Đội mũ bảo hiểm: Nét đẹp văn hóa giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ, việc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã trở thành thói quen của hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia giao thông.

Ngày 26-4-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP (Nghị quyết 32) về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người do tai nạn giao thông, Chính phủ quy định, từ ngày 15-12-2007, người ngồi trên mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH).

 

Đội mũ bảo hiểm đúng quy cách cho trẻ trước khi tham gia giao thông. Ảnh: internet
Đội mũ bảo hiểm đúng quy cách cho trẻ trước khi tham gia giao thông. Ảnh: internet

Thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, suốt 10 năm qua, Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình chuyên đề và các văn bản quy phạm pháp luật về quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông. Theo đó, trong 10 năm, tỉnh đã ban hành 15 nghị quyết, chỉ thị, chương trình chỉ đạo Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT cấp huyện, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này.

Để việc chấp hành đội MBH đi vào nền nếp, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật được các ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể chú trọng thực hiện thường xuyên. Các hình thức tuyên truyền được xây dựng đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn trong tỉnh. Cũng thông qua các đợt tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể đã vận động, phối hợp trao tặng hơn 12.000 MBH cho người dân, đặc biệt là người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đổi hơn 32.000 MBH đạt chuẩn cho người dân.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đến nay, việc đội MBH đã trở thành thói quen của người dân khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Bà Nguyễn Thị Thủy (tổ dân phố 5, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku)  mỗi khi đưa các cháu đến trường, dù chỉ cách nhà vài trăm mét nhưng trên xe không thể thiếu 2 chiếc MBH. Bà Thủy cho biết: “Nhà trường có quy định bắt buộc học sinh đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy lúc đến trường nên hôm nào tôi vội quá quên không lấy MBH là các cháu nhắc ngay và không chịu lên xe. Chính vì vậy, để không quên, tôi luôn treo 2 chiếc MBH trên xe như vậy...”.

Cùng với việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, các lực lượng chức năng trong tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhắc nhở các trường hợp đội MBH kém chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp đi xe mô tô, xe gắn máy không đội MBH hoặc đội mũ không đạt chuẩn. Theo đó, trong 10 năm qua, các lực lượng đã lập biên bản 130.798 trường hợp, xử phạt 126.479 trường hợp, nhắc nhở 41.539 trường hợp vi phạm quy định về đội MBH. Ngoài ra, để đảm bảo việc kinh doanh MHB đúng quy chuẩn, Công an toàn tỉnh đã kiểm tra đột xuất 165 cơ sở kinh doanh MBH, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, tịch thu gần 1.300 MBH không rõ nguồn gốc; lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra 198 cơ sở kinh doanh, xử phạt 98 cơ sở vi phạm, tịch thu hơn 1.100 MBH kém chất lượng.

 

Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh: “Những kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Mặc dù vậy, công tác triển khai tuyên truyền, vận động vẫn còn một số hạn chế; công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh MBH không đạt chuẩn chưa thực hiện thường xuyên, chưa đủ sức răn đe… Trong thời gian tới, Ban ATGT tỉnh tiếp tục tham mưu tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền và chú trọng kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ này”.

Nhờ thực hiện tốt công tác nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đội MBH cho người dân mà số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội MBH trên địa bàn tỉnh những năm qua đã giảm mạnh. Theo đó, nếu năm 2008, toàn tỉnh xảy ra 213 vụ tai nạn giao thông liên quan đến người không đội MBH thì trong 11 tháng của năm 2017, con số này chỉ còn 77 vụ. Cũng theo kết quả khảo sát độc lập của Quỹ phòng-chống thương vong châu Á (AIP) thì Gia Lai là địa phương có tỷ lệ đội MBH cho trẻ em cao nhất trong các tỉnh, thành phố mà AIP triển khai dự án. Việc đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy đã đi vào nền nếp, trở thành nét đẹp văn hóa giao thông của người dân Gia Lai.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm