Phóng sự - Ký sự

Đời du mục trên thảo nguyên (bài 2): Xuyên qua vùng hạn, nắng cháy da người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo kinh nghiệm người dân Ninh Thuận, từ tháng 4 -7 hàng năm là cao điểm hạn hán... Nhưng những ngày trung tuần tháng 3/2021, trên đường về xã Phước Trung, huyện Bác Ái, chúng tôi chứng kiến “đồng khô cỏ cháy”. Nhiều đàn cừu gặm gốc cỏ khô, trơ trọi dưới cái nắng kinh hoàng...
Người chăn nuôi cừu dự báo, năm nay ông trời lại gieo hạn hán khốc liệt xuống vùng này. Vậy người chăn cừu phải tính toán, đối phó với hạn hán ra sao?
Chi hơn 40 triệu đồng khoan một giếng nước
Ngày thứ hai, tôi tiếp tục làm du mục với sư phụ Tấn (trại cừu của ông Thập Tấn, hơn 50 tuổi người Chăm, đồng cừu thôn 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Trở lại buổi tối đầu tiên, sư phụ Tấn khoe, nhờ nghề chăn nuôi cừu, ông đã nuôi 4 người con học hành tử tế. Theo lời sư phụ Tấn, những năm trước, đàn cừu của ông lên đến hơn 500 con phải thuê 4 người chăn. Trong vòng 5 năm trở lại đây, do hạn hán nên đàn cừu của ông còn chỉ 200 con. Trong năm 2020, gia đình ông bị lỗ hơn 50 triệu đồng nên năm nay ông tự chăn để lấy công làm lời.

Anh Ka tơ Đen (người Raglai ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái) đang lùa cừu đi tìm đồng cỏ. Ảnh: Bùi Phụ
Anh Ka tơ Đen (người Raglai ở xã Phước Trung, huyện Bác Ái) đang lùa cừu đi tìm đồng cỏ. Ảnh: Bùi Phụ
Theo lời ông Nguyễn Tin - Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Thuận, năm 2015, hạn hán khốc liệt, cừu đói quá ăn luôn cả quần áo của người dân phơi rồi ngã ra chết, khiến ai cũng đau lòng. Năm ấy, người chăn nuôi cừu thiệt hại nặng…
Đã hơn 20 năm hành nghề du mục, nhưng sư phụ Tấn còn rất yêu nghề. Ông nói, nghề này đã mang lại sự ấm no, nhất là 4 người con của ông được học hành tử tế. Nhưng gần đây do hạn hán, thiếu đồng cỏ nên chi phí chăn nuôi cừu ngày càng tăng nhiều hơn trước.
"Khi cỏ còn nhiều, dân chăn cừu thường chọn du mục. Chỗ nào có cỏ và nước, mình lùa cừu đến đóng trại, khi cỏ đồng này hết mình sang đồng khác. Nay kiểu chăn này không phù hợp nên sáng lùa cừu đi, tối lùa về..."- sư phụ Tấn tâm sự.
Thiếu nước nên nhiều chủ trại cừu phải bỏ tiền khoan giếng, lấy nước. Gia đình ông cũng chi gần 80 triệu đồng để khoan 2 cái giếng lấy nước cho cừu uống...
Sau gần 2 ngày "tầm sư học đạo", tôi không khỏi ngậm ngùi khi phải nói lời chia tay với sư phụ Tấn. Tiễn tôi một đoạn đường dài, sư phụ Tấn dặn dò: "Nếu có khó khăn, phiền muộn gì, bạn cứ lên đây sống với mình. Ở đây có gì ăn đó, cháo ăn cháo, rau ăn rau. Nghề chăn cừu tuy cực nhưng đầu óc thoải mái, được làm thơ, ngắm bình minh lên và hoàng hôn lặn khuất…".
Chăn cừu trên vùng hạn hán
Chúng tôi tiếp tục tìm đến một đồng cừu khác cách nơi sư phụ Tấn khoảng hơn 50km ở thôn Đồng Dày (xã Phước Trung, huyện Bác Ái. Người dân địa phương cho biết, Đồng Dày nhiều năm qua ví như "tâm hạn" của tỉnh Ninh Thuận. Trái lại, cừu vùng này, thịt ngon hơn hẳn các vùng khác…

Chị Nguyễn Thị Quý Kim đang chăn cừu trên Đồng Dày.
Chị Nguyễn Thị Quý Kim đang chăn cừu trên Đồng Dày.
Thời điểm chúng tôi đi mới trung tuần tháng 3/2021, nhưng trên một số tuyến đường về xã Phước Trung đã thấy rõ cảnh hạn hán, thiếu nước. Hai bên nhiều đám ruộng khô, nứt nẻ, cỏ khô vàng cháy! Nhiều đàn cừu gặm gốc cỏ khô trơ trọi giữa cái nắng như thiêu đốt cháy cả da người...
Giữa nắng trưa ở thôn Đồng Dày, chúng tôi gặp anh Ka tơ Đen (người Raglai ở xã Phước Trung) cùng hai người em đang lùa đàn cừu gần 500 con đi tìm nguồn nước ở gần khu vực hồ Phước Trung. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, anh Ka tơ Đen cho biết, số cừu trên anh chăn thuê từ 3 chủ khác nhau. Tổng thu nhập cho 3 anh em từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Những năm trước, nhóm anh Ka tơ Đen chăn thuê mỗi ngày lên đến cả nghìn con nên thu nhập rất ổn định. Còn những năm gần đây, cừu giảm, tiền chăn thuê cũng bị giảm nhiều... "Tránh nắng nóng, anh em mình lùa cừu đi lúc sáng sớm khi trời còn mát để cừu bớt mệt. Trưa lùa cừu xuống khu vực hồ Phước Trung tìm nước cho cừu uống, tránh nắng. Đến chiều tối, trời mát mới lùa về chuồng. Cừu ít, tiền chăn thuê ít hơn, nhưng anh em chúng tôi phải tốn thời gian cực nhọc ở ngoài đồng nắng chát nhiều hơn..."- Ka tơ Đen nói.
Phải mua nước cho cừu uống
Trên đường qua "tâm hạn", tôi gặp chị Nguyễn Thị Quý Kim (người Kinh) ở thôn Đồng Dày cũng đang lùa đàn cừu hơn 70 con đi gặm cỏ khô giữa nắng trưa. Chị Quý tâm sự, trước gia đình chị có hơn 300 con thu nhập ổn định nên thuê người chăn. Mấy nằm gần đây hạn hán, cỏ hiếm, đàn cừu chỉ còn hơn 70 con. Chị cùng người nhà phải thay nhau chăn chứ không thuê...
Đang nói chuyện bỗng tiếng con gái chị Kim gọi mẹ ơi ới mau về nhà trả tiền mua nước. Trước nhà chị Kim lúc này có chiếc xe máy cày đang bơm nước vào bồn. Chị Kim trả 100.000 đồng/khối rồi dặn người bán nhớ lần sau đi sớm hơn chứ trễ quá cừu không có nước uống sẽ bệnh. Chỉ tay vào những bó rơm khô chất sẵn trong lều quanh nhà, chị Kim cho biết, đó là của để dành cho cừu ăn giặm lúc thiếu cỏ.
Theo lời chị Kim, trung bình mỗi tuần chị mua 2 khối nước cho cừu uống. Nước, rơm khô được người bán chở từ huyện Thuận Bắc cách đó 20km dưới xuôi lên bán. "Tốn kém nhiều, nhưng để duy trì đàn cừu, gia đình tôi phải giảm chi tiêu, lấy tiền lo cho đàn cừu sống qua mùa hạn. Ở đây ai cũng cầu trời năm nay mưa sớm, nhiều hơn năm trước..."- chị Kim ngậm ngùi.
Tiễn tôi ra về, chị Kim nhắc lại chuyện buồn hơn 5 năm trước. Năm ấy hạn hán khốc liệt, nhiều người phải di chuyển đàn cừu ra đồng cỏ mới ở xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) cách nơi chị Kim ở gần 30km. Trên đường đi, gặp phải nắng nóng, đường xa nên nhiều con cừu yếu, kiệt sức chết dần trên đường. Không riêng gia đình chị, nhiều người khác cũng ôm cừu chết khóc nghẹn...
Theo Bùi Phụ-Quang Đăng (Dân Việt)
https://danviet.vn/doi-du-muc-tren-thao-nguyen-bai-2-xuyen-qua-vung-han-nang-chay-da-nguoi-20210401162121459.htm

Có thể bạn quan tâm