Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đồng bào Jrai chung tay dựng nhà rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào Jrai ở thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã chung tay xây dựng nhà rông làm nơi sinh hoạt, tổ chức lễ hội.

Ông Rơ Châm Bêk-Trưởng thôn Yăh-cho hay: Cách đây hơn 20 năm, làng có nhà rông làm bằng gỗ, mái tranh rất đẹp. Tuy nhiên, ngôi nhà rông này sau đó bị cháy. “Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà rông và các hiện vật có giá trị như: chiêng, ché, trống… bên trong. Khi nhà rông không còn, mọi hoạt động của cộng đồng trở nên đìu hiu. Những đêm lễ hội, nhịp chiêng, điệu xoang cũng đượm buồn hơn”-ông Bêk nói.

Nhà rông làng Mun, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh. Ảnh: R'Ô HOK


Để làm lại nhà rông, dân làng đã tổ chức họp, thống nhất hình thức đóng góp. Làng cũng quyết định cho thuê 1,8 ha đất chung để có thêm kinh phí xây dựng nhà rông. Hàng năm, số tiền thu được từ cho thuê đất tiếp tục được đem cho bà con trong làng vay đầu tư phát triển kinh tế. Sau mỗi vụ mùa, người được vay vốn đóng góp thêm kinh phí cho làng. Qua nhiều năm dành dụm, quyên góp, năm 2021, làng đã có đủ kinh phí dựng 2 nhà rông, trong đó có nhà rông truyền thống và nhà rông văn hóa khang trang với tổng trị giá hơn 237 triệu đồng. Ông Bêk cho hay: “Với người Jrai, đây là ngôi nhà chung, cũng là nơi thực hiện các nghi lễ truyền thống của buôn làng. Ngày công trình hoàn thành, làng tổ chức lễ hội tưng bừng. Bà con góp gạo, góp tiền mua heo, bò, tổ chức đánh chiêng, múa xoang, ai cũng mừng vui, phấn khởi”.

Ở làng Mun, người dân cũng chung tay xây dựng ngôi nhà rông mới. Trưởng thôn Rơ Châm Túy cho hay: Làng có 220 hộ với 890 khẩu, 100% là người dân tộc Jrai. Cách đây hơn 4 năm, bà con đã cùng chung tay góp tiền, góp sức để dựng nhà rông mới. “Để có kinh phí xây dựng công trình, cả làng thống nhất đóng góp 700 ngàn đồng/hộ. Đồng thời, chúng tôi vận động thêm các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng. Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của già làng, chúng tôi đã thành lập 4 tổ xây dựng thay phiên nhau làm trong suốt 1 năm. Cuối năm 2020, ngôi nhà rông hoàn thành với chiều ngang 5 m, dài 9 m và cao 15 m, tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng”-ông Túy thông tin.

Ngắm ngôi nhà rông được dựng bằng chính công sức của dân làng trước khoảng sân rộng, ông Rơ Châm Yup (làng Mun) nhớ lại: “Cùng với đóng góp kinh phí, đàn ông trong làng tham gia các công việc chở nguyên vật liệu, đổ đất san lấp mặt bằng; còn phụ nữ thì phụ việc bếp núc, gùi nước uống. Ai cũng hăng hái và trách nhiệm với công việc của mình. Từ ngày công trình hoàn thành, các giấy khen, bằng khen của làng và các hiện vật như: cồng chiêng, trống, nỏ... đều được trưng bày hết ở đây. Thanh-thiếu niên cũng có nơi tập luyện văn nghệ, học đánh cồng chiêng, múa xoang”.

Bên trong nhà rông làng Mun được trưng bày các giấy khen thưởng, bộ chiêng, trống. Ảnh: R'Ô HOK


Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Mruych-Bí thư Đảng ủy thị trấn Ia Ly-thông tin: Thị trấn có 3 tổ dân phố và 4 làng đồng bào dân tộc Jrai. Cả 4 làng này đều có nhà rông. Thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền thị trấn tuyên truyền, vận động bà con và kêu gọi các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu để xây dựng nhà rông mới thay thế nhà rông xuống cấp. Việc này đã nhận được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân. “Nhà rông là biểu tượng cho sự uy nghiêm, thiêng liêng của mỗi ngôi làng Jrai. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm hướng dẫn các làng bảo vệ, trùng tu nhà rông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trưng bày các hiện vật truyền thống như cồng chiêng, trống, gùi, nỏ tại các nhà rông để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa”-ông Mruych nhấn mạnh.
 

 R'Ô HOK

 

Có thể bạn quan tâm