Phóng sự - Ký sự

Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, có 26 bộ đội của Lữ đoàn 83 công binh hải quân và trong số ấy, có 2 sĩ quan khi hy sinh đã có vợ con ở quê nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Minh Tâm (trợ lý thi công) và Trần Văn Phòng (đại đội phó).

Quyết tâm làm kỹ sư xây dựng

Cô giáo Phan Thị Quý năm nay 65 tuổi, đang sống một mình trong căn nhà nhỏ ven đường liên xã Dân Chủ, H.Hưng Hà (Thái Bình). Kể về người chồng - liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, cô nhớ lại: Ở cùng thôn Phú Hội, cùng đi bộ mỗi ngày gần 5 tiếng đồng hồ lên thị trấn, học hết cấp 3 Bắc Hưng Hà (nay là Trường THPT Bắc Duyên Hà). Cuối năm 1974, anh Nguyễn Minh Tâm (sinh năm 1956) tốt nghiệp cấp 3 (hệ 10/10) đang chờ kết quả xét tuyển vào Đại học Xây dựng thì có giấy gọi nhập ngũ, tháng 12.1974.

Tàu HQ-931 đưa thương binh trận 14.3.1988 về căn cứ Cam Ranh. Ảnh: QCHQ

Tàu HQ-931 đưa thương binh trận 14.3.1988 về căn cứ Cam Ranh. Ảnh: QCHQ

Do đã tốt nghiệp lớp 10/10, thuộc đối tượng "có trình độ", nên chiến sĩ Tâm được đưa lên Trường trung cấp Kỹ thuật công binh (đóng ở Ba Vì, TP.Hà Nội). Sau 4 năm làm trợ giảng, chuẩn úy Nguyễn Minh Tâm tự ôn luyện và được Binh chủng Công binh cử đi thi Đại học Xây dựng, trúng tuyển vào học tại khoa Thủy lợi - cảng (nay là khoa Xây dựng công trình thủy), từ 1978 - 1982. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng, anh Tâm được thăng hàm thiếu úy, làm trợ lý thi công, thuộc ban tham mưu, Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83), Quân chủng Hải quân.

Năm 1981, anh Tâm và chị Quý kết hôn. Đầu tháng 10.1982, con gái đầu Nguyễn Thị Minh Hà chào đời. Cuối tháng 9.1985, con gái thứ Nguyễn Tú Huế sinh ra khi bố Tâm đang công tác xa. Đầu năm 1987, thượng úy Nguyễn Minh Tâm, trước khi về đơn vị trả phép, hứa với 3 mẹ con "Tết Nguyên đán Mậu Thìn 1988 sẽ xin nghỉ tết dài ngày". Thế nhưng cuối năm ấy, anh viết thư báo "đơn vị báo động chiến đấu, sẽ về sau"…

Tài liệu lưu trữ của Vùng 4 Hải quân ghi lại: "20 giờ 10 ngày 11.3.1988, tàu HQ-604 xuất phát từ căn cứ Cam Ranh đi đóng giữ đảo Gạc Ma. Trên tàu, đông nhất là lực lượng của Trung đoàn 83 công binh hải quân, gồm 70 người, được chia làm 2 khung xây dựng: một do thượng úy - kỹ sư Nguyễn Minh Tâm chỉ huy; khung còn lại do thượng úy Trần Văn Phòng (Phó đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 887) chỉ huy ".

Sáng 14.3.1988, phía Trung Quốc bất ngờ nổ súng vào lực lượng ta đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc Ma, sau đó nã pháo bắn chìm, bắn cháy các tàu HQ-604, HQ-605, HQ-505 và sát hại 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân. Cả 2 khung trưởng Nguyễn Minh Tâm và Trần Văn Phòng nằm lại trên bãi san hô Gạc Ma cùng 24 chiến sĩ công binh của mình, đều tuổi 18 - 20.

Chị Nguyễn Tú Huế bên mộ người cha Nguyễn Minh Tâm, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Dân Chủ, H.Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Mai Thanh Hải

Chị Nguyễn Tú Huế bên mộ người cha Nguyễn Minh Tâm, tại nghĩa trang liệt sĩ xã Dân Chủ, H.Hưng Hà, Thái Bình. Ảnh: Mai Thanh Hải

Chúng con đã lớn

"Cứ như là anh ấy biết sẽ hy sinh", cô giáo Phan Thị Quý nói vậy và kể: Trước khi lên tàu ra đảo, anh Tâm gửi 2 chiếc nhẫn vàng cho 2 con gái; chiếc đài, cái đồng hồ đeo tay cho vợ. Cuối tháng 8.1988, đơn vị trao lại di vật của liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm cho gia đình. Ngoài mấy bộ quân phục cũ, chăn màn… vẫn còn nguyên chiếc ruột tượng đựng gạo và chiếc khăn mặt sờn rách mà anh Tâm được cấp phát, dùng từ hồi mới nhập ngũ.

Chồng mất, nhà lại toàn con gái, nên cô giáo Quý phải vay mượn, chắt chiu mãi mới mua được cái ao cạnh đường làng, có mẩu đất kê vừa chiếc giường, cái bếp lò, để ở. Hơn 10 năm sau đó, 3 mẹ con cặm cụi nhặt từng xô đất, mảnh gạch vỡ, xô bùn để lấp xong mảnh ao. Năm 2008, lãnh đạo cấp trên về thăm gia đình liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, giật mình thảng thốt: "Nhà sĩ quan, sao lại để thế này?" và chỉ đạo các đơn vị tìm cách giúp đỡ. Tháng 5.2009, ngôi nhà tình nghĩa của Quân chủng Hải quân được hoàn tất và bàn giao cho gia đình liệt sĩ Tâm, nhân kỷ niệm 54 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam.

"Giờ nghĩ lại, vẫn không tưởng tượng nổi là 3 mẹ con đã vượt qua những ngày cơ hàn vất vả như thế", cô giáo Quý lại tần ngần: lương thực, thực phẩm cấp phát theo chế độ bao cấp, gia đình bộ đội - giáo viên không được chia ruộng, cô giáo Quý ngoài giờ dạy học, lăn lộn chăn nuôi, trồng rau. Mỗi buổi sáng, cô Quý còng lưng gánh khoai lang lên bán ở chợ Cầu, xong mới tất tả về nhà rồi lên lớp dạy môn toán.

Nữ kiến trúc sư Trần Thị Phương Lan (con gái liệt sĩ Trần Văn Phòng) và chồng đang làm việc tại nhà riêng ở TP.HCM. Ảnh: Phương Nam

Nữ kiến trúc sư Trần Thị Phương Lan (con gái liệt sĩ Trần Văn Phòng) và chồng đang làm việc tại nhà riêng ở TP.HCM. Ảnh: Phương Nam

Nữ kiến trúc sư Trần Thị Phương Lan

Đầu tháng 3.1988, thượng úy Trần Văn Phòng (sinh năm 1960, ở xã Minh Tân, H.Kiến Xương, Thái Bình; nhập ngũ tháng 3.1979) đang là Phó đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 công binh hải quân (nay là Lữ đoàn 83), thì được cấp trên giao nhiệm vụ làm khung trưởng, đưa bộ đội theo tàu HQ-604 ra chốt giữ, xây dựng đảo Gạc Ma.

Sáng 14.3.1988, thượng úy Trần Văn Phòng hy sinh cùng 63 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Hải quân nhân dân Việt Nam (Lữ đoàn 83, Lữ đoàn 146, Lữ đoàn 125, Đoàn 6 đo đạc biên vẽ bản đồ, Học viện Hải quân).

Thượng úy Trần Văn Phòng hy sinh, để lại người vợ Nguyễn Thị Bích Lạc (nhân viên quân y Lữ đoàn 83, hiện đã nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp) khi ấy mới 28 tuổi và con gái nhỏ Trần Thị Phương Lan.

Trần Thị Phương Lan sinh ngày 25.11.1986, khi bố hy sinh, cô mới gần 17 tháng tuổi, nên câu chuyện về người cha đều do mẹ Lạc kể lại.

Cuối năm 2004, cô gái Trần Thị Phương Lan học xong THPT, thi đỗ vào Đại học Kiến trúc TP.HCM, học chuyên ngành quy hoạch đô thị, khóa 4. Trong 4 năm học ở TP.HCM, xa gia đình ngoài TP.Đà Nẵng, nhưng Lan vượt qua mọi khó khăn để học tập và luôn nhận được học bổng vào mỗi cuối kỳ.

Từ năm học thứ ba, Phương Lan đã tự trang trải mọi chi phí học tập bằng việc làm thêm ngành vẽ - thiết kế bán thời gian tại một công ty thiết kế dân dụng. Cuối năm 2009, tại lễ tốt nghiệp ra trường, Phương Lan được trao danh hiệu sinh viên xuất sắc của khóa.

Với bằng tốt nghiệp loại giỏi, Phương Lan được nhận vào làm việc tại Viện Quy hoạch đô thị miền Nam (Bộ Xây dựng). Sau 9 năm công tác (2009 - 2018), Lan xin chuyển sang công tác tại Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) chuyên về bất động sản, xây dựng.

Mai Thanh Hải

Thấy mẹ vất vả, chị em Hà - Huế cũng xúm vào làm mọi việc trong gia đình. Từ mò cua bắt ốc, quét lá tre, lá phi lao cho đến việc gia đình, tự chăm sóc lẫn nhau, 2 chị em đều thành thạo và học hành rất chăm, giỏi.

Chị cả Nguyễn Thị Minh Hà, sau khi hoàn tất chương trình PTTH, chọn học Đại học Sư phạm Thái Nguyên để đỡ chi phí học tập, cho mẹ tập trung nuôi em. Hiện nay, chị Hà là giáo viên ở Trường THPT Vũ Tiên (H.Vũ Thư, Thái Bình), chồng là giảng viên Đại học Y.

Cô út Nguyễn Tú Huế tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Thương mại năm 2008 rồi ở lại trường học tiếp 2 năm kế toán. Từ 2010, Huế học cao học tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội và đến năm 2013 nhận bằng thạc sĩ kinh tế.

"Em học nhiều nên nhiều bằng cấp lắm, kể ra anh không ghi được đâu", Huế nói vui. Ngồi nói chuyện với tôi, Huế chia sẻ thêm năm 2008 - 2010 cô công tác ở Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, nhưng thấy không phù hợp nên chuyển sang Tập đoàn Intracom và từ năm 2013 chính thức làm việc tại Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội, hiện giữ cương vị kế toán trưởng công ty.

Ước mong của Huế và cả chị Hà hiện nay, rất đơn giản: "Một lần ra Trường Sa, nơi bố đã hy sinh, để thắp nén hương và báo với bố: Các con của bố, dù là con gái chân yếu tay mềm, nhưng không đầu hàng số phận và hoàn cảnh, luôn vươn lên và đã trưởng thành".

Có thể bạn quan tâm