Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Dự kiến kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV sẽ diễn ra trong 19 ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tiếp tục Phiên họp thứ 23, sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Cùng dự Phiên họp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành Phiên họp

Khẩn trương, nỗ lực, đổi mới trong công tác chuẩn bị Kỳ họp

Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, nêu rõ dự kiến chương trình chi tiết của Kỳ họp được bố trí trên cơ sở tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các Kỳ họp, trong đó đề nghị bố trí một ngày thảo luận chung ở hội trường về kinh tế-xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước, kết hợp thảo luận Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp là 19 ngày, trong đó, xây dựng luật: 11 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 6,5 ngày; khai mạc, bế mạc: 1,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018 và dự kiến bế mạc vào ngày 14/6/2018.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực, khẩn trương, nỗ lực, cố gắng đổi mới, có nhiều tiến bộ trong việc chuẩn bị các nội dung Kỳ họp. Bảy dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong số 9 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, có hai dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 22 và 7 dự án được trình tại Phiên họp này cùng Báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề. Với tiến độ như vậy, nếu các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện thì có thể gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, thảo luận trước tại địa phương đúng thời hạn quy định.

Các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, nội dung liên quan đến hoạt động chất vấn và một số nội dung khác đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 5.

Tăng thời lượng thảo luận tại hội trường

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến có ý kiến, mỗi năm, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện rất nhiều hoạt động giám sát theo chương trình, ngoài ra còn có các hoạt động giải trình, giám sát riêng. Vì vậy, mỗi năm cần có một báo cáo tổng hợp rút ra từ các hoạt động giám sát, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, cần thiết thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết.

Báo cáo này không thảo luận riêng tại Quốc hội, mà có giá trị tham khảo để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin sử dụng trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Chủ trì phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu để chuẩn bị cho Kỳ họp cuối năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu quan điểm cần tăng thời lượng thảo luận ở hội trường về những dự án luật quan trọng, dư luận quan tâm, qua thảo luận vẫn còn những ý kiến khác nhau như dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định có cùng quan điểm này, cho rằng nên tăng thời lượng thảo luận tại hội trường, giảm bớt thời lượng thảo luận tại tổ.

Tán thành với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giảm thời gian họp tổ để tăng thời gian thảo luận ở hội trường.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá thời gian qua, các kỳ họp của Quốc hội rất nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng, đặc biệt những nội dung quan trọng, cử tri quan tâm như thảo luận về kinh tế- xã hội, chất vấn và trả lời chất vấn đã được bố trí thời gian thỏa đáng.

Để nâng cao hơn nữa hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, Phó Chủ tịch nước cho rằng Tổng Thư ký Quốc hội cần nghiên cứu, bố trí thời gian thảo luận nội dung dự luật hợp lý trên cơ sở tính chất, mức độ, quy mô của luật. Nêu một thực trạng là trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, số lượng sửa đổi, bổ sung luật chiếm tỷ lệ lớn, điều này cho thấy "tuổi thọ" của luật ngắn, Phó Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan xây dựng luật, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cần nâng cao chất lượng xây dựng luật, đảm bảo tính ổn định của pháp luật.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung chương trình kỳ họp. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án một luật sửa 4 luật (Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản), đề nghị rút Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị bổ sung vào một luật sửa 13 luật liên quan đến quy hoạch; đưa dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thay dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản vào dự kiến các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; bổ sung báo cáo tổng kết Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26); Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện do IPU và UNDP phối hợp xây dựng, phát hành, sẽ có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội; bổ sung báo cáo kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ.


 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu.



Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sau Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không đồng ý bổ sung thêm nội dung mới vì không bảo đảm về thời gian theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ cho rút những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy chưa bảo đảm chất lượng để trình Quốc hội.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc thí điểm cải tiến chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua (mỗi đại biểu hỏi 1 câu không quá 1 phút, Bộ trưởng trả lời ngay không quá 3 phút) được thực hiện rất tốt, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Tuy nhiên, ở quy mô Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì điều này phù hợp, nhưng Quốc hội có quy mô lớn hơn, nên để tạo điều kiện cho Bộ trưởng, trưởng ngành chuẩn bị trả lời, việc cải tiến sẽ được tiến hành từng bước.

Mỗi đại biểu sẽ hỏi 1 câu không quá 1 phút, Bộ trưởng trả lời mỗi câu không quá 3 phút. Cứ sau mỗi lượt 3 câu hỏi, Bộ trưởng sẽ trả lời 1 lần. Như vậy, mỗi đợt chất vấn-trả lời chất vấn sẽ kéo dài 12 phút. Nếu bộ trưởng trả lời dài hơn sẽ bị ngắt để bộ trưởng rút kinh nghiệm trả lời đúng thời gian.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh dự kiến nội dung, dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Khóa XIV, gửi tới các đại biểu Quốc hội theo quy định.

 

Quỳnh Hoa-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm