(GLO)- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa tiến hành cuộc điều tra dư luận xã hội về công tác phòng-chống dịch Covid-19 và ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống người dân trong tỉnh. Kết quả điều tra cho thấy, người dân đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch các cấp thể hiện qua các chủ trương, quyết sách, biện pháp phòng-chống dịch trong thời gian qua.
Công tác truyền thông phát huy hiệu quả
Cuộc điều tra được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành qua môi trường internet (mạng xã hội Facebook, Zalo) trên quy mô toàn tỉnh đã thu hút 17.358 cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Trên cơ sở lọc đối tượng điều tra thu được, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành phân tích, tổng hợp số liệu 10.000 phiếu. Kết quả, có 90,83% số người được hỏi trả lời rất quan tâm tới diễn biến tình hình dịch bệnh, 9,1% quan tâm và chỉ có 0,09% ít quan tâm. Kênh thông tin mà cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tiếp nhận các nội dung liên quan đến dịch Covid-19 hết sức đa dạng, song chủ yếu là qua thông báo của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 từ trung ương đến cấp huyện (82,71%); qua báo, đài của trung ương (73,73%); qua mạng xã hội Facebook, Zalo (69,4%); qua trang thông tin điện tử của các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở (67,46%); Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (58,65%); Báo Gia Lai (53,42%); qua họp sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, họp dân ở thôn, làng, tổ dân phố (53,39%); qua trò chuyện, trao đổi với bạn bè, người thân, đồng nghiệp (49,63%)…
Về hiệu quả công tác truyền thông phòng-chống dịch Covid-19 của các cấp, kết quả điều tra cho thấy, việc truyền thông ở cấp trung ương có 52,12% đánh giá rất tốt, 44,88% đánh giá tốt, 2,82% đánh giá trung bình và chỉ có 0,18% đánh giá kém. Đối với công tác truyền thông của cấp tỉnh, có 44,39% người được hỏi đánh giá rất tốt, 51,87% đánh giá tốt, 3,63% đánh giá mức trung bình và 0,11% người đánh giá kém. Với cấp huyện, có 44,38% người được hỏi đánh giá rất tốt, 49,95% đánh giá tốt, 5,45% đánh giá trung bình và chỉ 0,22% đánh giá kém. Trong khi đó, 8,53% số người được hỏi đánh giá công tác truyền thông phòng-chống dịch Covid-19 ở cơ sở hiện nay ở mức bình thường đến kém. Điều này đặt ra yêu cầu về việc huy động cả hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia truyền thông phòng-chống dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Chỉ đạo, điều hành chống dịch phù hợp với thực tiễn
Đối với công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh được các tầng lớp nhân dân đánh giá rất cao. Có đến 97,51% số người được hỏi cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành phòng-chống dịch Covid-19 là tốt và rất tốt. Kết quả đánh giá tích cực thể hiện qua việc các biện pháp chống dịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh đạt hiệu quả cao, đồng thời thể hiện sự cân bằng lợi ích, phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của người dân.
Về hoạt động của các tổ Covid cộng đồng ở cơ sở, tỷ lệ đánh giá ở mức kém chiếm gần 6,12%. Phương châm hiện nay của Chính phủ đưa ra là: “Lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm, chủ thể trong phòng-chống dịch”, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của cấp cơ sở, trong đó có các tổ Covid cộng đồng đối với sự thành công của công tác phòng-chống dịch Covid-19. Do đó, việc củng cố, động viên, tạo điều kiện để phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ Covid cộng đồng cần được quan tâm hơn.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, đời sống và các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Có 63,39% số người được hỏi cho biết mức thu nhập có giảm, giảm nhiều; một bộ phận rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập. 72,9% nông dân, đoàn viên, hội viên, quần chúng và lao động tự do cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của họ, trong đó có 6,3% rơi vào tình trạng thất nghiệp, không có thu nhập. Đối với lực lượng công nhân, nhân viên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tỷ lệ giảm thu nhập đến giảm nhiều chiếm 54,4%; tỷ lệ thất nghiệp, không có thu nhập chỉ chiếm 2%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh đã có sự điều chỉnh, từng bước thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, tăng mức độ thích ứng với dịch Covid-19, duy trì được việc làm, thu nhập cho gia đình, doanh nghiệp và người lao động.
Đánh giá về việc thực hiện chế độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại địa phương, có 46,21% số người được hỏi trả lời kịp thời, hiệu quả; 45,81% đánh giá kịp thời, nhưng hiệu quả chưa cao; chỉ có 7,66% đánh giá chưa kịp thời, chưa hiệu quả và 7,6% trả lời không biết các chính sách này. Điều này cho thấy, đa số đối tượng được điều tra đã đánh giá cao việc thực hiện chế độ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Về ý thức chấp hành các quy định của Chính phủ và chính quyền địa phương trong phòng-chống dịch Covid-19, đa số các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt. Kết quả phân tích số liệu điều tra có 59,65% đối tượng được hỏi đánh giá tốt, 28,48% đánh giá rất tốt, 9,67% đánh giá chưa tốt và có 2,2% thấy khó trả lời câu hỏi này.
Người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Như Nguyện |
Đối với việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở địa phương, đa số các ý kiến được hỏi (82,28%) đánh giá đạt yêu cầu, nhanh, kịp thời, phù hợp với nguồn vắc xin được phân bổ. Tính công khai, minh bạch trong kế hoạch tiêm vắc xin được đánh giá rất tích cực khi chỉ có 8,81% người được hỏi chưa biết kế hoạch tiêm vắc xin cụ thể của địa phương. Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hưu trí, lực lượng vũ trang quan tâm nhiều hơn đến kế hoạch tiêm vắc xin của tỉnh khi chỉ có 6,2% trả lời “chưa biết kế hoạch tiêm vắc xin cụ thể của địa phương”. Tuy nhiên, việc phổ biến thông tin kế hoạch tiêm trong nông dân, đoàn viên, hội viên, quần chúng và lao động tự do vẫn còn hạn chế, tỷ lệ chưa biết kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 chiếm 11,3%. Thời gian đến, khi nguồn phân bổ vắc xin phong phú, đáp ứng được nhu cầu tiêm phòng trong toàn dân thì cần quan tâm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kế hoạch, đối tượng, thời gian thực hiện tiêm phòng.
Sớm hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19
Về giải pháp phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian tới, người dân mong muốn cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác đối với dịch bệnh; thực hiện nghiêm phương châm “5K + vắc xin” và 5T. Cần tuyên truyền rộng rãi bằng loa đài, băng rôn, phát thanh lưu động tới những người không dùng mạng xã hội để giúp họ nắm bắt và hiểu rõ tình hình dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bùng phát, kể cả khi đã có vắc xin phòng ngừa. Phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác phòng-chống dịch, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm công tác phòng-chống dịch để nêu gương cho Nhân dân.
Đồng thời, tỉnh cần sớm hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân trên địa bàn tỉnh để tạo miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho người dân có bệnh nền trong danh mục Chính phủ quy định. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những người đi từ nơi khác đến và đang thực hiện cách ly y tế tại nhà; thực hiện truy vết thần tốc đảm bảo không bỏ lọt đối tượng nếu có phát sinh ca mắc Covid-19 mới nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng; có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những người không chấp hành quy định phòng-chống dịch. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến các nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân trong dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ.
TỐNG THỚI MỐC