(GLO)- Trước đây, nhắc đến việc phá rừng ai cũng sẽ nghĩ chỉ để lấy gỗ làm nhà, đóng giường tủ bàn ghế… Nhưng nay, “lâm tặc” đang ngày đêm tìm mọi cách phá rừng là nhằm để phục vụ cho những thú chơi như làm lộc bình, đóng bàn ghế kiểu cổ và đặc biệt trong thời gian gần đây là đục tượng.
Trước đây, nhắc đến hàng mỹ nghệ ở thành phố Pleiku (Gia Lai) người ta chỉ nghĩ đến lác đác vài cửa hàng khá khiêm tốn ở đường Quang Trung, Trần Phú… nhưng nay, nhắc đến hàng mỹ nghệ thì vô cùng nhiều địa chỉ được nhắc đến và gần như con đường chính nào cũng có và đều rất quy mô- hoành tráng.
Tượng gỗ |
Không như những cửa hàng mỹ nghệ trước đây chủ yếu là kinh doanh mấy tấm gỗ được khắc chữ, treo lịch hay một vài bức tượng gỗ nho nhỏ thì nay các cửa hàng đều trưng bày khá nhiều những bức tượng gỗ đồ sộ với rất nhiều loại gỗ quý. Những bộ bàn ghế có giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng được bày bán, lộc bình thì đầy rẫy từ nhỏ đến lớn… và người xem, người mua cũng rất tấp nập ra vào.
Để có được những bộ bàn ghế hay những bức tượng trên thì đương nhiên phải có gỗ- mà phải là gỗ quý, vậy thì gỗ từ đâu ra- từ tay lâm tặc- từ rừng mà ra. Một anh bạn có thú sưu tầm các loại tượng phật chia sẻ với tôi rằng: Kiếm người đục tượng có hồn mới khó chứ tìm gỗ thì không quá khó, chỉ việc mình nhiều hay ít tiền mà thôi. Cũng theo anh bạn này, hiện nay lộc bình cỡ lớn ở Gia Lai thì gần như rất ít mà chủ yếu là đưa thô từ nước bạn Campuchia về, sau đó mới mông má lại cho đẹp và bán ra thị trường. Gỗ ở Campuchia còn nhiều cây lớn và có tuổi nên lộc bình cỡ trên 2m mới đưa về Việt Nam tiêu thụ, còn loại nhỏ thì kiếm ở Tây Nguyên có hết.
Tượng gỗ hương. Ảnh: Nguyễn Giác |
Tại ngã ba Hoa Lư- TP.Pleiku, lâu lâu người dân sẽ thấy nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số dùng xe công nông chở nhiều gốc, cành một số loại gỗ quý đem bán cho người có thú chơi đục tượng. Số gỗ này được những thanh niên này đào từ trong rẫy nhà và tìm kiếm từ trong rừng. Mỗi bộ rễ như vậy, bán được từ 2 đến 5 triệu đồng.
Thú chơi này của người dân đã tạo điều kiện cho nhiều lao động có cơ hội được phát huy nghề nghiệp gia truyền và cả những nghề mới nổi. Trong đó, đắt hàng nhất hiện nay là nghề đục tượng- những người thợ này thường đến từ các tỉnh phía Bắc. Theo thông tin từ những người có thú chơi đồ gỗ thì cách đây khoảng 2 năm, giá thuê đục tượng không cao, có khi thấp hơn giá gỗ nhưng hiện nay giá tiền công rất cao, nếu mua một gốc hương chừng 5 triệu đồng thì tiền thuê đục tượng từ 10 triệu đồng trở lên. Theo như anh H. Tình thì người đục tượng nâng giá lên là do một số đại gia có nhiều tiền vì hối thúc thợ đục nhanh, bao nhiêu cũng ok cộng với việc người chơi tượng ngày càng đông và đa dạng về đối tượng nên giá cứ thế tăng lên.
Gỗ gốc được khai thác từ rừng. Ảnh: Minh Thi |
Bên cạnh nghề đục tượng thì những người thợ phun PU cũng ăn nên làm ra, anh Bình- người chuyên phun PU cho biết: Trước đây, nghề này chủ yếu là phun bàn ghế, cửa, cầu thang cho các công trình xây dựng mới nhưng bây giờ phun tượng, lục bình sướng hơn, thu nhập khá hơn và lúc nào cũng có việc làm.
… Thời tiết thất thường, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp đó là một trong những hậu quả của việc rừng ngày càng bị thu hẹp và sự tàn phá không thương tiếc của con người. Chúng ta cần phải có động thái để bảo vệ lá phổi xanh cũng như không ngừng phủ xanh những vùng đất đã trống. Đừng để con cháu sau này nhìn vào bộ bàn ghế, cặp lục bình mà tưởng tượng ra đó là là cây gỗ hương, cà te hay trắc!
Minh Thi