Phóng sự - Ký sự

Đổi thay từ chuyển đổi số - Bài 2: Chatbot 'Sáng mãi tên Người'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hai giảng viên trẻ Võ Tuyết Ngân và Võ Thị Thanh Nữ (Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) đã hướng dẫn nhóm sinh viên phát triển Chatbot 'Sáng mãi tên Người'.

Người bạn ảo

Chỉ một thao tác nhỏ từ các thiết bị di động thông minh, máy tính, ai cũng có thể gặp và trò chuyện với người bạn ảo này. Chatbot là “hệ thống hộp thoại có thể giúp con người giao tiếp trực tiếp với máy tính bằng ngôn ngữ tự nhiên”. Chatbot “Sáng mãi tên Người” bước đầu được trang bị hơn 1.000 câu hỏi và phân thành 32 nhóm chủ đề để học sinh, sinh viên và mọi người chủ động tìm hiểu các thông tin về cuộc đời, sự nghiệp của Bác.

Chatbot “Sáng mãi tên Người” vừa đoạt giải Nhất Hội thi Olympic các môn Khoa học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng soi đường” năm 2023 của tỉnh Cà Mau. Cô giáo Võ Tuyết Ngân chia sẻ, trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng nhiều kịch bản và tính năng hơn cho Chatbot. Đồng thời, huấn luyện Chatbot trả lời linh hoạt và thông minh hơn thông qua việc mở rộng, xây dựng và cải tiến cơ sở dữ liệu của hệ thống.

Là chủ nhiệm dự án, cô Võ Tuyết Ngân, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Cà Mau, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau chia sẻ, Chatbot "Sáng mãi tên Người" được nhóm tác giả thiết kế với mong muốn cung cấp những kiến thức bổ ích về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Với nguồn tư liệu có độ chính xác cao, Chatbot góp phần làm tăng sức hấp dẫn môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp sinh viên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu cũng như tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn”, cô Ngân cho biết.

Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau thường tổ chức hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin, sản phẩm số giúp ích cho cuộc sống. Giảng viên trẻ Tuyết Ngân và nhóm nghiên cứu đã cho ra mắt nhiều sản phẩm số hữu ích, như: thiết bị chống trộm cho phòng lab nhà trường; thiết bị đèn tiết kiệm năng lượng cho các phòng thực hành máy tính; nhận dạng ảnh xử lý ảnh…

Có niềm đam mê với công nghệ thông tin, cô Ngân luôn trăn trở tìm giải pháp giáo dục hiện đại làm sao truyền đạt kiến thức một cách chủ động, hấp dẫn cho sinh viên trong xu thế chuyển đổi số hiện nay. Đặc biệt, với bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cô mong muốn sinh viên tìm được niềm vui, cảm hứng từ môn học mà không thấy bị áp lực. Từ đó, cô bàn với cô Võ Thị Thanh Nữ cùng nhóm sinh viên trong trường xây dựng nên Chatbot “Sáng mãi tên Người”.

Để xây dựng Chatbot, trong quá trình thực hiện, nhóm tác giả gặp phải nhiều thách thức, bởi kiến thức về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất rộng lớn. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong phong cách văn chương của người dùng gây khó khăn cho Chatbot muốn hiểu được ý định của họ.

Cô Võ Tuyết Ngân (trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) trong một lần giao lưu với các em nhỏ.

Cô Võ Tuyết Ngân (trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) trong một lần giao lưu với các em nhỏ.

Phụ trách phần thiết kế cơ sở dữ liệu cho Chatbot, cô Võ Thị Thanh Nữ (SN 1989, giảng viên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau) cho biết, dữ liệu của Chatbot được xây dựng từ nguồn tài liệu chính thống, như: giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo trình Đường lối Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bộ GD&ĐT ban hành. Nhóm cũng tìm hiểu từ những cuốn sách, giáo trình về tiểu sử Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia- Sự Thật ban hành; báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và tài liệu tại các website Trường Chính trị của các tỉnh, thành.

Học sinh, sinh viên dễ tiếp cận với môn học lý luận thông qua chatbot. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Học sinh, sinh viên dễ tiếp cận với môn học lý luận thông qua chatbot. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Cô Thanh Nữ chia sẻ, từ kho dữ liệu, nhóm nghiên cứu thu thập hơn 1.000 câu hỏi thuộc 32 nhóm chủ đề với 32 nhóm từ khóa. Khi người dùng gõ nội dung gần hoặc chính xác có chứa cụm từ khóa, tỷ lệ câu trả lời thành công rất cao. Chỉ với thao tác quét mã QR, Chatbot “Sáng mãi tên Người” hiện ra như một người bạn ảo giải đáp các câu hỏi của người dùng cần tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Truyền đam mê số cho sinh viên

Hiện Chatbot đã được sinh viên trong trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau sử dụng rộng rãi. Đánh giá về hiệu quả của sản phẩm, cô Võ Thị Thanh Nữ cho biết, Chatbot đã phát huy hiệu quả trong học tập môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần làm tăng sức hấp dẫn môn học, giúp sinh viên tiếp thu bài giảng dễ dàng hơn.

“Với những kiến thức hỗ trợ từ Chatbot “Sáng mãi tên Người”, việc tự học của sinh viên ở nhà cũng rất dễ dàng, rèn luyện được tính chủ động sáng tạo của sinh viên trong quá trình học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như nghiên cứu hiểu sâu hơn về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Người”, cô Thanh Nữ chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Đan Thuyên là một trong những sinh viên đầu tiên của trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau biết tới và sử dụng Chatbot “Sáng mãi tên Người”. Đan Thuyên có niềm yêu thích đặc biệt khi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đây, Thuyên thường phải đi tìm và mua tài liệu về đọc, nay với Chatbot “Sáng mãi tên Người” chỉ cần vài thao tác trên chiếc điện thoại thông minh là thu thập được cả kho kiến thức.

“Chatbot không chỉ giúp em học bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh một cách dễ dàng, hiệu quả hơn mà còn trang bị hệ thống tri thức lý luận chính trị đúng đắn cho bản thân. Đặc biệt, em đã rèn mình tiến bộ mỗi ngày qua những kiến thức, mẩu chuyện kể về Người”, Thuyên nói.

Bên cạnh Chatbot “Sáng mãi tên Người”, cô Võ Tuyết Ngân và nhóm sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau còn thiết kế xây dựng 2 Chatbot về tuyển sinh; giới thiệu du lịch Đất mũi Cà Mau. Cả 2 Chatbot đã được ứng dụng thực tiễn rất hiệu quả.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm