Phóng sự - Ký sự

Dòng chảy ly hương nơi đất chín rồng: Nghịch lý cung - cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thanh niên ĐBSCL đổ xô lên các thành phố lớn làm thuê, trong khi hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động ở các địa phương là không nhỏ, thậm chí “khát” lao động dẫn đến mất cân đối cung cầu.
 
Các bạn trẻ đang viết hồ sơ xin việc
Khát...lao động
Đợt hạn mặn lịch sử cuối 2015 kéo dài đến 2016 ở ĐBSCL đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Kéo theo đó là hàng trăm nghìn thanh niên rời quê đi lên các thành phố lớn làm thuê. Ông Lâm Hòa Nhẫn, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng) cho biết, sau sự việc đó,  UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành lao động phải có giải pháp hạn chế thanh niên bỏ quê đi làm ăn xa. Đồng thời, tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp lớn đến đầu tư để thu hút lao động địa phương. Điển hình như từ năm 2017 đến nay đã có 3 doanh nghiệp thu hút lao động lớn đến đầu tư là Công ty May Nhà Bè, Công ty giày da đến từ Đài Loan và  Hàn Quốc. Chưa kể, trên địa bàn đang tập trung phát triển du lịch, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao… đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. “Hiện nay bắt đầu có tiến triển mới trong việc giải quyết việc làm. Qua đó, làm bàn đạp để thu hút lao động ngoài tỉnh trở về quê sinh sống”, ông Lâm Hòa Nhẫn nói. 
Tuy nhiên, ông Nhẫn cũng cho hay, số lao động của tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng vì hiện nay trên địa bàn có gần 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động nên nhu cầu là rất lớn. “Hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn đang khát lao động, tuyển rất khó khăn. Tỉnh đã có nhiều giải pháp, phối hợp các ngành, địa phương tìm kiếm để cung cấp lao động cho các doanh nghiệp nhưng vẫn không đáp ứng đủ”. Điển hình như Công ty May Nhà Bè cần tuyển dụng khoảng 8.000 lao động, nhưng trên địa bàn tỉnh không đáp ứng đủ nên họ phải tuyển ở các địa phương lân cận.  
Ông Nhẫn cho biết, đối với lao động phổ thông, mức lương trung bình ở thành phố lớn là 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng chi phí sinh hoạt, ăn ở đắt đỏ nên trừ chi phí còn lại khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Trong khi ở quê trung bình 3,5 - 4 triệu/tháng nhưng gần gia đình, ít chi phí. 
Hiện nhu cầu tuyển dụng của các công ty lớn trên địa bàn vào khoảng 25.000 lao động. Chưa kể, các công ty chế biến thủy sản của địa phương thu hút từ 500 - 1.000 lao động mỗi đơn vị.
Ông Nhẫn cũng cho biết, tỉnh đang tập trung 2 giải pháp chính là tuyên truyền, đẩy mạnh phân luồng học sinh THPT. Cụ thể, nếu học sinh nào không theo học lên cao nữa thì sẽ vận động đi học nghề rồi lao động tại tỉnh. Đồng thời khuyến khích lao động có tay nghề ngoài tỉnh trở về làm việc với chính sách ưu đãi như, sẽ đào tạo miễn phí, hỗ trợ chí phí học tập, ăn ở trong thời gian thực học. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh vừa ban hành Nghị quyết 03 về hỗ trợ chế độ cho lao động, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh với nhiều chính sách ưu đãi. 
Anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Cần Thơ cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp rất dồi dào, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên về thủy sản, may mặc, giày da trên địa bàn thành phố. 
Theo anh Phúc, nguyên nhân các bạn thanh niên rời quê lên thành phố lớn dẫn đến mất cân đối cung cầu lao động là do ở quê sản xuất nông nghiệp bấp bênh, luôn trong tình trạng được mùa rớt giá, nếu mạo hiểm đầu tư, rủi ro rất cao. Thêm một lý do nữa, khi làm ở Bình Dương hay TPHCM có nhiều công ty nên công nhân có nhiều sự lựa chọn cho người lao động.
Làm gì để giữ chân lao động trẻ? 
Anh Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành Đoàn Cần Thơ cho rằng, hiện nay muốn giữ chân thanh niên thì trước hết cán bộ Đoàn, đặc biệt là cán bộ Đoàn ấp phải làm kinh tế. Bởi nếu cán bộ Đoàn cũng nghèo, hằng ngày phải chạy lo bữa ăn thì làm sao nói thanh niên nghe. 
Đồng quan điểm, Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang Lâm Thành Sỹ cũng cho rằng, thực tế trên địa bàn tỉnh thanh niên đi rất nhiều. Từ đó, muốn níu giữ thanh niên cần phải có những cán bộ Đoàn cơ sở năng động. Thế nên Tỉnh Đoàn quan tâm Bí thư chi đoàn khóm, ấp. Theo anh Sỹ, đối với Bí thư chi đoàn ấp thì mức phụ cấp chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, nếu gia đình không có kinh tế họ sẽ cũng bỏ đi. Từ đó, Tỉnh Đoàn tạo điều kiện cho các bạn vay vốn để khởi nghiệp, khi đó họ mới bắn bó với địa phương và công tác Đoàn. Đồng thời, thông qua đó họ là tấm gương để thanh niên khác học tập. “Các bạn Bí thư chi đoàn ấp được hỗ trợ và khởi nghiệp thì nói lớp trẻ mới nghe. Bản thân họ khởi nghiệp mới gắn bó với công tác Đoàn và lan tỏa, truyền cảm hứng khởi nghiệp”, anh Sỹ nói. 
Anh Sỹ phân tích, ở Bình Dương làm 10 - 12 tiếng/ngày, còn làm ở quê khỏe hơn, ngày vài tiếng mà còn được làm chủ. Chưa kể, làm công nhân tới lúc nào đó sức khỏe chịu không nổi cũng quay về, khi đó sẽ gặp khó khăn hơn. Ví dụ, trường hợp điển hình là một Bí thư chi đoàn ấp ở thị xã Tân Châu có chỉ vài chục mét vuông đất nhưng họ trồng nấm rơm, xây tầng lên cao, trong nhà mát, chi phí đầu tư chỉ vài triệu nhưng có thu nhập ổn định, tháng vài triệu đồng. 
Hiện nay, Tỉnh Đoàn đang mở cửa hàng bán sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp và hỗ trợ vốn cho các bạn thanh niên làm ăn. Anh Sỹ nói, sản phẩm của thanh niên bán tại cửa hàng, nếu sản phẩm nào hút hàng sẽ sẵn sàng hỗ trợ thêm vốn để giúp các bạn đầu tư, mở rộng. 
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn kiêm Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết, Trung ương Đoàn sẽ kết nối nguồn vốn để hỗ trợ cho thanh niên ở các địa phương. Đồng thời chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ năng… Tuy nhiên, chị cho rằng, vốn chỉ là một phần, mà quan trọng là các giải pháp cụ thể của từng địa phương để hỗ trợ thanh niên. Điển hình như Cà Mau ở cấp xã họ chủ động nguồn vốn cho thanh niên vay hay thành phố Cần Thơ, An Giang… Tỉnh Đoàn cũng chủ động hỗ trợ bán sản phẩm cho thanh niên.H.H

Anh Bùi Quang Huy, Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng, nhiều cấp bộ đoàn còn lúng túng do chưa quan tâm triển khai thường xuyên hay cụ thể hóa làm thế nào để khơi dậy tinh thần nhiệt huyết trong thanh niên, thậm chí có thanh niên còn chưa biết đến khởi nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay thanh niên nông thôn đi làm ăn xa rất nhiều nên đòi hỏi cần có giải pháp thiết thực như tạo cơ chế, có mô hình cụ thể, hiệu quả thì mới giữ thanh niên lại. Đặc biệt, cần có hình thức để động viên, tuyên dương thanh niên có ý tưởng hay.

 
Bí thư Đoàn phường làm kinh tế ở Cần Thơ  ẢNH: HÒA HỘI
Hòa Hội (TP)

Có thể bạn quan tâm