Đổi mới giáo dục và nỗi lo về cơ sở vật chất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơ sở vật chất và thiết bị trường học đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình cải cách, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp đến. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước tổng rà soát toàn bộ cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị, đồ dùng dạy học từ mầm non đến phổ thông cũng như nhu cầu xây dựng, tu sửa, mua sắm giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025 để phục vụ cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trên cả nước.

Tổng kết năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT đánh giá: Cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị phục vụ dạy và học ở nước ta hiện còn thiếu và lạc hậu. Bộ yêu cầu sau khi sắp xếp, điều chỉnh mạng lưới trường lớp, cần bố trí đúng chuẩn: 35 học sinh/lớp bậc Tiểu học và 45 học sinh/lớp đối với bậc THCS và THPT. Thực tế, tại các tỉnh miền núi, nhiều nơi vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất trường học.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với việc đầu tư một trường học phổ thông “đúng chuẩn” theo yêu cầu đổi mới cả nội dung và phương pháp giáo dục, ngoài phòng học kiên cố còn đòi hỏi phải có các phòng học bộ môn kèm thiết bị hiện đại; có thư viện, phòng thí nghiệm-thực hành, sân chơi, bãi tập đúng quy chuẩn... Đây đang là vấn đề nan giải của các địa phương vì nguồn kinh phí nhà nước còn hạn hẹp, đồng thời quỹ đất dành cho xây dựng trường học ngày càng trở nên khan hiếm, nhất là ở các đô thị. Ngay tại trung tâm TP. Pleiku hiện nay vẫn còn một số trường phổ thông quá chật hẹp, không đạt yêu cầu về diện tích trên 1 học sinh như quy định, không có sân chơi, bãi tập, thiếu các phòng học bộ môn… nhưng lại hết quỹ đất để xây dựng, mở rộng.

Bên cạnh đó, trang-thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có ở nhiều trường đã lạc hậu, không còn phù hợp để giảng dạy hoặc cho học sinh thực hành. Việc trang bị, mua sắm, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học ở nhiều trường chưa được quan tâm đúng mức, gây thất thoát và lãng phí lớn. Công tác thanh-kiểm tra hàng năm của ngành chức năng chưa sâu sát nên các cơ sở trường học còn xem nhẹ việc tu sửa, bảo hành, nâng cấp thường xuyên thiết bị, đồ dùng dạy học.

Thời gian từ nay đến khi chính thức đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới không còn dài, thiết nghĩ, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các trường học thì việc rà soát, trang bị cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ cho dạy và học theo tinh thần đổi mới cần được tiến hành khẩn trương với sự nỗ lực của các ngành, các cấp.

Công tác tổng rà soát cơ sở vật chất trường học phải được cụ thể, công khai, chính xác để có kế hoạch xây dựng, mua sắm trang bị qua từng năm, nếu để dồn lại với khối lượng lớn trong cùng một lúc thì ngân sách không thể nào kham nổi. Cần vận động xã hội hóa để kêu gọi các đơn vị kinh doanh và nhân dân, phụ huynh học sinh tham gia đóng góp, mua sắm trang bị đồ dùng dạy học, xây dựng các thư viện, sân chơi, bãi tập của nhà trường phục vụ cho nhu cầu học tập con em chúng ta. Các trường hiện chưa đủ phòng học để tổ chức cho học sinh học 2 buổi cần lập phương án và kế hoạch báo cáo chính quyền địa phương để kịp thời xây dựng thêm. Bên cạnh đó, các trường có tổ chức bán trú cho học sinh cũng phải có đủ phòng nghỉ trưa, phòng ăn đúng tiêu chuẩn, hợp vệ sinh, không nên tận dụng phòng học để làm các chức năng khác...

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm