Phóng sự - Ký sự

Độc đáo áo vỏ cây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vào mùa lễ hội, một số đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) lại mang những chiếc áo làm bằng vỏ cây rừng ra mặc. 
 
Già C’lâu Blao. Ảnh: HỮU TRÀ
Với họ, đây cũng là cách để nhắc nhớ về một thời gian khổ, qua đó giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ núi rừng.
Áo đẹp mặc trong dịp đặc biệt
Khi mặt trời dần trôi về dãy núi phía tây, cũng là lúc già C’lâu Blao (75 tuổi, ở làng Voòng, xã Tr’hy) cùng một số già làng ở các xã Axan, Tr’Hy, Bhalêê, Gary, Ch’ơm, Dang… lặng lẽ thay đổi y phục, chuẩn bị cho lễ cúng Tạ ơn rừng. Đây là lễ lớn diễn ra vào mùa xuân, là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, mang ý nghĩa tạ ơn Giàng, rừng núi, sông suối đã đùm bọc, che chở buôn làng, cho cây cối, hoa màu đâm chồi nảy lộc.
Mang cái túi vải ra giữa nhà sàn, già C’lâu Blao cùng với người anh rể K’ro Tám cẩn thận lấy ra 2 chiếc áo làm bằng vỏ cây sẫm màu, rồi thong thả mặc vào. Chiếc áo độc lạ, quý hiếm của 2 già đến từ làng Voòng khiến nhiều người ngạc nhiên thích thú. Già C’lâu Blao từ từ đưa chiếc áo lên cao, nhẹ nhàng vuốt ve, chỉnh sửa cho thẳng thớm trước khi đưa từng cánh tay vào chiếc áo quý, thong thả thắt từng nút dây kết vòng qua bụng, qua ngực kiểu như cài cúc áo. Nhìn già cẩn trọng từng động tác khoác áo chuẩn bị cho buổi lễ, mới thấy hết tấm lòng trân quý ông bà tổ tiên của đồng bào Cơ Tu cũng như niềm tin về những vị thần núi, thần rừng mà họ tôn thờ.
Mặc áo xong, hai già C’lâu Blao, K’ro Tám cùng với một số già làng đại diện cho các xã vùng cao H.Tây Giang thành kính dâng hương và lễ vật trước di ảnh của Bác Hồ, khấn vái thần linh, thần rừng đã bao dung, cung cấp nhiều sản vật, chở che cho các thế hệ đồng bào Cơ Tu sinh sống yên bình trên dãy Trường Sơn.
Có một chút “khác biệt” khi chỉ 2 già C’lâu Blao, K’ro Tám mặc áo vỏ cây rừng, các vị còn lại mặc áo thổ cẩm do kỹ thuật làm áo bằng vỏ cây đã thất truyền. “Hằng năm, mỗi khi có dịp cúng tế lớn như lễ Tạ ơn rừng, già mới mang áo làm bằng vỏ cây rừng ra mặc. Đây là trang phục mà đồng bào mình nhiều thế hệ trước, cả đàn bà, đàn ông đều sử dụng. Đó là giai đoạn còn chiến tranh, gian khổ, ai ai cũng mặc áo bằng vỏ cây này cả. Bây giờ, đời sống khá hơn nhiều, không ai mặc nó nữa”, già C’lâu Blao nói.
 
Hai già làng Cơ Tu trong trang phục bằng vỏ cây cúng tạ thần linh. ẢNH: H.T
Một tháng mới “dệt” xong tấm áo
Thông điệp nhắc nhở phải biết quý trọng quá khứ

Bí thư Huyện ủy Tây Giang, ông Bh’riu Liếc, cho rằng vào mùa xuân khi cây cối đâm chồi nảy lộc, chim rừng hót vang trên đại ngàn, người dân bước vào mùa lúa rẫy cũng là lúc đồng bào Cơ Tu tổ chức lễ Tạ ơn rừng. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ nối tiếp giữ gìn truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ quê hương và bảo vệ chính mình… Theo già C’lâu Blao, lễ Tạ ơn rừng được tổ chức hằng năm nhằm truyền dạy cho thế hệ sau luôn biết giữ rừng, ứng xử có văn hóa với rừng, biết tôn thờ thần rừng đã chở che, từ đó không dám xâm hại những cánh rừng. Và những chiếc áo làm bằng vỏ cây rừng cũng là một thông điệp nhắc nhở những thế hệ sau biết quý trọng quá khứ, gìn giữ những thành quả hiện có.

Già C’lâu Blao kể, để làm ra một chiếc áo bằng vỏ cây không hề đơn giản, phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Bởi không phải loại vỏ cây rừng nào cũng có thể làm được. Một số cây dây, vỏ dày có nhiều nhựa tựa như cây cao su, thân thẳng như Tr’rang, T’coong... mới được chọn. “Từ làng mình, phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ, băng rừng lội suối mới vào đến nơi có cây phù hợp để bóc vỏ. Phải chọn cây to, đoạn vỏ dài từ 2 m trở lên không bị con sâu, con kiến phá để sau này làm thân áo cho đẹp”, già K’ro Tám chen vào kể.
Vỏ cây lột xong phải hun khói, đập dập nhiều lần từ nhẹ đến mạnh cho tơi thành sợi. Già C’lâu Blao bảo người tráng kiện rắn rỏi mới có sức mà đập dập vỏ. “Tiếp đó, vỏ cây đưa xuống ngâm dưới suối non nửa ngày cho trôi bớt mủ. Xong về nhà lại tiếp tục ngâm trong nồi nước đun sôi để nguội với những loại cây lá “bí truyền” nấu chung, chống mối mọt, chống mốc và giữ hương cho áo được bền lâu. Sau nữa phải phơi trong nắng nhẹ, ủ sương đêm liên tục nhiều ngày”, già C’lâu Blao kể. Ai thích thêm sắc màu cho tấm áo, có thể sử dụng vỏ cây tạo màu, nhưng đẹp nhất vẫn là giữ màu vỏ cây tự nhiên.
Ngày đó, khi đã có đầy đủ nguyên liệu để kết thành áo bằng vỏ cây, người Cơ Tu bắt đầu tỉa tót các sợi cho bằng phẳng tương ứng với từng lứa tuổi. Mất hơn 30 ngày đêm họ mới có thể làm xong một chiếc áo đẹp, sực nức hương rừng. Tuy nhiên, do sợi là vỏ cây kèm kỹ thuật may vá hạn chế nên phần lớn áo làm bằng vỏ cây thường không có tay. Già K’ro Tám bật mí, áo không tay bởi đồng bào Cơ Tu thích để đôi tay được thoải mái, tự do săn bắn, phát nương, sinh hoạt… “Nếu muốn mặc áo bằng vỏ cây vào mùa hè, chỉ cần làm một lớp sợi vỏ cây là đủ mát. Còn vào mùa đông, phải kết 2 - 3 lớp vỏ lại với nhau thành một tấm dày mới giữ ấm được cơ thể”, già C’lâu Blao kể. Rồi ông chỉ tay về phía chiếc áo mà già K’ro Tám đang mặc, bảo trước đây đồng bào Cơ Tu sử dụng luôn cả sợi từ vỏ cây hay sợi mây rừng để kết dây thắt cho áo. Nhưng hiện thời, già thay bằng sợi vải mua ở chợ về kết cho áo được sử dụng lâu dài hơn.
 
Các già làng ở Tây Giang trong lễ cúng Tạ ơn rừng. ẢNH: Đ.H
Truyền nhân cuối cùng ?
Ở xã Tr’Hy bây giờ, chỉ còn mỗi già C’lâu Blao biết kỹ thuật và quy trình làm áo bằng vỏ cây. Ông Zơrâm Hướp, Chủ tịch UBND xã Tr’Hy, đã quả quyết điều này khi trao đổi với PV Thanh Niên. “Lớp trẻ giờ không mấy mặn mà với y phục truyền thống trừ những dịp đặc biệt, huống gì trang phục bằng vỏ cây. Ở xã cũng mong muốn lưu giữ kỹ thuật làm áo của già lắm. Nhưng thực sự không biết làm sao”, ông Zơrâm Hướp trần tình.
Hôm làm lễ cúng Tạ ơn rừng, chúng tôi thấy già C’lâu Blao mang theo trong túi vải 3 chiếc áo bằng vỏ cây. Già nói rằng, năm trước cũng mang theo như vậy để “3 anh em” sàng sàng tuổi nhau trong làng Voòng cùng mặc làm lễ. Vậy mà, lễ cúng năm nay, một người đã “về” với ông bà, nên dư ra một chiếc. “Đã thử đưa cho nhiều người có tuổi một chút mặc để tham gia cúng tế mà ai cũng ngại ngần không ưng cái bụng”, già C’lâu Blao nói xa nói gần về khả năng tồn tại của những chiếc áo độc đáo.
Hỏi già C’lâu Blao vì sao ông không truyền nghề lại cho lớp con cháu, ông già cười hiền, bảo trước đây khi còn nhỏ đã từng được người cha yêu quý của mình là C’lâu Panh dẫn vào rừng lột vỏ cây và chỉ vẽ tận tay những công đoạn làm áo. “Bây giờ, mình kêu mấy đứa con, mấy đứa cháu tới để chỉ cho cách làm áo, chúng nó chỉ cười và nói: “Ông lạc hậu rồi. Ông coi có còn ai mặc áo như ông không. Bọn con mà mặc, ra đường người ta cười cho!”. Hỏi thế có chịu được không?”, già C’lâu Blao kể. Thoáng buồn, ông dõi mắt về phía xa xa nơi những tia nắng cuối ngày còn dùng dằng, vấn vương giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn…
Hữu Trà (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm