Phóng sự - Ký sự

Đổi thay ở làng không quốc tịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm trước, hàng trăm hộ dân vùng biên giới H.Ngọc Hồi (Kon Tum) sống du canh du cư giữa hai bên biên giới Việt - Lào. Cuộc sống nay đây mai đó đã khiến họ gặp không ít khó khăn, trở ngại khi chẳng có quốc tịch.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây, các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho họ được nhập quốc tịch Việt Nam. Kể từ đây, cuộc sống của họ đã bước sang một trang mới, tươi sáng hơn.
 
Kể từ ngày nhập tịch, con cháu của ông Un Kei đã được đăng ký khai sinh. Ảnh: Đức Nhật
Kể từ ngày nhập tịch, con cháu của ông Un Kei đã được đăng ký khai sinh. Ảnh: Đức Nhật
Những người không quốc tịch
Những ngày cuối năm, chúng tôi ngược quốc lộ 14 về thăm xã biên giới Đăk Dục (H.Ngọc Hồi). Đây là xã có hàng trăm người thuộc diện di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Để giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, năm 2012 hàng trăm hộ dân được các cấp tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.
Sau cái bắt tay, ông Bloong Hâm, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Dục, tâm sự khu vực xã Đăk Dục nằm giáp ranh với huyện Đăk Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Từ xa xưa, người dân hai bên vẫn đi lại canh tác, buôn bán, cưới gả con với nhau. Họ sống du canh du cư, khi thì canh tác ở Việt Nam, lúc lại sinh sống trên đất Lào.
Những năm 1977 - 1979, do cuộc sống khó khăn, hàng trăm người dân tại xã Đăk Dục kéo nhau đi ngược vào rừng thuộc huyện Đăk Chưng sinh sống. Mặc dù chính quyền địa phương đã tìm mọi cách ngăn chặn, nhưng người dân vẫn lén lút rủ nhau bỏ đi.
“Họ kéo nhau vào rừng, sống cảnh “nhiều không”: không điện, đường, trường, trạm, không nước sạch… Cuộc sống chỉ xoay quanh săn bắt hái lượm như thời nguyên thủy”, ông Hâm kể.
Cuộc sống nay đây mai đó đã biến những người này trở thành công dân không quốc tịch. Kể cả ở Lào lẫn Việt Nam, họ chỉ được cấp sổ tạm trú tạm vắng. Ngoài ra, tất cả các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, lý lịch đều không có. Cuộc sống trong rừng quá khó khăn, con cái họ không được đến trường, chăm sóc y tế, trong khi đó, xã Đăk Dục đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ nên họ quyết định quay về.
Năm 1992 là năm đánh dấu cho sự trở lại của những người không quốc tịch. Họ quay về quê cũ tại làng Đăk Si (xã Đăk Dục), dựng lại những túp lều trên đất của cha ông và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Khi vừa trở về, họ được chính quyền địa phương tạo điều kiện rất nhiều. Tuy nhiên, không có quốc tịch, hộ khẩu nên họ vẫn gặp phải những khó khăn nhất định.
“Do không có quốc tịch, họ không được tiếp cận những nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Vợ chồng kết hôn không có hôn thú. Con cái không được khai sinh, khi đến trường thì không được hưởng các chế độ chính sách như con em người đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Hâm nhớ lại.
 
Làng Đăk Si đã đổi thay kể từ ngày người dân được nhập tịch
Làng Đăk Si đã đổi thay kể từ ngày người dân được nhập tịch
Lay lắt giữa rừng
Buổi trưa, làng Đăk Si vắng hoe. Những căn nhà khang trang, nằm san sát nhau, đóng cửa kín mít. Dắt chúng tôi tham quan ngôi làng vừa nhập tịch, anh A Hạ, cán bộ văn hóa xã Đăk Dục, cho hay điều khó tin là chỉ hơn 10 năm về trước, làng Đăk Si 100% là nhà vách gỗ. Kể từ khi nhập tịch, cuộc sống người dân mới dần thay đổi. Đăk Si được xem là một trong những làng chịu thương chịu khó nhất xã. Cũng bởi vậy, vào ban ngày trong làng hiếm có người ở nhà. Họ đã lên rẫy gần hết, số ở nhà có chăng là những người già và trẻ nhỏ.
Bên căn nhà khang trang mới được xây dựng cách đây vài năm, ông Un Kei (60 tuổi) đang ngồi chẻ lạt đan gùi. Thấy người lạ, ông Kei kéo khách ngồi xuống hiên nhà tránh nắng.
Khi được hỏi về những tháng năm sống trong rừng, ông tâm sự, những ngày còn nhỏ ông đi theo bố mẹ vào sâu trong rừng ở bên kia biên giới sinh sống. Khi đó, cả làng hàng trăm người rủ nhau vào sống dưới những tán rừng già. Gia đình ông và nhiều nhà khác chủ yếu hái rau rừng, săn chim, thú làm thức ăn. Điện, nước không có nên cả làng phải dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Trường học cũng cách nhà gần một ngày đêm lội rừng nên mấy anh em Un Kei chẳng muốn đi học. Hằng ngày, Un Kei phụ bố mẹ hái rau dại, săn bắt đắp đổi qua ngày.
“Khoảng năm 1979, bố mẹ mình rời làng để vào rừng sâu sinh sống. Khi đó, còn nhỏ nên bố mẹ đi đâu mình theo đó. Tuy nhiên, cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn lắm. Mỗi khi nhà hết mắm, muối, mình phải đi bộ, ngủ rừng một đêm mới ra được tới trung tâm. Cực hơn là, mỗi khi đau ốm thì mọi người để tự khỏi, hoặc hái lá thuốc rừng nấu uống. Đến lúc bệnh trở nặng thì mới lội bộ 2 ngày xuyên rừng để ra bệnh viện huyện Đăk Glei”, ông Un Kei nhớ lại.
Chỉ vào ngón tay trỏ cụt lủn, ông Kei kể rằng, hàng chục năm trước, trong một lần đi làm ông bị rắn lục cắn. Đường về bệnh viện quá xa, lúc ấy trong nhà lại chẳng có tiền. Vậy là ông Kei đành đắp lá rừng rồi để tự khỏi. Một thời gian sau, vết rắn cắn bị hoại tử, ngón tay của ông Kei cũng theo đó mà teo lại.
Sống mãi trong rừng nhưng cái bụng chẳng được no, cuộc sống mỗi lúc một khó khăn hơn. Trong khi đó, những người bà con của ông Kei vẫn bám trụ lại xã Đăk Dục thì đã khấm khá hơn ngày cũ. Vậy rồi gia đình ông Un Kei quyết định nhặt nhạnh vài bộ quần áo cũ, dắt díu nhau quay trở về làng.
“Khi mình quay về làng, nhà chỉ dựng tạm bằng mấy tấm gỗ mọt thôi. Nghèo lắm, muốn làm kinh tế cũng khó vì không được vay vốn. Gia đình không được hưởng các chế độ, chính sách. Không được khai sinh, con cái vẫn thiệt thòi hơn chúng bạn. Tuy được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Un Kei tâm sự.
 
Ông Un Kei chia sẻ với phóng viên về những ngày còn ở rừng
Ông Un Kei chia sẻ với phóng viên về những ngày còn ở rừng
Ngày mới ở Đăk Si
Giống như ông Un Kei, năm 1979, ông A Kum (60 tuổi) cũng theo bố mẹ vào vùng rừng sâu trên đất Lào sinh sống. Đến năm 1992, vì cuộc sống quá cơ cực nên cả nhà ông lại quay về Đăk Dục. Những ngày đầu khi chưa có quốc tịch, gia đình ông Kum vấp phải không ít khó khăn khi không thể tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, vừa không có thẻ bảo hiểm y tế, con cái lại chẳng được đi học đến nơi đến chốn. Đặc biệt, không có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh nên một số em trong làng chỉ học hết lớp 12 rồi ngậm ngùi nghỉ học.
Nhận thấy bị mất quyền lợi về mọi mặt, những người chưa có quốc tịch liền kiến nghị lên các cấp, bày tỏ nguyện vọng muốn được nhập tịch để an cư lạc nghiệp. Từ những kiến nghị của người dân, năm 2012, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống tận nơi để khảo sát, thống kê, hướng dẫn bà con làm thủ tục hồ sơ xin đăng ký hộ tịch, quốc tịch Việt Nam.
“Từ ngày nhập tịch, gia đình mình được hưởng các chính sách hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình còn được làm sổ hộ khẩu, sổ đỏ để vay vốn ngân hàng và lo cho các con đi học. Cũng nhờ được nhập tịch mà con mình mới có thể vào đại học. Sau 10 năm nhập tịch, cuộc sống của gia đình mình đã bước sang một trang mới, ấm no và đủ đầy hơn”, ông A Kum chia sẻ.
Còn ông Un Kei, từ khi được nhập tịch, ông đã vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua 3 con bò cái. Sau nhiều năm, số bò ấy cứ nhân lên trong chuồng. Giờ đây gia đình ông đã trả hết nợ, cuộc sống đã dư dả, khấm khá hơn ngày trước.
Theo anh A Hạ, cán bộ văn hóa xã, ngoài việc trở thành làng giàu nhất xã, Đăk Si cũng đã trở mình thành một trong những làng hiếu học. Ngày chưa có quốc tịch, trong làng chẳng có ai bước qua ngưỡng cửa lớp 12. Thế nhưng kể từ sau khi nhập tịch, làng Đăk Si đã có hơn 30 người được học cao đẳng, đại học. Đến nay, nhiều người trở thành giáo viên, bộ đội, công an và quay trở về xây dựng, phát triển quê hương.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm