉ gấp 5 đến 6 lần, chưa vượt so với quy định của Ngân hàng Nhà nước nên không xử lý hình sự được, chứ không phải cơ quan Công an không vào cuộc”.

Còn ông Hoàng Văn Tư-Chánh Văn phòng UBND huyện Ia Pa, cho biết: Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các thôn, làng, UBND các xã rà soát, thống kê các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn “tín dụng đen” và giao Công an huyện điều tra một số vụ. Tuy nhiên, phía Công an có văn bản trả lời không có cơ sở xử lý hình sự. “Người cho vay thì khôn khéo còn người dân chẳng bao giờ tố cáo, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do vay mượn chủ yếu thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ. Đây thật sự là vấn nạn, là bệnh gần như không có thuốc chữa. Tuyên truyền thì người dân không nghe, xử lý hình sự không được. Thực tế này tồn tại từ nhiều năm trước nhưng đến giờ thì ngày càng trầm trọng hơn”-ông Tư nêu khó khăn.

Minh Triều

Có thể bạn quan tâm