Đồ chơi Tết Trung thu: Phong phú, đa dạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, ở một số tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Trần Phú nối dài, Hùng Vương (TP. Pleiku), nhiều quầy hàng phục vụ Tết Trung thu trở nên tấp nập. Theo quan sát của P.V, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay khá đa dạng, phong phú, trong đó những loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đầu lân, trống cơm, mặt nạ, đèn xếp giấy, đèn kéo quân... thu hút sự quan tâm, lựa chọn của nhiều phụ huynh và trẻ em.
Một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu ở TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Một cửa hàng bán đồ chơi Trung thu ở TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Càng gần đến Tết Trung thu, thị trường đồ chơi càng sôi động. Theo ghi nhận, đồ chơi Trung thu năm nay khá phong phú, đa dạng, những mặt hàng thu hút sự lựa chọn của trẻ em vẫn là đèn ông sao, đầu lân, trống cơm, mặt nạ...
Những ngày này, ở một số tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Trần Phú nối dài, Hùng Vương (TP. Pleiku), nhiều quầy hàng phục vụ Tết Trung thu trở nên tấp nập. Theo quan sát của P.V, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay khá đa dạng, phong phú, trong đó những loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đầu lân, trống cơm, mặt nạ, đèn xếp giấy, đèn kéo quân... thu hút sự quan tâm, lựa chọn của nhiều phụ huynh và trẻ em. Đặc biệt, những chiếc đèn lồng nhựa của Việt Nam sản xuất có hình dáng các nhân vật hoạt hình với nhiều màu sắc bắt mắt, kèm dòng chữ “Em yêu biển đảo Việt Nam” được bày bán khá nhiều.
Anh Phạm Văn Nam-nhân viên quầy hàng đồ chơi Trung thu trước sảnh Khách sạn Vĩnh Hội (TP. Pleiku), cho biết: 90% đồ chơi tại quầy hàng là đồ trong nước sản xuất. Đèn ông sao loại bằng giấy bóng kính có giá dao động 10.000-15.000 đồng/chiếc, đèn Trung thu nhựa phát sáng có nhạc giá 25.000-35.000 đồng/chiếc. Đồ chơi nhập khẩu từ Trung Quốc có giá cao hơn, từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/chiếc.
Một cửa hàng bán trống, đầu lân trên đường Trần Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.Y
Một cửa hàng bán trống, đầu lân trên đường Trần Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.Y
“Năm nay sức hút đồ chơi Trung thu truyền thống tại quầy hàng là bộ lân truyền thống. Quầy chúng tôi bán giá sỉ tất cả các mặt hàng nên người tiêu dùng tìm đến mua rất nhiều. Giá bán một đầu lân lớn là trên 1 triệu đồng, đủ cả bộ lân thì có giá dao động từ 2,5 triệu đồng đến 2,7 triệu đồng”-anh Nam cho hay.
Sau khi chọn được bộ lân ưng ý, em Nguyễn Minh Đạt (đường Thống Nhất, TP. Pleiku) nói: “8 anh em và bạn cùng xóm lên kế hoạch Trung thu năm nay đầu tư một bộ lân đi múa trong xóm cho vui. Xin gia đình tổng cộng được 2,2 triệu đồng nên cả nhóm rủ nhau đi mua. Nhìn đầu lân to, đẹp, ai cũng thích. Còn mấy ngày nữa là đến Tết Trung thu, chúng em đang rất háo hức có dịp trổ tài”. 
 
Ngày 28-8, UBND tỉnh có Công văn số 1897/UBND-KGVX về triển khai các hoạt động Tết Trung thu. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại đơn vị, các trung tâm văn hóa, thể thao và các điểm vui chơi tại cộng đồng nhằm thu hút trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh, định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi; sử dụng đồ chơi sản xuất trong nước, không mua đồ chơi nhập khẩu, kém chất lượng, có tính kích động, bạo lực để tặng trẻ em.

Đưa con trai 5 tuổi đi mua lồng đèn, chị Phạm Thị Ánh (đường Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) quyết định mua cho con chiếc lồng đèn phát sáng, có nhạc, là hàng sản xuất trong nước. “Thấy nhiều đồ chơi nhãn mác Trung Quốc bắt mắt, đẹp đấy nhưng tôi hướng cho con chọn lồng đèn Việt Nam để đảm bảo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, giá cả lại phải chăng”. 
Tuy nhiên, trên thị trường đồ chơi Trung thu năm nay, hàng Trung Quốc vẫn có chỗ đứng nhất định. Chị Nguyễn Thu Huyền-chủ cửa hàng đồ chơi ngay đầu chợ huyện Đak Đoa-cho biết: “Đồ chơi Trung Quốc nhiều loại bắt mắt, kiểu dáng thường xuyên thay đổi và có thêm nhiều tính năng nên được trẻ em yêu thích, giá dao động từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng/chiếc”. Đang chọn chiếc đèn ông sao cho con, chị Bùi Thị Ải (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa), nói: “Hễ con thích loại nào thì mua thôi. Tôi cũng không mấy chú ý đến nhãn mác, xuất xứ, bởi chơi mấy ngày hỏng rồi bỏ đi ấy mà”.
Biết người tiêu dùng cẩn trọng với đồ chơi “made in China”, anh Nguyễn Văn Ánh-chủ quầy hàng Tết Trung thu thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah)-chia sẻ: “Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng nên dù bán đồ chơi Trung Quốc tôi vẫn lựa chọn loại có nhãn mác, tem kiểm định. Tuy giá bán có đội lên tí chút nhưng tôi luôn đặt sự an toàn cho trẻ em lên trên hết”.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm