Đổi thay ở vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhìn lại sau 45 năm thống nhất đất nước, chúng ta có “ham muốn” khái quát lại những dấu ấn, những cột mốc quan trọng, như đâu là những đổi thay căn bản nơi vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), để thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng khó khăn, đồng thời tiếp tục xác định trách nhiệm vì mục tiêu ổn định và phát triển bền vững ở khu vực này.
Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư
Đề cập đến sự đổi thay căn bản về cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, thật tự nhiên chúng tôi liên hệ tới những chuyến công tác đến xã Kon Pne (huyện Kbang) và Hà Đông (huyện Đak Đoa) cũng như một số nơi trước đây nổi tiếng khó khăn. Là vì lúc đó, người và phương tiện vào ra những nơi này 2 mùa mưa nắng vô cùng gian nan. Vậy nên trong những khó khăn, bất tiện nơi vùng sâu, vùng xa, trước hết phải nói đến hạ tầng giao thông.
Nhưng bây giờ, khi nhiều tỉnh lộ, huyện lộ được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, rong ruổi vào Kon Pne, Hà Đông hay Ia Lâu (huyện Chư Prông), Sró (huyện Kông Chro), Krông Năng (huyện Krông Pa)… không còn là chuyện khó. Hạ tầng giao thông được đầu tư không chỉ kết nối các vùng, đi lại dễ dàng mà còn làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tiến độ xây dựng đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) ngày 24-2-2020. Ảnh: Q.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tiến độ xây dựng đường lên làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) ngày 24-2-2020. Ảnh: Q.T
Sau đường sá là trường, trạm, bưu điện, công trình thủy lợi, khai hoang đồng ruộng…Tổng hợp mới nhất cho thấy, đến nay, đường giao thông đã nối liền các xã 2 mùa mưa nắng; 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, 99,76% hộ gia đình được sử dụng điện; 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Kết cấu hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, viễn thông, thông tin được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của nhân dân. Với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn và TP. Pleiku được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn nhưng 26 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện Kbang, Đak Pơ đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Thành tựu đó có được là do sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, dự án, công trình hướng đến hỗ trợ đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-đánh giá: Nhiều chương trình, dự án hiện vẫn đang còn triển khai và phát huy hiệu quả. “Như Chương trình 135, đến năm 2020, toàn tỉnh có 64 xã còn nằm trong chương trình và có 16 xã được đầu tư với nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng. Vậy nên, nếu nói về sự đổi thay căn bản nhất của vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS thì đó chính là hạ tầng kinh tế-xã hội”-ông Đô khẳng định.
Nâng cao đời sống người dân
Bên cạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làm bàn đạp để phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ sát sườn của các ngành, địa phương là nâng cao đời sống sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Gần nửa thế kỷ qua và cho đến hôm nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống chính trị trong tỉnh vẫn là giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập. Kể từ hình mẫu giúp dân làm lúa nước ở xã Tơ Tung (huyện Kbang), hàng trăm, hàng ngàn công trình, mô hình tương tự khắp các địa phương trong tỉnh đã ra đời, lan tỏa cung cách làm ăn mới một cách thuyết phục.
 Diện mạo nông thôn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đ.T
Diện mạo nông thôn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Đ.T
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, nhiều phong trào, mô hình, cách làm sáng tạo được triển khai sâu rộng như: “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Cơ quan, đơn vị giúp địa phương; cán bộ, đảng viên giúp hộ gia đình thoát nghèo”, “Cây lúa xen canh”, “Vườn cây kết nghĩa”, “Bò giống cho người nghèo”, “Gắn kết hộ”, “Phụ nữ DTTS tiết kiệm 5-10 triệu đồng”... Nhiều mô hình sản xuất hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, kinh doanh mới mẻ như du lịch cộng đồng, dệt thổ cẩm, làm muối kiến, thịt bò một nắng, trồng rừng, nuôi trùn quế, trồng cây ăn quả, chăn nuôi, tham gia cánh đồng một giống, cánh đồng lớn ở Ia Pa, Phú Thiện, Kbang ra đời.
Trước đây, gia đình ông Siu Gok (thôn Puối Lốp, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) rất khó khăn. Nhưng từ khi hưởng ứng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, gia đình ông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà vươn lên khá giả. Năm 2019, ông thu nhập hơn 200 triệu đồng từ phát triển mô hình chăn nuôi nông hộ kết hợp trồng cà phê, hồ tiêu, bắp lai. Ông Lê Thanh Việt-Chủ tịch UBND xã Ia Le-nhìn nhận: Thay đổi phương thức sản xuất, tập quán sinh hoạt của bà con DTTS là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng nếu có kế hoạch, phương pháp, quyết tâm thì sẽ thành công. Đặc biệt, phải lấy kết quả để chứng minh, thuyết phục thì bà con mới nghe.   
Cùng với ổn định và nâng cao đời sống kinh tế, hiện nay, 100% làng DTTS đã định cư; hộ thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt đều được giải quyết cơ bản. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 25,8 ngàn hộ nghèo, chiếm 7,04% số hộ. Trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm 86,71% và hộ cận nghèo DTTS chiếm 78,37%. Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào DTTS thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm huy động đúng với cơ cấu đã được quy định. Tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân khác; vốn đối ứng và sự tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng. Làm được điều đó cũng có nghĩa tỉnh nhà đã thành công trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh xuống dưới 5% vào cuối năm 2025.
THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm