(GLO)- Theo học trò đi chăn bò để tranh thủ ôn bài cho em hoặc lội giữa đồng nhặt trứng vịt còn sót mang về cho học trò cải thiện bữa ăn... là những gì mà người ta vẫn nhắc đến khi nói về thầy giáo Vũ Tam Thăng-giáo viên Ngữ văn Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Nhờ vậy, nhiều học sinh của thầy, trong đó có những em từng có ý định bỏ học, giờ đã thành công trên nhiều lĩnh vực.
18 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa là chừng ấy thời gian thầy Vũ Tam Thăng gắn nhiệm vụ giảng dạy với công tác chủ nhiệm. “Một phần là thực hiện sự phân công của nhà trường, phần nữa là bởi tôi luôn mong muốn được gần gũi học trò, được giúp đỡ các em nhiều nhất có thể”-thầy Thăng bày tỏ.
Thầy Vũ Tam Thăng chụp ảnh với học trò. Ảnh: N.G |
Khi lòng kiên nhẫn người thầy bị thử thách
Những năm tháng công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, thầy Vũ Tam Thăng có rất nhiều kỷ niệm không thể quên với học trò, trong số đó có Ksor H’Binh (xã Ia Tul). H’Binh là học sinh giỏi, chăm chỉ và viết chữ đẹp nhưng đôi mắt cứ đượm buồn. Đến năm lớp 8, H’Binh học tập sa sút và thường xuyên nghỉ học. Tuy vậy, kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm đó, em vẫn được rất nhiều thầy cô bộ môn chọn tham gia các đội tuyển. Tuy nhiên, em nhất quyết không đi thi vì còn bận... đi chăn bò và tệ hơn là có ý định bỏ học. Cũng bởi nhà H’Binh nghèo quá, bố bỏ đi từ lâu, một mình mẹ phải nuôi 4 người con.
Biết được hoàn cảnh của em, thầy Thăng quyết tâm giúp đỡ, động viên. “Tôi đến tận nhà để ôn tập nhưng em không chịu học mà vẫn ra đồng chăn bò. Trước tình hình đó, tôi bèn... theo em ra đồng”-thầy Thăng nhớ lại. Vậy là, trên cánh đồng Ia Tul ngày ấy có 2 thầy trò vừa chăn bò vừa ôn thi, trò dắt bò đi trước, thầy lẽo đẽo cắp sách theo sau. Kết quả thật bất ngờ: H’Binh đạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn! Đây cũng là lần đầu tiên nhà trường có học sinh đạtđgiải học sinh giỏi cấp huyện.
Cái kết của câu chuyện càng có hậu khi giờ đây Ksor H’Binh đã trở thành cô giáo dạy Ngữ văn tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Thường xuyên huyện Ia Pa. Nói về người thầy của mình, cô H’Binh xúc động: “Hình ảnh 2 thầy trò trên cánh đồng ngày ấy cách đây đã 18 năm nhưng tôi vẫn nhớ như in. Thầy Thăng là người đã gieo vào lòng tôi tình yêu với văn học để tôi có được ngày hôm nay. Thầy dạy chúng tôi phải biết xây dựng ước mơ và theo đuổi nó. Với tôi, thầy quá tuyệt vời, tôi vô cùng biết ơn và tự hào về thầy”.
Vừa lấy xong tấm bằng tốt nghiệp THCS năm học 2016-2017, em Siu H’Ayun (xã Ia Ma Rơn) và nhiều học trò khác cũng đã đến cầm tay thầy Thăng thật chặt để cảm ơn. Bởi lẽ, nếu không có sự kiên nhẫn của thầy thì các em đã bỏ ngang chuyện học ngay ở năm cuối cấp. So với các bạn cùng lớp, H’Ayun lớn tuổi hơn do đi học muộn. Em có học lực yếu, nhà lại nghèo, bố mẹ già nên em trở thành lao động chính. Thêm một nguyên nhân khiến em không thích đi học là em đã có bạn trai. “Khi biết tất cả những điều đó, tôi thương em vô cùng! Một cô học trò bé nhỏ, chưa kịp đi qua hết tuổi thơ thì đã vướng bận bao lo toan. Và tôi quyết tâm giúp em lấy cho được tấm bằng tốt nghiệp THCS”-thầy Thăng kể lại.
Để giúp H’Ayun, thầy Thăng dành thời gian để vận động giảng giải cho em về điều hay lẽ phải, về tương lai không có gì tốt đẹp nếu em lấy chồng sớm, học hành dang dở. Thầy cũng kín đáo gặp riêng bạn trai của em để nhờ giúp đỡ, khuyên nhủ H’Ayun đi học trở lại. Ngoài ra, thầy còn tổ chức cho các bạn cùng lớp tới nhà phụ giúp H’Ayun nhổ mì. Chưa hết, thầy còn nhờ các thầy cô bộ môn quan tâm đến em nhiều hơn hoặc đến gặp đại diện thôn, làng, Đoàn Thanh niên nhờ phối hợp vận động, giúp đỡ gia đình em... Không phụ tấm lòng yêu thương và sự kiên nhẫn của người thầy, H’Ayun đã trở lại trường lớp, chăm lo học tập để rồi hoàn thành năm học cuối cấp thành công.
Giáo viên chủ nhiệm giỏi
Mới đây, đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa, chúng tôi không quá ngạc nhiên khi thấy các em học sinh lớp 6.2 dành cho thầy giáo chủ nhiệm Vũ Tam Thăng những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt thân thương như với chính người cha của mình. Không có sự rụt rè của học sinh đầu cấp, các em mạnh dạn giao tiếp và đặc biệt là “học trò của thầy Thăng không có em nào khóc nhè vì nhớ cha mẹ”-cô Võ Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng nhà trường góp chuyện với chúng tôi. Em Đinh Dinh (xã Pờ Tó) vui vẻ bày tỏ: “Được thầy thường xuyên chăm lo chuyện học tập, ăn ở tại trường nên chúng em không thấy buồn nữa. Ngày cuối tuần, thầy thường có quà là những quả trứng vịt hay rau, củ, quả để chúng em mang về cho bố mẹ. Thầy còn kể chuyện rất hay, thường cho cả lớp diễn kịch nữa nên chúng em rất thích”.
Vất vả vì công việc nhưng thầy Thăng luôn cảm thấy hài lòng “bởi nó mang lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp trong cuộc đời nhà giáo. Chẳng quá khi nói rằng, một giáo viên chủ nhiệm tốt là một người cán bộ dân vận khéo, người cha, người mẹ thứ 2 của học sinh. Tôi hạnh phúc khi luôn đảm bảo sĩ số suốt 18 năm liền làm chủ nhiệm, dù vẫn luôn có những học trò thử thách lòng kiên nhẫn của mình”-thầy Thăng tâm sự. Còn cô Võ Thị Thu Thủy thì nói về thầy Thăng như nói về một “bảo bối”: “Lớp nào quậy phá, lớp nào có học sinh thường xuyên nghỉ học, nhiều học sinh yếu kém mà giao cho thầy Thăng chủ nhiệm là coi như mọi chuyện tốt đẹp. Bên cạnh nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn vững vàng thì thầy Thăng còn rất tâm huyết với học sinh, thực sự coi các em như người thân trong gia đình để lo lắng từng ly từng tí, thầy thực sự xứng đáng với danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi”.
18 năm dạy bảo học trò bằng tất cả tình yêu thương, giờ đây “quả ngọt” mà thầy Thăng có được chính là những đồng nghiệp, bác sĩ, cán bộ xã... từng được thầy truyền cảm hứng học tập với một quyết tâm vượt khó mạnh mẽ. “Thầy Thăng là tấm gương để tôi học tập, để tôi biết yêu nghề, yêu trò như tình yêu thầy đã dành cho chúng tôi ngày ấy”-thầy Rmah Sache (giáo viên bộ môn Tin học, Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa) nói về thầy giáo cũ Vũ Tam Thăng bằng cả sự ngưỡng mộ.
Nguyễn Giang