Kinh tế

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp mía đường Việt Nam có nguy cơ bị "khối ngoại" thâu tóm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Nông dân trồng mía có nguy cơ phải bỏ ruộng vì giá thu mua nguyên liệu ngày càng giảm. Ảnh: Theo VTV1
Những năm gần đây ngành mía đường đang lao đao vì đường ngoại nhập lậu vào Việt Nam. Từ năm 2020, hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu từ các nước ASEAN được xóa bỏ, ngành đường trong nước có nguy cơ bị thâu tóm.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước có 36 doanh nghiệp mía đường đang hoạt động, kinh doanh. Hàng năm, ngành mía đường đã sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn đường, tạo giá trị sản lượng khoảng 300.000 tỉ đồng, đóng góp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên,  con số 500-700 nghìn tấn đường nhập lậu hàng năm ồ ạt tuồn vào Việt Nam với giá rẻ hơn từ 15-20%  đã  khiến đường trong nước sản xuất ra không thể tiêu thụ, hầu như niên vụ nào cũng bị tồn kho và đến thời điểm này, dù Hiệp hội Mía đường Việt Nam không công khai con số, nhưng có thể đoán được lượng đường tồn kho lên tới hàng trăm nghìn tấn.
Bên cạnh đó còn một số lượng lớn đường nhập theo chiêu trò "tạm nhập" nhưng không "tái xuất" mà âm thầm xâm nhập thị trường nội địa khiến mặt hàng đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh nổi.
"Hơn 2 năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ" – ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhận xét.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.
Theo các doanh nghiệp ngành mía đường, điều đáng nói là từ 1.1.2020, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, sẽ xóa bỏ hạn ngạch và giảm thuế nhập khẩu về 5% thực sự sẽ tạo một “cú sốc” lớn cho ngành mía đường Việt Nam, dù ngành này đã tiên lượng trước những khó khăn và nhiều doanh nghiêp đã sẵn sàng đối mặt.
Theo ông Subbaiah - Tổng giám đốc Công ty KCP Việt Nam, Hiệp định ATIGA có hiệu lực thì lượng đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam càng lớn và giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20%. Với giá đường xuống thấp, chắc chắn giá thu mua mía của người nông dân sẽ giảm. Như vậy, khó khăn này không phải chỉ riêng các doanh nghiệp phải đối mặt, mà người nông dân cũng phải đương đầu, thậm chí phải từ bỏ nghề trồng mía, chuyển hướng trồng cây nguyên liệu khác.
Hiện nay, tổng diện tích mía nguyên liệu hiện ngày càng sụt giảm do nông dân đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng , một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản. Đã có khoảng 17 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Trong niên vụ mới 2019-2020, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định ngành đường gặp nhiều thách thức lớn, do đó kế hoạch của các công ty tỏ ra khá thận trọng, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm sản lượng sản phẩm sản xuất, kinh doanh.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam - ông Phạm Quốc Doanh nhiều lần lên tiếng, đường Việt Nam không thể cạnh tranh với đường Thái Lan ở mức giá 8.000-9.000 đồng/kg và nguy cơ các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm, hoặc trở thành các doanh nghiệp làm thuê cho nước ngoài là rất lớn.
Trước những ý kiến "kêu ca" của các doanh nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, ngành mía đường và nông dân trồng mía đã được tạo điều kiện hết sức có thể, khi Chính phủ đã cho phép lùi thời điểm thực thi ATIGA thêm 2 năm (từ 1.1.2018 đến 1.1.2020). Khi việc thực hiện Hiệp định ATIGA hiện nay là không thể trì hoãn, thì các doanh nghiệp và nông dân phải tìm được hướng đi cho mình, không thể mãi chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập sâu rộng hiện nay.
Phong Nguyễn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm