Đổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các xã phía Đông sông Ayun gồm: Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar và Đak Trôi (huyện Mang Yang, Gia Lai) từng là vùng căn cứ cách mạng với cái tên H6. Sau 43 năm giải phóng, căn cứ địa H6 giờ đã khởi sắc.

Giờ đây, con đường từ thị trấn Kon Dơng vào 5 xã dài khoảng 50 km đã được phủ nhựa đường phẳng lì, xe chạy bon bon, không còn cảnh lầy lội vào mùa mưa và gió bụi vào mùa nắng như trước đây nữa.

 

Học sinh xã Lơ Pang giờ tan trường. Ảnh: Đ.Y
Học sinh xã Lơ Pang giờ tan trường. Ảnh: Đ.Y

Kiên cường trong kháng chiến

Trò chuyện cùng P.V, ông Phan Văn Kỳ-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Trôi, cho biết: “Nơi đây vẫn còn nhiều dấu tích của căn cứ thời kháng chiến. Theo các cán bộ lão thành kể lại, núi Yong suốt những năm kháng chiến là nơi che chở cho quân và dân ta. Tuy khó khăn gian khổ là vậy nhưng đồng bào ta vẫn kiên cường bám trụ để đánh giặc”.

Ông Sêk (làng Tơ Rah, xã Đak Trôi) từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thời đánh Pháp thì đào hầm, cắm chông, gùi gạo lên núi nuôi quân. Đến thời chống Mỹ, do thông thuộc đường sá nên ông được giao nhiệm vụ liên lạc, dẫn đường cho bộ đội. “Suốt cả tuổi trẻ, tôi chủ yếu sống trong rừng, thỉnh thoảng mới ghé qua làng. Về làng cũng không gặp ai vì nam nữ thanh niên đều đã rời làng tham gia cách mạng, còn người già và trẻ em cũng phải dời sát vào chân núi để tránh càn quét. Khó khổ là vậy nhưng ai cũng một lòng theo cách mạng”-ông nói.

Sau ngày giải phóng, ông Sêk được phân công làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã, rồi Chủ tịch UBND xã, đến năm 2000 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông vẫn tham gia làm Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh làng. Dù tuổi đã cao nhưng ông cùng Ban nhân dân thôn luôn vận động bà con trong làng chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nỗ lực thoát nghèo

Giờ đây, 5 xã Đông sông được biết đến là một vùng đất đang vươn lên khởi sắc từng ngày. Đây là địa bàn có trên 70% dân số là dân tộc Bahnar. Nhà nào cũng trồng bời lời, mì, hồ tiêu, cà phê... Điều đáng nói là người dân đã biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết ủ phân chuồng để bón cho cây trồng và tưới bằng hệ thống nước tự chảy để tiết kiệm nhiên liệu và công sức. Các hộ còn mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm như gạo Ba Chăm, hồ tiêu, cà phê sạch ra thị trường.  

Đưa chúng tôi đi xem một số mô hình làm kinh tế giỏi của nông dân trên địa bàn xã, bà Nguyễn Thị Kim Hồng-cán bộ phụ trách Địa chính-Nông nghiệp xã Kon Thụp, cho biết: “Ở xã Kon Thụp, hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm đếm không hết được, phần lớn là đồng bào Bahnar”. Trong số này, tiêu biểu có ông Byưn (làng Groi, xã Kon Thụp). Nhà ông có 2.000 trụ hồ tiêu, 3 ha bời lời, 2,5 ha cà phê, 1,5 ha cao su, 5 sào chanh dây, 5 sào lúa nước 2 vụ... Hàng ngày, ông thuê 3-4 lao động trong làng làm việc cho mình. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Byưn lãi hơn 500 triệu đồng. “Mấy năm trước, nhờ hồ tiêu, cà phê được giá, mình đã làm được ngôi nhà khang trang, còn mua được xe công nông, máy cày phục vụ sản xuất. Bây giờ, cuộc sống khấm khá rồi, mình rút lui nhường lại cho con làm, chỉ làm vai trò “cố vấn” cho các con và dân làng về “bí quyết” mang lại giá trị kinh tế cao trên cùng một diện tích”.

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng nhờ biết học hỏi từ những người đi trước, anh Plinh (SN 1980, làng Sơ Pir, xã Kon Thụp) đã có cuộc sống khấm khá. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh không tiếp tục con đường học vấn mà về nhà làm kinh tế. Nhờ bố mẹ cho 2 sào đất, Plinh trồng hồ tiêu. Hiện nay, gia đình anh có 1,6 ha cao su, 1.000 trụ hồ tiêu, 6 sào cà phê. Ngoài ra, anh còn mua 2 máy cày để đi cày thuê, có xe tải làm dịch vụ chở nông sản. Mỗi năm, sau khi trừ hết chi phí, gia đình anh thu về 200 triệu đồng.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm