Được hình thành như một nơi ở ẩn trong thời kỳ đế chế Ottoman, “làng treo” Al Habala lơ lửng lưng chừng trời rất ảo diệu ở Arab Saudi có sức cuốn hút đặc biệt với những du khách thích “ở ẩn”, nhất là trong thời Covid-19.
Trước đây chỉ có thể tiếp cận "làng treo" Al Habala bằng leo thang giây thừng
Abha là khu vực cho đến Thế chiến thứ nhất thuộc về đế chế Ottoman, nay là thủ phủ tỉnh Asir ở phía tây nam Arab Saudi. Trên dãy núi Asir trải dài khắp tỉnh này có một số "làng treo", nổi tiếng nhất là Al Habala (theo tiếng Arab gọi là Al-Habalah có nghĩa là "dây thừng").
"Làng treo" Al Habala rất đặc sắc với nhiều ngôi nhà được xây dựng bằng những phiến đá lớn và thạch cao từ vài thế kỷ trước, nằm chênh vênh bên rìa các vách đá. Nay chúng bị bỏ hoang.
Trước đây để tới "làng treo" Al Habala chỉ có thể leo thang bện bằng dây thừng. (Ảnh minh họa: Shutterstock) |
Các "làng treo" này được cho là do những cư dân trốn chạy khỏi người Ottoman trong cuộc chiến Ottoman - Saudi (1811-1818) lập nên. Đế quốc Ottoman tồn tại thời kỳ Trung Đại (1299-1923) nay là Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên gọi "làng treo" bởi để tới làng thời đó chỉ có thể qua một đường duy nhất là leo thang bện bằng giây thừng trông rất chung chiêng và nguy hiểm, nên người ngoài khó có thể xâm nhập. Cho tới thập niên 1990 du khách bình thường vẫn hầu như không thể tiếp cận "làng treo" Al Habala.
Một trong ngôi nhà điển hình được xây dựng bằng những phiến đá lớn ở "làng treo" Al Habala. (Ảnh: SPA/CIC) |
Dù nằm ở nơi hẻo lánh nhưng "làng treo" Al Habala từ lâu đã là một điểm đến hấp dẫn do sự độc đáo của địa hình và khung cảnh tuyệt đẹp, đặc biệt là những đỉnh núi cap bao phủ bởi loại cây bách xù và thảm thực vật xanh tươi. Đây là một điều hiếm có ở Arab Saudi - nơi được mệnh danh là Vương quốc sa mạc vùng Vịnh".
Cáp treo thuận tiện đưa du khách tới "làng treo" Al Habala hiện nay. (Ảnh: VCG) |
Bị bỏ hoang một thời gian khá dài thời thập niên 1970 - 1980, "làng treo" Al Habala chỉ là nơi đón tiếp những du khách đi theo các tour du lịch mạo hiểm và một số vận động viên dù lượn bay trên các vách đá tới đây.
Từ năm 1990 sau khi hệ thống cáp treo được xây dựng, ngày càng có nhiều du khách tới để trải nghiệm "làng treo" lơ lửng lưng chừng trời vô cùng độc đáo này.
Một gia đình Arab tham dự hội chợ gần "làng treo" Al Habala. (Ảnh: VCG) |
Ngày nay những công trình kiến trúc bằng đá cũ được sử dụng làm nhà hàng và quán cà phê. Vào các dịp cao điểm khi nhiệt độ giảm, người Arab Saudi thường tìm đến những nơi "ở ẩn" thực sự xanh tươi hiếm có trong cả nước như thế này. Tại đây cũng đã xây dựng một công viên giải trí nhỏ để phục vụ các nhóm du khách đi theo gia đình.
"Làng treo" trên núi hút khách bởi là nơi "ở ẩn" xanh tươi hiếm có
Một ngôi nhà bỏ hoang tại "làng treo" Rahwat Al Sumayd cũng ở tỉnh Asir. (Ảnh: SPA/CIC) |
Cách Abha khoảng 180km còn có một "làng treo" khác là Rahwat Al Sumayd nằm trên đỉnh núi Khat cao 1.524m. Theo cư dân địa phương, tại làng Rahwat Al Sumayd từng tồn tại một số cung điện và lâu đài, cùng các đồ tạo tác và chữ khắc trên vách đá từ thời trong làng vẫn có người sinh sống.
Đường tới đây có phần dễ dàng hơn bởi du khách có thể lái xe từ Abha theo một tuyến đường gồ ghề nhưng phong cảnh rất bắt mắt với những ngọn núi cao vút, các thác nước hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt cùng các thung lũng phủ đầy cây cọ, cây tuyết tùng…
Lái xe lên các "làng treo" trên đỉnh núi, du khách sẽ rất mãn nhãn với cảnh quan ngoạn mục hai bên đường. (Ảnh từ cuốn sách "Asir: Sand in an Hourglass"(Asir: Cát trong đồng hồ cát) của Michael Bou-Nacklie/CIC) |
Theo chia sẻ của một cư dân 70 tuổi lớn lên tại đây, dân các "làng treo" đã quen với cuộc sống đơn giản với đặc điểm "leo lên leo xuống" hàng ngày.
Bất chấp địa hình khó khăn họ trồng ngô, thuốc lá và chuối. Họ sử dụng các lưu vực lớn để lấy nước mưa dùng cho sinh hoạt và tưới cây, đào mương thủy lợi xung quanh các tảng đá và đi tới các làng gần đó để mua bán nhu yếu phẩm.
Những ngôi nhà bỏ hoang và một tòa tháp ở một "làng treo" khác cũng thuộc tỉnh Asir. (Ảnh từ cuốn sách "Asir: Sand in an Hourglass" của Michael Bou-Nacklie/CIC) |
Theo Dân Việt