(GLO)- Nhiều năm trở lại đây, thị trường hàng chưng Tết ở Gia Lai khá chuộng các loại trái cây như dừa, dưa hấu, bưởi… được trang trí bằng hình ảnh và thư pháp. Ngoài trái cây, một số khách cũng thích vẽ trên lon nước để tạo sự độc, lạ. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều họa sĩ đã tham gia cung ứng các sản phẩm bắt mắt, giá cả phải chăng.
Đều là giáo viên Mỹ thuật, chị Lê Thị Kim Thúy và chị Phan Kim Thanh đã cùng nhau thành lập một xưởng vẽ tại 56 Tô Vĩnh Diện (TP. Pleiku) chuyên vẽ và cung cấp sỉ, lẻ dừa thư pháp. Chị Thúy chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi có học vẽ tranh và viết thư pháp nhưng thường là vẽ trên giấy. Sau đó, chúng tôi có vẽ trên dừa để tặng bà con, bạn bè dịp Tết, ai cũng khen đẹp, lạ nên chúng tôi bắt đầu vẽ với số lượng nhiều để bán. Năm ngoái, số lượng khách đặt hàng lên đến 1.500 quả dừa, vượt xa so với dự tính. Năm nay, thấy điều kiện kinh tế của người dân khó khăn nên chúng tôi dự định sẽ vẽ khoảng 1.000 sản phẩm”.
Chị Phan Kim Thanh (bìa trái) và chị Lê Thị Kim Thúy đang vẽ thư pháp trên quả dừa. Ảnh: V.M.H |
Anh Hồ Văn Bảy (tổ 3, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang)-cũng là một giáo viên Mỹ thuật-tâm sự: Mỗi mùa Tết, anh vẽ và bán được gần 100 quả dưa thư pháp (cả sỉ, lẻ). Sở dĩ số lượng đặt hàng còn khiêm tốn vì nơi anh sống là vùng nông thôn, nhu cầu chưng trái cây trang trí thư pháp chưa cao. Còn chị Nguyễn Thị Xuân Triều (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê) cho biết, chị đã vẽ thư pháp trên dừa cách đây 5 năm, tuy nhiên 3 năm trở lại đây thì số lượng dừa bán ra tăng rõ rệt. Năm ngoái, chị cung cấp trên 600 quả dừa chủ yếu cho khách sỉ đi TP. Hồ Chí Minh; năm nay, đến thời điểm hiện tại, tổng các đơn hàng là 300 quả dừa thư pháp.
Chị Tần Thị Quý Thảo (4/4 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku)-một khách hàng của chị Thúy-vui vẻ cho biết: “3 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng mua thêm dừa thư pháp để chưng Tết và biếu tặng họ hàng. Riêng năm nay tôi mua sỉ với số lượng lớn để bán vì thấy ai cũng thích sự độc, lạ của sản phẩm này”.
Kỹ thuật vẽ thư pháp trên dừa và lon nước tương tự nhau. Đầu tiên, các họa sĩ sẽ phun một lớp nhũ màu vàng đồng lên trước để tạo màu nền bắt mắt, sau khi lớp nhũ khô mới bắt tay vào trang trí bằng cách viết chữ thư pháp (thường là chữ Phúc, Lộc, Thọ, An Khang, Thịnh Vượng, hoặc các lời chúc tùy theo yêu cầu của khách), tiếp đó rắc một lớp kim tuyến lên màu chữ rồi trang trí thêm hình ảnh hoa mai, hoa đào… Còn có cách trang trí cầu kỳ hơn là họa sĩ vẽ một bức tranh phong cảnh trên quả dừa hoặc lon nước, sau đó đợi khô rồi mới viết chữ và rắc kim tuyến. Sau khi hoàn thành tác phẩm phải xịt sơn bóng phủ lên để giúp hình ảnh bóng đẹp hơn, không bị bong tróc. Nếu vẽ trên dưa hấu hay bưởi thì họa sĩ vẽ trực tiếp chứ không cần lớp nhũ đồng. Mỗi quả còn có thêm phần đế bên dưới, tùy thẩm mỹ của mỗi họa sĩ mà họ sẽ bện rơm hoặc dùng dây thừng kết vòng tròn làm đế.
Mặc dù qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của họa sĩ nhưng giá của những loại trái cây thư pháp này lại khá “mềm”, dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/sản phẩm; nếu trang trí cầu kỳ hơn theo yêu cầu của khách thì có thể lên đến 150.000 đồng/sản phẩm. Riêng lon nước thư pháp có giá 50.000-60.000 đồng/lon. Đó là những “bức tranh” đẹp với những lời chúc may mắn, là điểm nhấn độc đáo trong trang trí ngày Tết nên đây đang là sự chọn lựa của khá nhiều người tiêu dùng khi mua chưng hoặc làm quà trong dịp Tết.
VÕ MINH HẠNH