Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ TP. Pleiku phòng-chống dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 27-11, đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên do TS. Phạm Ngọc Thanh-Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP. Pleiku về công tác phòng-chống dịch Covid-19.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện


Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 TP. Pleiku, tính đến ngày 26-11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 649 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (có 12 trường hợp tái dương tính). Trong số 649 trường hợp dương tính có 554 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện đã có 238 trường hợp hoàn thành cách ly điều trị, còn đang điều trị 411 trường hợp.

Tình hình dịch tại TP. Pleiku diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh từ ngày 1-10 trở lại đây, ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây và lây lan trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số ổ dịch đã được kiểm soát như làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ), làng Ốp (phường Hoa Lư)… Hiện một số địa bàn đang là điểm nóng tại TP. Pleiku là xã Biển Hồ, Tân Sơn và khu vực chợ Trà Bá (phường Trà Bá). Trong công tác phòng-chống dịch, thành phố đã nhanh chóng khoanh vùng, phong tỏa tạm thời, tiến hành truy vết và xét nghiệm nhanh các trường hợp tiếp xúc liên quan đến các trường hợp F0.

Tại buổi làm việc, TS. Phạm Ngọc Thanh cho biết: Qua khảo sát một số xã, phường trên địa bàn thành phố cho thấy, công tác phòng-chống dịch đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt và đúng với tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”. Tuy nhiên, hiện nay, dịch tại TP. Pleiku tập trung nhiều ở các làng đồng bào dân thiểu số nên cần phải nhanh chóng khống chế dịch trước dịp lễ Noel và dịp cuối năm, vì đây là thời điểm người dân giao lưu đi lại nhiều rất dễ khiến dịch bùng phát, lây lan mạnh.

Theo TS. Phạm Ngọc Thanh, để công tác phòng-chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới, TP. Pleiku cần củng cố, kiện toàn lại hệ thống truy vết tại các xã, phường đảm bảo công việc truy vết thần tốc tránh bỏ sót F0 tại cộng đồng. Đối với việc cách ly cần chuyển đổi một cách linh hoạt. Hiện Gia Lai vẫn tổ chức hình thức cách ly tập trung, tuy nhiên cần sớm thí điểm việc cách ly F1 tại nhà.

Ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện


Về việc chuyển các F1 đến các cơ sở cách ly tập trung, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thanh đề xuất không nhất thiết phải sử dụng xe chuyên dụng mà có thể sử dụng các xe lực lượng đô thị hay xe hợp đồng để vận chuyển nhanh chóng. Thành phố Pleiku cũng cần thành lập các khu cách ly tạm thời cho các trường hợp test nhanh dương tính trong khi chờ kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ hỗ trợ tập huấn công tác chuyên môn về phòng-chống dịch cho lực lượng phòng-chống dịch tại TP. Pleiku trong thời gian tới.

Qua những ý kiến, đề xuất của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung cho biết sẽ nhanh chóng khắc phục những tồn tại, khó khăn và có biện pháp triển khai phù hợp hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, trong công tác truy vết dù đã triển khai thời gian qua nhưng nhiều người chưa có kinh nghiệm và chưa được tập huấn về chuyên môn. Vì vậy, TP. Pleiku đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiếp tục hỗ trợ cho TP. Pleiku trong công tác chuyên môn, nhất là tổ chức tập huấn về truy vết, lấy mẫu xét nghiệm… cho lực lượng cơ sở nhằm góp phần thực hiện tốt công tác phòng-chống dich trong thời gian tới.

 

NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm