Đôi tay tài hoa của làng Hlang Ngol

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vô tình bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ Jrai với chiếc gùi có nắp vô cùng xinh xắn trên vai, tôi lân la tìm hiểu về gốc tích, rồi tìm về làng Hlang Ngol (xã Ia Vê, huyện Chư Prông, Gia Lai) vào một ngày đầu đông. Chẳng mất nhiều thời gian, chúng tôi đã được diện kiến chủ nhân của những chiếc gùi có nắp nức tiếng gần xa-ông Siu Lơl.
Vừa bước vào nhà, chúng tôi dường như bị choáng ngợp trước những chiếc gùi vô cùng đẹp, đủ kích cỡ được chủ nhân để gọn gàng trên kệ tủ. Thấy chúng tôi say sưa ngắm từng chiếc gùi, mân mê từng họa tiết, hoa văn trên thân gùi, nắp gùi, già làng Kpuih Nhơl trải lòng: “Ngày xưa chỉ những gia đình giàu có, lắm trâu, nhiều rẫy mới có thể sở hữu những chiếc gùi có nắp thôi. Gùi có nắp khi đó ngoài việc dùng trong sinh hoạt hàng ngày còn được dùng để cất váy áo, đồ trang sức quý... của gia đình. Ở Hlang Ngol hiện cũng có vài người biết đan gùi nhưng chỉ là những chiếc gùi đơn giản để gùi thóc, gùi nước... Còn gùi có nắp đậy với hoa văn đẹp duy chỉ có ông Siu Lơl biết làm”. Già làng Kpuih Nhơl cũng có thâm niên với việc đan gùi, nhưng theo ông, đan gùi có nắp rất khó, nhất là việc tạo khối hình trụ tròn và nắp khum hình chóp nón. Do đó, phải là người khéo léo, kiên nhẫn và giỏi nghề mới có thể đan được gùi có nắp. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi nhắc đến ông Siu Lơl, người làng đều cảm thấy rất đỗi tự hào và gọi ông với cái tên nghe rất mỹ miều: “người đàn ông tài hoa”!
 Ông Siu Lơl đang hướng dẫn cách đan gùi nắp cho một thanh niên trong làng. Ảnh: Phương Dung
Ông Siu Lơl đang hướng dẫn cách đan gùi nắp cho một thanh niên trong làng. Ảnh: Phương Dung
18 tuổi, ông Siu Lơl theo cha học cách đan gùi có nắp, một phần vì ông thích công việc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ này, phần khác vì muốn được nhiều cô gái trong làng để ý. Ông cười nói “Ngày xưa, đàn ông phải biết đan gùi và đan gùi đẹp thì con gái trong làng mới theo”. Sẵn có đam mê cộng với năng khiếu nên chỉ trong thời gian ngắn, ông Siu Lơl đã đan thành thục những chiếc gùi có nắp với đủ kích cỡ, có hoa văn, họa tiết cầu kỳ... Nói có vẻ đơn giản, song để hoàn thành một chiếc gùi cũng tốn khá nhiều thời gian. Cứ vài tuần, ông Lơl lại băng qua con suối Ia Glai phía sau nhà đến núi Gố để tìm nguyên liệu về đan gùi, đó là cây lồ ô và cây Nung. Theo ông Lơl, muốn gùi chắc, bền thì phải chọn những đoạn lồ ô thẳng, đẹp, không già cũng không non, sau đó đem về chẻ lạt, phơi khô. Cầu kỳ ở chỗ, để có những sợi lạt đủ màu sắc tạo hoa văn, điểm nhấn trên thân gùi, nắp gùi, ông phải tỉ mẩn dùng sơn và quét lên từng sợi lạt, sau đó đem phơi nắng chừng 2-3 ngày mới bắt đầu đan. Riêng với các sợi lạt to dùng để bện vành gùi, vành nắp gùi, ông dùng màu đen là màu tự nhiên, do chính ông đi kiếm cây rừng về ngâm nước, tạo màu. “Cây Nung ngâm trong nước chừng vài giờ, vắt lấy nước cốt và quét lên từng sợi lạt, đem phơi khô sẽ cho ra màu đen tự nhiên rất đẹp. Các sợi lạt xanh, đỏ, vàng... quét bằng sơn sẽ bị phai màu theo thời gian, riêng sợi lạt màu đen được tạo ra từ cây Nung thì mãi bền màu”-ông Lơl bộc bạch.
Với đôi bàn tay tài hoa của mình, 32 năm qua, ông Siu Lơl đã tạo ra hàng trăm chiếc gùi đủ loại. Đặc biệt, bên cạnh những hoa văn được học từ cha, ông  Lơl còn mày mò, nghiên cứu và sáng tạo ra nhiều kiểu hoa văn, màu sắc hoa văn khác nhau để phù hợp với từng lứa tuổi người dùng. Ông Siu Lơl chia sẻ: “Gùi dùng cho con gái mới lớn màu sắc phải sáng, hoa văn đơn giản nhưng phải trẻ trung, nhẹ nhàng. Gùi dành cho phụ nữ đã có chồng thì màu sắc đậm hơn, hoa văn cầu kỳ hơn; gùi dành cho cô dâu mới về nhà chồng có màu đậm, không hoa văn...”. Cứ thế, tiếng lành vang xa, những chiếc gùi của ông không chỉ được người trong làng, trong xã yêu thích mà ngay cả người dân các làng, xã lân cận cũng mong muốn được sở hữu. Nhận chiếc gùi đặt đan cho con gái, ông Siu Bang (làng Siu, xã Ia Vê) ngắm nghía một lúc rồi gật gù ra điều rất thích. Ông Siu Bang phấn khởi: “Nhà mình ai cũng thích gùi của ông Lơl đan vì bền và đẹp. Lúc trước, mình đặt đan cho vợ một chiếc gùi có nắp, vợ mình ưng lắm! Con gái mình cũng thích nên mình quyết định đặt thêm 1 chiếc nữa...”.
Không chỉ đan gùi, mỗi tháng ông Lơl còn đan khoảng 20-30 chiếc nón từ cây lồ ô được chẻ thành sợi lạt nhỏ. Ông bảo, sợi lạt càng mỏng, càng nhỏ thì khi đan thành nón đội sẽ không bị nặng đầu, lại mát. Mỗi tháng, ông Lơl bán được khoảng 7 chiếc gùi với giá từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc tùy kích cỡ và khoảng 20-30 chiếc nón với giá 150 ngàn đồng/chiếc. Anh Kpuih Del-một thanh niên trong làng-cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì trong làng có một người tài hoa như chú Siu Lơl. Một vài người cũng đang theo chú học cách đan gùi có nắp vì muốn tiếp nối truyền thống của ông cha, giữ gìn nghề đan để không bị mai một”.
 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm