Phóng sự - Ký sự

Dòng sông tạo nên nơi gạo trắng nước trong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên hành trình ra biển, những chi lưu của sông Hậu (một trong hai phân lưu của sông mẹ Mê Công) đã tạo thành những dòng sông khác, mang nước sông Hậu đi khắp nơi. Có thể kể đến kênh Rạch Giá - Long Xuyên, rạch Long Xuyên, rạch Tầm Bót, sông Cái Tàu Thượng, kênh Thơm Rơm, sông Ô Môn, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy… Trong đó, sông Cần Thơ là một trong số những nhánh lớn nhất rẽ ra từ sông Hậu. 
Khởi nguồn từ dòng sông Hậu
Từ xa xưa, sông Cần Thơ đã gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa, du lịch… của người dân Cần Thơ. Con sông này nói riêng và mảnh đất Cần Thơ nói chung cũng đã khơi nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm văn học, ca khúc, tranh ảnh và đặc biệt là cội nguồn của câu ca dao nổi tiếng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong - Ai đi đến đó lòng không muốn về”.
Cần Thơ là tỉnh nằm ở vị trí gần như trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, phía bờ Tây sông Hậu. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, Cần Thơ từng được trang Mysteriousworld đưa vào danh sách những thành phố có hệ thống sông rạch đẹp nhất. Làm nên vẻ đẹp của mảnh đất Cần Thơ, chắc chắn phải kể đến sự đóng góp quan trọng của sông Cần Thơ.
Tách ra từ sông Hậu tại vị trí Bến Ninh Kiều (nay là công viên Ninh Kiều), sông Cần Thơ có chiều dài 16km, chiều rộng dao động trong khoảng 280-350m, chảy ngang qua trung tâm TP Cần Thơ, quận Cái Răng, huyện Phong Điền, quận Ô Môn. Trước đây, hệ thống cầu qua sông Cần Thơ rất hạn chế, người dân ở một số khu vực muốn qua được sông phải đi bằng phà lớn nhỏ, vừa mất thời gian lại vừa nguy hiểm. Ngày nay, nhiều cây cầu khác được xây lên nối đôi bờ sông Cần Thơ, bên cạnh những chiếc cầu đã có từ trước như cầu Quang Trung, cầu Cái Răng, cầu Hưng Lợi (nối liền hai quận Ninh Kiều và Cái Răng) còn có thêm Cầu Vàm Xáng (thuộc tuyến Lộ Vòng Cung, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), cầu Tây Đô (thuộc tuyến Lộ Vòng Cung, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) và cầu Trần Hoàng Na (nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng) đang trong tình trạng xây dựng.
Những năm gần đây, sông Cần Thơ rơi vào tình trạng bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến cuộc sống của người dân hai bên bờ sông. Gần nhất là vụ sạt lở tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ (đoạn gần chợ nổi Cái Răng) vào ngày 26/6/2020. Hậu quả của sạt lở là năm ngôi nhà đổ ụp xuống sông, không xảy ra thiệt hại về người. Trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia cho rằng, việc khai thác cát trên sông quá mức làm thay đổi địa hình đáy sông, gây thay đổi dòng chảy, dẫn đến sạt lở. Để ngăn chặn tình trạng trên, TP Cần Thơ đã thực hiện dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ. Hiện, một số đoạn bờ sông đã được xây dựng xong bờ kè kiên cố, điển hình là đoạn hai bên chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên, một khó khăn đặt ra hiện nay là 200 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa được cấp tái định cư, dẫn đến cuộc sống rất khó khăn. Chị Trần Thanh Nga (ngụ tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Tôi đã nhận được tiền bồi thường, song cơ quan chức năng vẫn chưa cấp tái định cư cho tôi, cuộc sống của gia đình tôi vì thế mà bấp bênh, chưa ổn định để tôi chú tâm làm ăn”. 
Có thể thấy, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng TP Cần Thơ đã và đang làm rất tốt trong việc bồi thường thiệt hại, thực hiện chính sách tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự khắc phục biến dạng bờ sông Cần Thơ, đi đến cấp tái định cư cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Dòng sông văn hóa
Chảy ngang qua TP Cần Thơ, sông Cần Thơ đã mang lại nhiều nguồn lợi cho người dân nơi đây. Con sông đưa nước về vườn tược, bồi đắp phù sa cho cây trái xanh um, tạo thành những “thảm xanh” hoa trái miệt vườn, hấp dẫn du khách bốn phương về Cần Thơ trải nghiệm. Sông Cần Thơ là một trong những tuyến giao thông đường thủy huyết mạch của thành phố. Từ bến tàu khách Cần Thơ (nằm trong khu vực công viên Ninh Kiều), những chiếc ghe, tàu, cao tốc chở người và nông sản, hàng hóa theo sông Cần Thơ đổ về những tỉnh thành khác như Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau… Dòng sông này đã giúp cho việc trao đổi hàng hóa trở nên phát triển, thúc đẩy kinh tế của Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển.
Sông Cần Thơ cùng với những dòng sông khác đã góp phần hình thành nên văn hóa sông nước. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm đã đưa ra khái niệm “văn minh sông nước, văn minh kinh rạch Tây Nam Bộ” và khẳng định đây là nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Người dân Cần Thơ từ xa xưa đã gắn bó với sông Cần Thơ, nhiều hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, biểu diễn nghệ thuật… cũng diễn ra trên dòng sông này. Chẳng hạn như ở bến Ninh Kiều, vào mỗi đêm thường có du thuyền đưa khách tham quan sông Cần Thơ, trình diễn đờn ca tài tử. Từ nơi đây, những giai điệu truyền thống vùng Tây Nam Bộ được cất lên trong xã hội hiện đại, đờn ca tài tử lại được thế hệ hôm nay tiếp nối và lan tỏa, với khát vọng không để nó mai một. 
Chợ nổi Cái Răng - một trong những chợ nổi hiếm hoi còn giữ gần như nguyên vẹn bản sắc sông nước ở Tây Nam Bộ (bên cạnh chợ nổi Cái Bè - Tiền Giang, chợ nổi Ngã Năm - Sóc Trăng, chợ nổi Cà Mau…) tồn tại trên sông Cần Thơ. Đây là nơi ghe tàu tụ họp, hoạt động mua bán sôi nổi, sầm uất diễn ra mỗi ngày. Ghe thương hồ từ những “miệt” khác cũng đổ về đây, neo lại, buôn bán đặc sản của Cần Thơ và các tỉnh lân cận khác (phần lớn là trái cây). Có thể kể đến: ghe khóm Cầu Đúc - Hậu Giang, ghe quýt Cái Bè - Tiền Giang, ghe dưa hấu Long An, ghe sầu riêng, chôm chôm, nhãn, dâu Hạ Châu… mỗi tỉnh, mỗi mùa một loại đặc trưng. Du khách đến chợ nổi Cái Răng sẽ được thưởng thức trái cây trên ghe, ăn bún, phở,… trên chính chiếc ghe chòng chành sóng nước. Giữa một vùng sông nước mênh mông, cảm giác vừa thưởng thức đặc sản vừa ngắm cảnh, trong ngọn gió mát lành thoảng hương phù sa ngọt ngào của Tây Nam Bộ thật sự tuyệt vời. Ngày nay, chợ nổi Cái Răng vẫn còn hoạt động chủ yếu với mục đích du lịch, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Tuy vậy, cuộc sống của người buôn bán mưu sinh trên chợ nổi cũng còn nhiều khó khăn. Cô Phạm Thị Hường (62 tuổi, bán nước giải khát trên chợ nổi) chia sẻ: “Lợi thế của việc bán trên ghe là không tốn tiền thuê mặt bằng, chỉ cần có chiếc ghe vững chắc là được. Nhưng lênh đênh trên sông cũng vất vả, cực nhọc lắm chứ không phải chuyện đùa”. Đằng sau nụ cười tươi rói của các bà, các mẹ xởi lởi mời khách chính là nỗi gian truân, nhọc nhằn mà chỉ người mưu sinh trên sông mới có thể hiểu thấu.
Ngoài chợ nổi Cái Răng, theo sông Cần Thơ, du khách còn có thể tham quan những địa điểm khác. Nếu đúng mùa, du khách có thể vào tận vườn trái cây để khám phá, mua trái cây tươi ngon tại vườn không phun thuốc trừ sâu, bảo đảm sức khỏe, đậm đà hương vị miền Tây. Làng du lịch Mỹ Khánh (thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) nằm bên bờ sông Cần Thơ, cạnh bên là Thiền viện Trúc Lâm phương Nam xoay mặt về tuyến đường Nguyễn Văn Cừ nối dài ra trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm cách nấu ca-cao tại vườn ca-cao Mười Cương (thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền), tham quan lò hủ tiếu Sáu Hoài (thuộc tuyến Lộ Vòng Cung, khu vực 7, quận Ninh Kiều)… Cần Thơ chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Theo Hoàng Khánh Duy (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm