(GLO)- Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) trồng cây hoa ngũ sắc để phát triển kinh tế gia đình, đem về thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, khi tham gia Tổ hội trồng hoa ngũ sắc, họ đã cùng nhau xây dựng điểm check-in trên Google Maps “Làng hoa ngũ sắc” để quảng bá sản phẩm và thu hút sự quan tâm của du khách.
Năm 2005, ông Nguyễn Tấn Phúc (thôn Phú Quang) tiên phong đưa cây ngũ sắc từ rừng về trồng và tạo dáng để chơi Tết. Từ đây, ông ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu về giống hoa này. Ông bắt đầu cắt ghép để tạo ra các màu hoa khác nhau. Sau 10 năm, gia đình ông đã có một vườn ngũ sắc đủ chủng loại. Năm 2016, khi thấy nhiều người ngỏ ý muốn mua, ông Phúc quyết định xuất bán ra thị trường với giá từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/cây, tùy kích cỡ và kiểu dáng. Thậm chí, nhiều cây ngũ sắc có thế độc, lạ được khách mua với giá từ 6 đến 8 triệu đồng. Mỗi năm, ông Phúc xuất bán khoảng 300 cây ngũ sắc và thu về trên 300 triệu đồng.
“Hoa ngũ sắc còn gọi là cây trâm ổi, là loài cây bụi thân gỗ mềm, lá nhọn đầu, hoa nhỏ nhắn hình cầu với nhiều màu sắc như: vàng, cam, tím, đỏ, trắng. Ngoài màu sắc bắt mắt thì hoa có sức sống rất mãnh liệt. Dựa trên những đặc điểm này của cây, tôi đã bỏ công chăm sóc, chiết ghép, tạo dáng để loài ngũ sắc trở thành cây cảnh với nhiều thế khác nhau nhằm cung ứng ra thị trường. Cứ đầu năm, tôi tìm mua cây phôi ở tỉnh Sơn La, sau đó về ủ thuốc khoảng 1 tháng để phôi phục hồi rồi mới tiến hành cắt ghép. Chỉ 2 tháng sau, cây ghép đã ra hoa và phát triển rất tốt”-ông Phúc chia sẻ.
Nhận thấy trồng hoa ngũ sắc cho thu nhập cao, ông Phúc vận động người dân trong vùng cùng nhau phát triển vườn cây này. Là giáo viên nhưng rất đam mê cây cảnh, anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang) cũng đã tạo nên một vườn hoa ngũ sắc bề thế chỉ sau 3 năm. Tranh thủ sau giờ làm việc, anh Tuấn học hỏi và thực hiện kỹ thuật chiết ghép, nhân giống, phát triển thêm nhiều loại hoa ngũ sắc độc, lạ. Hiện anh có gần 1.000 chậu ngũ sắc các loại. Anh Tuấn cho biết, mỗi mạch hoa anh sẽ ghép và tạo ra màu sắc riêng cho nó. Tầm tháng 10 hàng năm, thương lái đến đặt cọc. Đầu tháng 12, họ sẽ mua về để phục vụ thị trường hoa Tết.
Ông Nguyễn Tấn Phúc (bìa phải) chăm sóc những chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Mai Ka |
Ông Huỳnh Xuân Huy-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hrú-cho hay: “Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ loài cây này, đầu năm 2022, Hội Nông dân xã đã ra mắt Tổ hội trồng hoa ngũ sắc với 22 thành viên. Mục đích của Tổ hội là liên kết trồng hoa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hiện nay, mỗi hộ thành viên có từ 200 đến hơn 1.000 cây ngũ sắc. Những cây có kích thước vừa và nhỏ có giá bán từ 300 đến 500 ngàn đồng/cây. Còn những cây to và dáng đẹp sẽ có giá từ 700 ngàn đồng đến 8 triệu đồng/cây. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động người dân tham gia Tổ hội trồng hoa ngũ sắc để cùng nhau phát triển kinh tế”.
Theo ông Trần Đức Hậu-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh, từ chỗ đưa hoa ngũ sắc về trồng làm cây cảnh, đến nay, nhiều nông dân xã Ia Hrú đã có những vườn hoa ngũ sắc với số lượng lớn và có tính thẩm mỹ cao. Bà con nông dân liên kết để cùng nhau phát triển và hướng đến xây dựng một làng hoa. Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ Tổ hội trồng hoa ngũ sắc trong việc sử dụng công nghệ số, ký hợp đồng với Bưu điện huyện để đưa thông tin sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart) nhằm giới thiệu và quảng bá về các vườn hoa ngũ sắc của nông dân.
MAI KA