Phóng sự - Ký sự

Đợi mưa ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nguồn nước sinh hoạt luôn là nỗi trăn trở của những người lính làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Cảm giác chờ đợi những cơn mưa thành nỗi khát khao khi mùa khô đến…

Những cơn mưa đối với lính đảo chúng tôi như là một món quà vô giá. Vào cuối mùa khô, nơi cuối chân trời bắt đầu xuất hiện những vệt chớp và ì ầm tiếng sấm gọi mưa. Quãng thời gian giao mùa dài miên man như con sóng. Mái tôn cũng oằn lên giữa nắng lửa chói chang. Gió thổi rang khô những dải cát, phả vào đường hào công sự hầm hập. Lớp lớp sóng bạc đầu chồm lên bê tông chắn sóng, hất tung bọt nước lên cao như sự thách thức của mùa biển mặn.


 

Hồn nhiên lính trẻ.
Hồn nhiên lính trẻ.


Mấy tuần nay, nước sinh hoạt ở khẩu đội chúng tôi phải tiết kiệm triệt để. Nhìn những vạt mồng tơi, muống, cải… như lả đi vì thiếu nước thương vô cùng. Sau mỗi buổi tập ở ngoài thao trường, chúng tôi lại tranh thủ che chắn cho những mầm xanh ấy. Tội nhất là lũ gà con, chỉ loanh quanh bươi cát dưới gốc cây bàng vuông.

Ở khẩu đội, ngoài tôi và Hoàng (quê Phú Yên) nhập ngũ năm 2020, còn có cậu lính trẻ Y Thơm Niê mới ra đảo được 6 tháng. Chàng trai Êđê người Buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) là cậu em út hồn nhiên, ít khi buồn, vậy mà mấy bữa rồi thường lặng lẽ dõi mắt về phía xa mỗi khi nhắc tới quê nhà.

Đã quá nửa đêm, trời vẫn oi nồng. Bỗng cơn mưa đến thật bất ngờ, khi chúng tôi đang trằn trọc trong giấc ngủ. Tiếng lộp độp thoảng nhẹ trên mái tôn nghe như mơ hồ. Rồi ào ạt… Tất cả như vỡ òa, tất cả như bừng lên trong vũ điệu hoang sơ: Mưa…! Mưa…! Mưa thật rồi…!

Tiếng mưa nghe thích quá. Chúng tôi choàng dậy để nguyên quần áo chạy ra tắm mưa. Áp mình xuống để nghe những tiếng trở mình của đất. Lính đảo hồn nhiên giữa thiên nhiên. Chúng tôi ôm nhau cười trong tiếng reo hò gọi mưa. Y Thơm có lẽ là người vui nhất. Cậu cứ lắc lư rồi lại nhảy choi choi trên cát.

Niềm vui lan ra khắp đảo. Vừa tắm mưa, chúng tôi tranh thủ lấy tất cả những gì có thể đựng được đưa ra hứng nước. Cơn mưa đầu mùa là món quà tặng hào phóng của thiên nhiên, tắm gội và gột rửa đi tất cả. Đám lá bàng vuông rung lên trong gió, sóng từng đợt đập ì ùm vào bờ kè, tiếng côn trùng râm ran trộn vào tiếng mưa rơi, tất cả đã tạo nên một bản hòa tấu sôi động, hồn nhiên.


 

Chăm sóc vườn hoa ở đảo Trường Sa Đông.
Chăm sóc vườn hoa ở đảo Trường Sa Đông.


Đêm Trường Sa ấy, chúng tôi được thỏa thuê trong một bữa tiệc tắm mưa. Thật hạnh phúc bởi mỗi sớm mai lên được ngắm nhìn đảo nhỏ thân yêu với sự sáng trong, tươi mới, dịu mát đến xao lòng. Những ngày sống ở đây chúng tôi mới thực sự thấy được giá trị của nước, của những cơn mưa.

Đi qua cơn khát dài của mùa khô nơi miền cực Đông Tổ quốc, lòng những chiến sĩ quê Tây Nguyên như Y Thơm lại canh cánh thương cái hanh hao bụi đỏ nơi phía đại ngàn Trường Sơn. Y Thơm kể, đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, nước là một biểu tượng thiêng liêng của sự sống. Cuối mùa khô, khi những hồ đập cũng đã xuống mực nước chết thì những giọt mưa đầu mùa còn quý hơn vàng. Sáu tháng mùa khô đã từ từ khép lại. Cơn mưa đầu mùa thật hối hả. Mây sà xuống thấp, gió ào ào như thác cuốn tung mù bụi đỏ, rồi mưa mù trời cuốn phăng từng mảng đất đỏ nơi triền dốc. Cả một thảo nguyên mênh mang tràn ngập tiếng mưa. Mưa như hiểu lòng người, như muốn trả lại cho tất cả sự chờ đợi, khát khao, mong mỏi. Đám con trai, con gái trong buôn chạy ào ra từ những ngôi nhà dài hồn nhiên tắm mưa. Những tấm lưng trần của người con trai, vồng ngực căng tròn của thiếu nữ Êđê như được tiếp thêm sinh lực mới. Mưa đã trả lại màu xanh tươi cho đại ngàn, tưới tắm cho ruộng nương, cây cỏ và con cá con tôm được vẫy vùng thỏa thuê.


 

Những chú vịt đầu tiên ở đảo Trường Sa Đông nở ra từ máy ấp trứng.
Những chú vịt đầu tiên ở đảo Trường Sa Đông nở ra từ máy ấp trứng.


Ngồi bên nhau, Y Thơm tâm sự: “Hết nghĩa vụ là em về lái máy cày cho vợ. Cưới nhau mới được một tháng là em đi bộ đội, đất rẫy thì nhiều làm không xuể, đêm nào nằm cũng trằn trọc, thao thức thương nhớ vợ”. Còn Hoàng nói rằng hết nghĩa vụ thì về quê nối nghiệp gia đình làm tài công tàu đánh bắt xa bờ. Nếu bên nhà người yêu mà ưng thuận, cưới xong xin chính quyền ra định cư ở Trường Sa. Đây mới là ngư trường nhiều tiềm năng với các dịch vụ nghề cá đầy đủ. Điều mong muốn giản dị đó cũng thật dễ hiểu, bởi lẽ giờ đây khoảng cách giữa đất liền và đảo không còn xa nữa.

Mưa Tây Nguyên, mưa Trường Sa - dòng cảm xúc ấy cứ dào dạt vỗ trong tôi. Cũng là những cơn mưa của quê hương mình sao mà lắng sâu đến vậy…

 

https://www.baodaklak.vn/xa-hoi/202208/doi-mua-o-truong-sa-6c601c0/
 

Theo Nguyễn Xuân Tình (baodaklak)

 

Có thể bạn quan tâm