Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai góp ý kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại tổ để xem xét, đóng góp ý kiến vào các dự kiến: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự kiến: kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Quốc hội tiến hành thảo luận tổ 2 tờ trình trên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn chủ trì phiên thảo luận tổ tại điểm cầu Gia Lai.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều ngày 29-10 tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn


Tham gia đóng góp ý kiến vào tờ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn thống nhất với các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Việc phát triển kinh tế hay tất cả lĩnh vực đều cần phải có quy hoạch, trong đó quy hoạch sử dụng đất đóng vai trò quan trọng. Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để bảo đảm việc cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở các quy hoạch chung. Đối với các địa phương thì có quy hoạch tỉnh, thành. Ở địa phương thì có quy hoạch ngành như quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp-nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi… Có như vậy thì kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế mới thực sự đi vào đời sống.
 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất. Ảnh: Quang Tấn


Đồng thời, cần quan tâm phát triển, bảo tồn, gìn giữ rừng và phát triển kinh tế rừng, vì vấn đề này đã được xác định rõ trong Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trên cơ sở các quy hoạch của quốc gia, của tỉnh cần sớm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống bằng những kế hoạch cụ thể, trong đó có kế hoạch phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là kinh tế vùng Tây Nguyên… Bên cạnh đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá sâu sắc không chỉ trong một kịch bản phát triển vì theo dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Trong điều kiện bình thường không có dịch thì kịch bản phát triển như thế nào và trong điều kiện dịch bệnh hiện nay thì như thế nào nhằm đánh giá xác đáng hơn các chỉ tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025...  

Còn đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét đề ra thời hạn thực hiện cho 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, cần xem xét lại chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động, việc đánh giá chỉ tiêu này dựa vào các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương thì không phản ánh được sự tương quan về quy mô kinh tế. Ngoài ra, chúng ta nên có phụ lục so sánh một số chỉ tiêu so với các nước trong khối ASEAN và một số nước khác để thấy được mức độ đạt được các chỉ tiêu trong cơ cấu kinh tế.

Đại biểu Đinh Văn Thê-Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai tham gia thảo luận tổ. Ảnh: Quang Tấn


Tham gia vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh thống nhất với quan điểm tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Đồng thời, đại biểu mong muốn Chính phủ quan tâm, chú trọng đến phát triển doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân vì hậu Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.  

Trước đó, trong phiên thảo luận trực tuyến vào sáng 29-10, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm góp phần thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng; khắc phục hạn chế, bất cập sau 20 năm thi hành Luật; bảo đảm sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật. Qua đó, kiến tạo thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững hiệu quả, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Rơ Châm H’Phik-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh tham gia vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Quang Tấn


Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định đối với bảo hiểm vi mô theo hướng vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhằm dự phòng rủi ro và có tích lũy hướng đến người nghèo, người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội.

Một số đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, cần đánh giá rõ ràng hơn tình hình quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm thời gian qua, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trình Quốc hội vào kỳ họp sau…

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm