Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện: Vì quyền lợi trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2021 do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ không hoàn lại được triển khai tại 9 xã thuộc 3 huyện: Kbang, Krông Pa và Mang Yang. Với những hoạt động ý nghĩa, dự án đã góp phần chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Krông Pa-cho biết: “Nhận thức tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Ban điều hành Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện huyện đã tích cực triển khai các chương trình, hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, từng bước đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ về mọi mặt, nâng cao khả năng tiếp cận của trẻ đối với các dịch vụ xã hội; trẻ em luôn được tạo cơ hội thuận lợi trong học tập, vui chơi, phát triển bản thân”.
Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duy
Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duy

Sau 3 năm triển khai, Ban Điều hành Dự án của huyện Krông Pa đã lập 57 hồ sơ quản lý đối với trẻ em khuyết tật, mồ côi, gia đình ly hôn, nguy cơ bỏ học và các trường hợp khác. Ngoài ra, câu lạc bộ phát triển trẻ thơ toàn diện tại 3 xã duy trì hoạt động thường xuyên.

Hàng tháng, câu lạc bộ đều tổ chức các hoạt động định kỳ dưới hình thức sân khấu hóa, hội thi, diễn đàn... với các nội dung liên quan đến phòng-chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, phòng tránh tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ 0-6 tháng tuổi, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn dặm đúng cách, xây dựng hành vi của trẻ, vui chơi cùng trẻ giúp trẻ phát triển trí não, kỹ năng làm cha mẹ tích cực…

Anh Hyư-thành viên Câu lạc bộ phát triển trẻ thơ toàn diện xã Ayun (huyện Mang Yang) phấn khởi chia sẻ: “Cùng với tiếp thu những kiến thức liên quan tới chăm sóc con cái, lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng, những người tham gia Câu lạc bộ còn được hướng dẫn cách chăm sóc gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm, giao tiếp ngoài xã hội. Trung bình mỗi quý có 3-4 đợt sinh hoạt, thảo luận theo những nội dung khác nhau. Đó chính là những lợi ích thiết thực, có thể thấy rõ khi dự án được triển khai tại địa phương”.
Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duy
Một buổi sinh hoạt nhóm của Câu lạc bộ Phát triển trẻ thơ toàn diện xã Lơ Ku (huyện Kbang). Ảnh: Hà Duy

Năm 2020, dự án triển khai nhiều hoạt động như: truyền thông chương trình làm cha mẹ “không ai hoàn hảo”; tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cán bộ làm công tác này; vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng; xây dựng mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng; giáo dục kỹ năng phòng ngừa Covid-19 cho hơn 4.000 học sinh... Tổng số kinh phí dành cho các hoạt động là trên 9 tỷ đồng do UNICEF tài trợ.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song việc triển khai dự án vẫn có những hạn chế nhất định. Ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện tỉnh-cho hay: “Năm 2020, các ngành, địa phương tập trung nguồn lực để phòng-chống dịch bệnh. Vì thế, các hoạt động liên quan đến dự án cũng bị ảnh hưởng. Hầu hết 9 xã dự án thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, điều kiện sống của nhiều gia đình còn nhiều khó khăn nên việc tiếp cận các dịch vụ phát triển trẻ thơ toàn diện còn hạn chế”. 

Ông Nguyễn Minh Nhật-chuyên gia Giáo dục của UNICEF Việt Nam-cho rằng: “Năm 2021 là năm cuối của chu kỳ 5 năm theo kế hoạch triển khai dự án. Vì vậy, tỉnh cần cố gắng để chuyển tải những kiến thức, hành động trực tiếp đến với người dân, trẻ em để đạt được những kết quả tốt nhất. Khi xây dựng chương trình, cần xem xét đối tượng yếu thế, giải quyết triệt để gốc rễ các vấn đề. UNICEF toàn cầu đang có một số hoạt động trọng tâm như: giáo dục hòa nhập và nâng cao áp dụng công nghệ trong giáo dục; bảo vệ trẻ em, tập trung các vấn đề bạo lực, bạo hành trong xã hội, trong trường học; biến đổi khí hậu, trường học xanh, cộng đồng xanh... Tôi cho rằng, Gia Lai có thể tham khảo để triển khai phù hợp với đặc điểm của tỉnh nhà”.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm